Ảnh minh hoạ
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua gần 30 năm phát triển. Đồng thời, sự hình thành, phát triển của ngành cũng muộn hơn so với các nước trong khu vực ngần ấy thời gian.
Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, đe dọa nền sản xuất non trẻ trong nước.
Theo số liệu thống kê từ VAMA tới hết 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Malaysia và Thái Lan.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển… Trong khi đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa lại thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trong khu vực.
Về công nghiệp phụ trợ, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành là khoảng 1.800 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và năng lực còn hạn chế, chỉ có khoảng 1/6 số lượng doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
TỪ NHẬN THỨC TỚI… CHÍNH SÁCH
Liên quan tới phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam” vừa diễn ra mới đây, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã đưa ra một số kiến nghị về mặt thể chế, chính sách để tạo sự khởi sắc cho ngành CNÔT Việt Nam.
VASI cho rằng về mặt chủ trương, suốt gần 30 năm qua Chính phủ luôn nhất quán chủ trương Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp ô tô (CNÔT), thể hiện qua hàng loạt Quyết định phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và CNÔT nói riêng; phát triển ngành CN cơ khí; phát triển công nghiệp hỗ trợ; các Chương trình và đề án phát triển v.v…
Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách cụ thể được ban hành nhiều khi không thể hiện được hiệu quả những chủ trương đó, xa rời thực tế, thiếu tính khả thi. Vì vậy, trong thời gian tới tình trạng này cần phải được cải thiện mạnh mẽ.
Đối với CNÔT, VASI cho rằng 1 trong những vấn đề Chính phủ cần xác định rõ là: có khuyến khích dân sử dụng ô tô cá nhân không?
Theo VASI, thực tế nhu cầu mua sắm xe cá nhân đang và sẽ tăng nhanh hơn xe khách, xe tải, xe chuyên dụng… và đây là thị trường quan trọng cho CNÔT.
VASI cho rằng cần nhìn nhận đây là xu hướng tất yếu đối với 1 quốc gia 100 triệu dân, kinh tế tăng trưởng ổn định và tỷ lệ người trẻ tuổi cao. Nếu chính phủ xác định như vậy thì sẽ định hướng cho các Bộ ngành trong việc xây dựng, ban hành các chính sách về hạ tầng giao thông, huy động vốn, thuế-phí, môi trường… theo hướng đồng bộ hơn.
Theo VASI, điểm yếu cố hữu của việc xây dựng, ban hành chính sách ở ta nói chung là thiếu tầm nhìn, ko dự báo được những biến động của thực tiễn nên nhiều chính sách mang nặng tính chất chạy theo để xử lý thực tế, thiếu tính ổn định, tính tiên liệu được, thiếu đồng bộ và không hiếm khi thiếu rõ ràng. Chính sách thuế trong CNÔT – phụ tùng gần 3 thập niên qua cũng không tránh được điểm yếu đó.
Từ nhận thực trên, VASI cho rằng chính phủ cần quan tâm chỉ đạo: Nâng cao năng lực của đội ngũ làm chính sách; Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan khi xây dựng chính sách và thực sự chú trọng và tôn trọng khâu phản biện xã hội.
CHÍNH SÁCH THUẾ ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP Ô TÔ CẦN GÌ?
Theo VASI, các doanh nhận thức rất rõ rằng thuế là một vấn đề hết sức phức tạp và thuế cũng chỉ là 1 trong những công cụ (mặc dù là công cụ quan trọng nhất) để thúc đẩy ngành CNÔT.
Việt Nam xây dựng ngành CNÔT sau các nước trong khu vực hàng chục năm, khi mà khả năng ban hành những chính sách thuế mang tính bảo hộ, khuyến khích ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nếu chính phủ thực sự coi trọng và quyết tâm thúc đẩy ngành công nghiệp này thì vẫn có thể đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ có hiệu quả. Các chính sách thuế cần phải cố gắng đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Có tính ổn định lâu dài. Đầu tư cho SX phụ tùng-linh kiện đòi hỏi vốn lớn, doanh nghiệp Việt Nam lại bị thua thiệt khi phải chịu lãi suất vay gấp 4-5 lần doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy nếu chính sách thuế không ổn định lâu dài thì doanh nghiệp ko thể xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ dám đầu tư kiểu “ăn xổi”
– Có tính tiên liệu được. Doanh nghiệp cũng sẽ ko dám mạnh dạn đầu tư nếu chính sách thuế không thể tiên liệu, đoán định được sẽ thay đổi theo hướng nào.
– Khuyến khích sản xuất trong nước kết hợp với khuyến khích mạnh mẽ việc xuất khẩu phụ tùng-linh kiện. VASI cho rằng CNÔT Việt Nam cần định hướng tập trung vào xuất khẩu phụ tùng-linh kiện, 1 xe ô tô có tới hàng chục ngàn linh kiện, chi tiết; doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn, đề xuất sản xuất một số loại có thể đầu tư sản xuất số lượng lớn và trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của ngành ô tô khu vực và thế giới. Việc này không dễ nhưng chính sách thuế có thể đóng vai trò rất lớn.
– Tận dụng triệt để mọi cơ hội mà lộ trình cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế còn cho phép để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Cục Công nghiệp, tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân.
Tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam hiện khoảng 23 xe/1.000 dân. Xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.