Tuân thủ giới hạn về tốc độ
Giới hạn tốc độ trên đường cao tốc thường cao hơn trong thành phố và nông thôn. Ví dụ, ở Việt Nam, giới hạn tốc độ trên đường cao tốc lên đến 120km/h, trong khi giới hạn tốc độ cho phép trong thành phố dao động từ 50 đến 60km/h. Đây không đơn thuần là giới hạn tốc độ trước khi bạn bị xử phạt, mà đây cũng là cơ sở giúp chúng ta di chuyển với tốc độ phù hợp với luồng giao thông và tăng cường an toàn đường bộ.
Giữ khoảng cách an toàn
Khi đi phía sau một phương tiện khác, hãy giữ khoảng cách an toàn và áp dụng “quy tắc hai giây” với tốc độ dưới 60km/h và “quy tắc ba giây” với tốc độ trên 60km/h hoặc khi di chuyển trên đường cao tốc. Nếu xe ở phía trước vượt qua một vật thể (ví dụ như một cái cây), bạn nên đợi 2 – 3 giây trước khi vượt qua vật thể này. Những chiếc xe hiện đại như Ford Everest, Ranger Raptor hay EcoSport được trang bị công nghệ tiên tiến như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống cân bằng điện tử (ESP) có khả năng hỗ trợ các tình huống phanh gấp và đồng thời đánh lái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên duy trì khoảng cách hợp lý để bản thân có thời gian và không gian kịp phản ứng. Bạn cũng có thể tận dụng các tính năng của công nghệ hỗ trợ người lái (DAT) như hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (ACC) giúp duy trì khoảng cách nhất định với chiếc xe phía trước khi lưu thông trên đường cao tốc.
Tập trung quan sát
Hãy phóng tầm mắt càng xa càng tốt để có thể nhận biết được mọi chuyện đang diễn ra – quy tắc này đặc biệt đúng khi lái xe trên đường cao tốc với hành trình dài. Nếu tầm nhìn bị cản trở do thời tiết xấu hoặc một phương tiện lớn đi phía trước như xe tải hoặc xe buýt, bạn nên giữ khoảng cách thậm chí xa hơn bình thường. Quy tắc ba giây nên được tăng thành bốn đến năm giây trong những trường hợp này, tối thiểu bạn cũng nên thấy được những gì đang xảy ra phía trước của phương tiện ngay trước xe bạn.
Di chuyển thận trọng
Việc vượt qua các phương tiện khác là điều không thể tránh khỏi trên đường cao tốc, nhưng đồng thời, bạn phải tuân thủ chặt chẽ các biển báo “cấm vượt” để có thể di chuyển an toàn. Tại các quốc gia có tay lái thuận như Việt Nam, các phương tiện di chuyển bên làn đường bên phải và vượt bên trái. Khi vượt, hãy nhớ kỹ ba thao tác sau: “Nhìn gương, ra tín hiệu, di chuyển”. Trước tiên, kiểm tra gương để quan sát tình hình giao thông phía sau hoặc bên cạnh xe. Sau đó, ra hiệu bằng đèn tín hiệu và di chuyển một cách an toàn. Các tài xế cũng nên quay đầu lại kiểm tra điểm mù (một khu vực không thể nhìn thấy qua gương) để tránh va chạm. Một số dòng xe Ford được trang bị sẵn Hệ thống Cảnh báo Điểm mù (BLIS) có thể giúp phát hiện và thông báo cho người lái xe về các phương tiện có khả năng đi vào khu vực điểm mù.
Dừng xe an toàn
Các phương tiện thường lưu thông với tốc độ cao trên đường cao tốc, chính vì vậy việc dừng xe giữa đường là vô cùng nguy hiểm và được khuyến cáo là không nên thực hiện. Nếu cần dừng lại, hãy tìm lối ra gần nhất và một nơi an toàn để tấp vào. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp chẳng hạn như gặp vấn đề với xe cộ, hãy cố gắng lái xe vào lề đường bên phải và ra khỏi luồng giao thông trước khi dừng lại. Bật đèn dừng khẩn cấp và đặt biển cảnh báo nguy hiểm khoảng 50 mét phía sau xe của bạn để cảnh báo cho những xe phía sau. Ngoài ra, bạn phải luôn có một danh sách liên lạc trong xe bao gồm số điện thoại của các trung tâm dịch vụ khẩn cấp hoặc Hiệp hội Ô tô ở địa phương để có thể gọi giúp đỡ khi cần thiết.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đường cao tốc đang được xây dựng khắp nơi tại Châu Á, việc trang bị những kỹ năng cần thiết và biết cách xử lý khi di chuyển trên đường cao tốc ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đường cao tốc có thể là một thử thách khác so với việc lái xe trong thành phố, tuy nhiên đó không nhất thiết phải là một trải nghiệm đáng sợ nếu bạn làm theo những bí kíp nói trên và thực hành các thói quen lái xe an toàn.