“Về cơ bản chúng tôi buộc phải cam kết giữ bảo mật mọi loại thông tin. Nếu xe Tesla được dùng để phục vụ mục đích phản gián ở Trung Quốc hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chúng tôi chắc chắn sẽ bị đóng cửa.”
Chỉ vài giờ đồng hồ trước khi Musk có bài phát biểu được truyền trực tiếp từ Mỹ đến phòng hội nghị ở Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, Reuters và Bloomberg đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đã cấm xe Tesla đi vào những doanh trại của họ, và bày tỏ lo ngại liên quan đến những camera trang bị trên xe phục vụ mục đích an toàn. Thêm nữa, Wall Street Journal hôm thứ 6 cũng đưa tin chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc “thành viên quân đội và nhân viên những công ty quốc doanh quan trọng” sở hữu và sử dụng xe hơi do các hãng của Mỹ sản xuất, “viện dẫn lo ngại liên quan đến lượng dữ liệu mà xe hơi thu thập có thể trở thành nguồn rò rỉ bí mật quốc gia.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời CNN, rằng họ không biết tới lệnh cấm cụ thể liên quan tới xe của Tesla, tuy vậy vẫn tuyên bố nước đôi: “Nhưng bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động và đầu tư ra nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại. Chỉ cần các doanh nghiệp nước ngoài đến Trung Quốc hoạt động và đầu tư phù hợp với luật pháp và quy định, Trung Quốc có thái độ chào đón, cởi mở và tận tâm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp các nước.”
Quay trở lại với bài phát biểu của Elon Musk. Vị CEO của Tesla đem ví dụ TikTok ra so sánh: “Mỹ muốn cấm ứng dụng TikTok. May mà điều đó không xảy ra. Rất nhiều người lo ngại ứng dụng này. Nhưng tôi nghĩ những lo ngại đó là không cần thiết, và chúng ta nên tìm ra những bài học từ những sự cố như vậy.”
Bản thân Tesla cũng đang đầu tư khá mạnh tay vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sau khi họ mở nhà máy lắp ráp ô tô điện ở Thượng Hải. Năm 2019, Tesla bắt đầu sản xuất xe ở Trung Quốc để tấn công vào thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Musk thậm chí còn gọi nhà máy Shanghai Gigafactory của Tesla là “nền tảng để phát triển trong tương lai.” Ở thời điểm ấy, Tesla được toàn quyền kiểm soát dự án, điều khá hiếm thấy, kèm thêm cả sự hậu thuẫn và ủng hộ của chính quyền sở tại.
Nhưng thời gian gần đây, Tesla càng lúc càng bị chính phủ Trung Quốc để ý kỹ hơn, khiến nhiều nhà quan sát cho rằng “tuần trăng mật” giữa Tesla và Trung Quốc đã kết thúc. Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã gọi Tesla đến điều trần về chất lượng xe sản xuất ở Thượng Hải. Theo tờ South China Morning Post đưa tin hôm thứ 7 vừa rồi, dẫn nguồn giấu tên, lệnh cấm xe Tesla vào doanh trại đã được quân đội Trung Quốc đưa ra vài tuần trước, vì các quan chức chính phủ càng lúc càng cảm thấy lo lắng về xe của Tesla.
Theo CNN