Xe điện đang trở thành xu thế tất yếu của nền công nghiệp ô tô, cũng là điều được nhiều người rất quan tâm. Ngô Gia Việt Long thuộc thế hệ Z, là một thành viên trẻ tuổi của cộng đồng OTOFUN, tuy nhiên, không vì thế mà tỏ ra thờ ơ với thời cuộc.
Việt Long hiện là sinh viên ngành Cơ khí trường Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney) tại Australia. Mới đây, bạn trẻ này vừa có bức tâm thư gửi đến những chiếc ô tô điện. OtoFun News xin được trích lại toàn văn, gửi đến độc gia toàn bộ tinh thần của tác giả.
Sydney, một ngày mưa, tháng 3/2021
Có hai điều mà mình sẽ công khai thừa nhận.
– Mình là một con người mang nhiều tư tưởng cổ hủ
– Mình là một thằng thích cầm cờ lê hơn tay cầm bút, chân đút gầm bàn
Với một thằng thanh niên mới bước sang đầu 2, mình chả có nét nào giống những người cùng tầm tuổi. Khi những người xung quanh còn đang tụ tập bạn bè, mình chọn ngồi trong phòng uống trà đọc báo, viết lách lăng nhăng. Khi bạn bè đang đổ xô đi học IT, hoặc ít ra cũng đi học cơ điện, mình vẫn đang mài đít trên giảng đường đi học cơ như các bậc cha chú. Và quan trọng nhất, bản thân mình vẫn tin vào việc bản thân sẽ cưỡng lại được sự phát triển của xe điện, để thỏa mãn mục đích khá ích kỷ là còn được mân mê động cơ đốt trong từ ngày này qua tháng nọ.
Ngô Gia Việt Long là du học sinh ngành Cơ khí tại trường University of Technology Sydney (Australia).
Ngay từ ngày xưa, bản thân mình đã đem lòng yêu các thứ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô và xe máy phân khối lớn. Ước mơ đầu tiên mà mình còn nhớ được khi còn nhỏ, là lớn lên sẽ làm một nhà thiết kế xe ô tô. Nhưng lớn dần lên, được nhìn thấy những Battista Farina với hãng thiết kế Pininfarina của mình, hay Giorgetto Giugiaro rồi nhìn lại những thứ nguệch ngoạc mình gọi là “thiết kế xe”, ước mơ đấy cũng dần bị bỏ xó. Rồi mình lại mơ được làm 1 thợ độ xe lành nghề, sau khi xem video về chiếc Subaru WRX được độ bởi Crawford Performance dành riêng cho Ken Block phục vụ Gymkhana 2. Vì vậy, có thể nói, mình có một tình yêu to lớn với xe cộ nói chung và động cơ đốt trong nói riêng.
Với mình, việc Mercedes nói chung hay AMG nói riêng phát triển được khối động cơ M139 như thỏa mãn được ước muốn của mình cũng như nhiều người đam mê xe cộ khác khi giải quyết được câu hỏi lớn nhất về việc cân bằng giữa giảm tác động lên môi trường mà vẫn sản sinh công suất lớn (416 mã lực, 500Nm).
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, Tesla đã và đang hoàn toàn nắm ưu thế về mặt công suất cũng như về mặt giảm thiểu tác hại lên môi trường, và thậm chí còn hơn thế nữa trong tương lai. Như với chiếc Tesla Model S P100D, riêng khối động cơ điện nói riêng đã có mô men xoắn lên đến hơn 5400Nm, và qua bộ giảm tốc (gear reduction) với tỉ số 9.73:1, động cơ vẫn đủ sản sinh 660Nm ngay khi đạp ga, bất kể số vòng tua. Đối với mình, một khối động cơ khi mà đạp ga kịch sàn từ điểm đứng yên mà có khả năng làm sái cổ người ngồi trong xe, đã là một khối động cơ rất mạnh.
Tesla Model S P100D.
Trong bài viết trước, mình cũng có đề cập đến những nhà máy nhiệt điện, những việc khai thác Lithium làm pin cho những chiếc xe này; nhưng bản thân mình cũng không hoàn toàn đồng tình với những thứ mình đã viết. Việc cơ sở hạ tầng về điện đã có sẵn để phục vụ các thành phố, nên kể cả trong tình huống xấu nhất, chúng ta sẽ chỉ đốt nhiên liệu hóa thạch 1 lần duy nhất để có thể đi lại. Trước đây, chúng ta đã điên cuồng đào lỗ kiếm nhiên liệu để đốt sinh điện tại các nhà máy nhiệt điện để phục vụ điện dân dụng, và đốt thêm một lần nữa để có thể vận hành những phương tiện mà hằng ngày chúng ta sử dụng.
Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ chỉ đốt nhiên liệu 1 lần duy nhất, giảm được lượng nhiên liệu sử dụng cho xe cộ. Nhưng thực tế, các nhà máy nhiệt điện sẽ dần trở thành 1 phần quá khứ, nhất là khi Thủ tướng Đức lần đầu tiên tuyên bố đã có thể sản xuất điện mặt trời rẻ hơn so với điện từ các nhà máy nhiệt điện đốt than mịt mù. Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết với việc sản xuất điện mà không cần đến nhiên liệu hóa thạch, và phương tiện chạy điện sẽ là thứ đầu tiên được hưởng lợi ích.
Trên 1 phương diện khác, LG Chem cũng đã bỏ ra 4,5 tỉ USD để phát triển nhà máy pin, cũng như liên tục nghiên cứu các giải pháp tái chế Lithium. Trước đây, việc sản xuất 1 cục pin Lithium mới toanh rẻ hơn rất nhiều so với việc đi tái chế những cục đã qua sử dụng khiến các tập đoàn sản xuất pin lớn như LG, Samsung không tìm thấy lợi ích kinh tế từ việc tái chế. Bản thân mình cũng đã lo rằng con người sẽ chỉ chuyển từ điên cuồng đào lỗ kiếm dầu sang điên cuồng đi đào Lithium để sản xuất pin, thì nay nỗi lo này cũng đã có hướng giải quyết cũng như có những sự phát triển hướng tới mục tiêu đó.
LG Chem chi 4,5 tỉ USD để phát triển nhà máy pin, và liên tục nghiên cứu các giải pháp tái chế Lithium.
Nhưng còn lượng người mong muốn một mẫu xe giá thành rẻ hơn, với những người không có đủ 50.000 USD để mua 1 chiếc Tesla Model 3 thì sao? Mình đã đặt hy vọng vào Mazda, khi họ phát triển khối động cơ Skyactiv-G 1.3L (mã động cơ P3-VPS) dành cho các mẫu xe bình dân hơn như Mazda 2, Mazda 3. Nhưng bản chất của vấn đề thì vẫn không thay đổi, nó vẫn là 1 khối động cơ đốt trong.
Chuyển 1 chút sang phân tích Vật lý, điểm yếu nhất của động cơ đốt trong là việc chuyển hóa năng lượng. Theo định luật bảo toàn năng lượng, năng lượng sẽ không thể sinh ra thêm hay biến mất bớt đi , mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Phần lớn năng lượng được sản sinh từ động cơ đốt trong đều được chuyển hóa thành nhiệt, và chỉ có khoảng từ 18-20% năng lượng thực sự được chuyển hóa để khiến 1 chiếc xe di chuyển. Ngay cả với những chiếc xe F1, lượng năng lượng thực sự được sử dụng để khiến chiếc xe di chuyển cũng chỉ rơi vào khoảng 50%. Nhà máy nhiệt điện cũng vậy, nó chỉ thể hiện một điều rằng nhiên liệu hóa thạch là một “người trung gian” không hiệu quả cho việc chuyển hóa năng. Quay lại vấn đề chính, Tesla mới đây cũng đã ra mắt chiếc Tesla Model 2, với giá bán khoảng 25.000 USD – ngang với khá nhiều các mẫu xe bình dân mới trên thị trường. Đây chính là khởi điểm cho sự kết thúc của động cơ đốt trong.
Việt Long tại buổi đào tạo Cross Car do CAMS (thuộc FIA) tổ chức tại Việt Nam năm 2019.
Quay lại với bản thân mình, mình tin rằng mình vẫn còn khả năng được tiếp tục múa cờ lê với những cỗ máy mang động cơ đốt trong ít nhất tới khi mình già lụ khụ, vì thị trường sẽ cần thời gian để có những chiếc xe cũ giá thành rẻ cho những người ít tiền hơn, hay không muốn bỏ một số tiền lớn để mua 1 chiếc xe mới. Nhưng bản thân mình hiện tại là một người trẻ, và thế giới vẫn không ngừng chuyển động ngoài kia. Mình không thể cưỡng lại sự phát triển của thế giới, và càng không thể đứng yên khi mọi sự liên tục phát triển, vì nó chính là cách một con người trở nên tụt hậu với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, dẫu cho bản thân mình vẫn sẽ tiếp tục viết tình ca cho những khối động cơ 2JZ của Toyota, Barra của Ford, hay VR38 của Nissan, mình cũng sẽ mở rộng vòng tay đón chào những chiếc xe điện.
Bức thư này được gửi tới những chiếc xe điện, đánh dấu ngày đầu tiên mình chính thức không còn coi động cơ đốt trong là thứ duy nhất thỏa mãn ước mơ khi còn bé tí của mình. Mong rằng, 6 tháng, 1 năm, 10 năm hay xa hơn trong tương lai, mình sẽ nhìn lại ngày hôm nay không hối tiếc khi đón chào thêm 1 thứ động cơ khác vào quãng đời làm nghề của mình. Mà như thế cũng có sao đâu, nhỉ?