Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thông tư 58/2020/TT-BCA chỉ rõ, chỉ các cơ quan sau mới được cấp biển số xe: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện.
Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Mức phạt đối với lái xe ôtô là 4-6 triệu đồng; chủ nhân chiếc xe ôtô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8-12 triệu đồng.
Đối với phương tiện là xe máy, thì lái xe bị phạt 300.000-400.000 đồng; chủ nhân chiếc xe máy là cá nhân thì bị phạt 800.000-2.000.000 đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 1,6- 4 triệu đồng.
Còn nếu là máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng thì lái xe bị phạt 1-2 triệu đồng; nếu phương tiện trên là của cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn là tổ chức thì phạt từ 8-12 triệu đồng.
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, việc làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.