Năm 2009, đại diện Liên minh doanh nghiệp Thụy Điển và chủ tịch của Geely Holdings, Lý Thư Phúc, đã gặp gỡ tại một khách sạn sang trọng bậc nhất Thượng Hải, và ngay lập tức thành lập một liên minh chưa từng có giữa Trung Quốc và Thụy Điển nhằm cứu vớt thương hiệu Volvo đang gặp khó khăn sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Lý Thư Phúc đã hứa hẹn sẽ mang đến cho Volvo nguồn lực tài chính không giới hạn, qua đó giúp hãng xe Thụy Điển giữ lại thương hiệu cũng như sự độc lập dù đã thuộc sở hữu của tập đoàn xe Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, Geely đã rót khoảng 10 tỷ USD, giúp giá trị thương hiệu của Volvo tăng gấp 10 lần trong thập kỷ vừa qua. Dù trải qua sự khó khăn của mùa đại dịch Covid-19 vừa qua nhưng hãng xe Thụy Điển vẫn giữ vững được doanh số mặc cho các đối thủ liên tục gặp khó khăn.
Tuy nhiên, sự thành công của Volvo lại giấy lên sự quan ngại từ Liên minh Châu Âu. Bản thân giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Thụy Điển cũng đang suy nghĩ lại về việc quốc gia này quá vội vàng trong việc hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là thỏa thuận giữa Volvo và Geely.
Trong năm 2020, Lý Thư Phúc đã lên kế hoạch sáp nhập Volvo Cars với công ty con Geely Auto của mình nhằm tạo nên một công ty toàn cầu, hay nói một cách khác là nuốt trọn ngành ô tô của Thụy Điển. Thương vụ sáp nhập giữa Geely Auto và Volvo Cars đã tạo nên làn sóng tranh luận tại Thụy Điển, đi kèm với đó là rất nhiều tin đồn khác nhau.

Chủ tịch Lý Thư Phúc của Geely Holdings
Hiện tại, chưa rõ khả năng vận hành độc lập của Volvo sẽ ra sau sau thương vụ sáp nhập với một công ty lớn hơn. Nhưng người Thụy Điển lo ngại rằng Volvo sẽ phải chuyển trụ sở chính sang Trung Quốc, sau đó là niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nếu điều này thực sự xảy ra, Thụy Điển sẽ để mất rất nhiều ngành phụ trợ. Một số tin đồn từ các cuộc tranh luận còn cho rằng Lý Thư Phúc thậm chí sẽ đổi tên công ty thành Volvo-Geely, trong đó cái tên Volvo được sử dụng để tạo uy tín cho một thương hiệu mới, cụ thể ở đây là Geely.
Mặt khác, điều Volvo cần lúc này là sự độc lập, năng lực sáng tạo và tư duy phản biện. Thương vụ sáp nhập này khiến lực lượng lao động tại Volvo lo lắng rằng ban giám đốc ở trên cao sẽ là những người quyết định, và khi nói đến các quyết định lớn, nhân công sẽ không thể can dự.

Bên trong nhà máy Volvo
Trong khi nhân viên Volvo lo lắng về công việc của mình, giới chức Thụy Điển thực sự lo ngại về việc “nhiều công ty của Thụy Điển buộc phải chia sẻ các công nghệ của mình cho quân đội Trung Quốc.” – New York Times.
Geely không phải là công ty mẹ nước ngoài đầu tiên của Volvo. Trước đó, Volvo từng thuộc sở hữu của Ford và phần nào khiến hãng xe Mỹ kiệt quệ trong khoản đầu tư. Dù vậy, Volvo vẫn là trái tim của vùng kinh tế phía tây Thụy Điển, tạo ra 19.000 việc làm. Do đó, khó có thể đánh giá thấp vai trò của Volvo với tư cách là hình ảnh ảnh đại diện của Thụy Điển, đặc biệt là sau khi thương hiệu Saab sụp đổ. Kể từ khi có mặt trên thị trường đến nay, Volvo luôn là hình ảnh đại diện cho sự an toàn, thực dụng của Thụy Điển.

Văn phòng và nhà máy của Volvo tại Gothenburg, tây Thụy Điển
Trong nhiều năm, Thụy Điển luôn giữ vị thế của mình khi thiết lập quan hệ với các thành phố của Trung Quốc nhằm thúc đẩy dy lịch, thương mại dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên vào tháng 3 vừa qua, Vụ An Ninh Thụy Điển đã thể hiện sự quan ngại khi số lượng công nghệ và các công ty nghiên cứu của Thụy Điển đã bị Trung Quốc mua lại ngày càng gia tăng, trong đó có Silex, công ty sản suất linh kiện bán dẫn và Satlab Geosolutions, một công ty định vị vệ tinh. Vào năm 2017, Geely trở thành cổ đông lớn thứ hai của AB Volvo, công ty sở hữu thương hiệu xe Arquus chuyên sản xuất xe quân sự.
Trước tình trạng này, chính phủ Thụy Điển đã ban hành bộ luật mới về sáp nhập và mua lại nhằm cho phép chính quyền ngăn chặn tập đoàn và công ty nước ngoài thâu tóm các công ty Thụy Điển. Ngoài ra, 11 thành phố ở Thụy Điển từng có hợp tác kinh doanh với Trung Quốc cũng đã cắt đứt quan hệ này.
Khi được hỏi về sự độc lập của Volvo sau khi sáp nhập với Geely, phát ngôn viên của tập đoàn đầu tư Trung Quốc không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng: “Geely Auto và Volvo Cars đang tiếp tục bàn thảo về các lĩnh vực mà đôi bên sẽ hợp tác và các giá trị chung được tạo ra nhằm giúp đôi bên hợp nhất toàn diện.”
Phía Volvo từ chối bình luận về thương vụ, nhưng nhiều người Thụy Điển lo ngại rằng việc sáp nhập sẽ phần nào lầm chậm bước tiến mà Volvo đã đạt được trong việc tái thiết lập thương hiệu.
Lan Châu