Nhà sản xuất ô tô này cho biết, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào năm 2040, mọi bộ phận trên xe Volvo cần phải được thiết kế, phát triển và sản xuất với mục đích tái sử dụng, hoặc bởi chính Volvo hoặc bởi các nhà cung cấp của hãng.
Động thái này nhằm mục đích tối ưu hóa việc sử dụng vật liệu và thành phần và trong quá trình này, loại bỏ lãng phí bằng cách tập trung vào hiệu quả tài nguyên và giữ lại giá trị được tạo ra trong vật liệu cùng thành phần càng lâu càng tốt trong suốt vòng đời.
“Có những lợi ích chính về tính bền vững khi làm điều này. Nếu bạn so sánh một bộ phận mới với một bộ phận tái sản xuất, bạn tiết kiệm được khoảng 85% lượng CO2”, Anders Kärrberg, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của Volvo Cars, cho biết.
Kärrberg cũng nhấn mạnh các bộ phận như kẹp phanh có thể được tái sản xuất ba hoặc bốn lần, theo cách này sẽ kéo dài tuổi thọ của chúng lên 20 năm trước khi chúng được thay thế bằng các thiết kế mới.
“Chúng ta đang trên đà tăng gấp đôi lượng tiêu thụ kim loại và khoáng chất trong 40 năm tới và ngày càng tạo ra nhiều chất thải hơn. Điều này dẫn đến không phát triển bền vững. Không chỉ là chúng ta đang tạo ra vật liệu phế thải mà còn đang tạo ra rất nhiều CO2”, Kärrberg nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty như Volvo cần phải thay đổi cơ bản để giảm lượng khí thải CO2 và tuân thủ Thỏa thuận Paris.
Vào năm 2020, Volvo đã tái sản xuất khoảng 40.000 bộ phận, giảm gần 3.000 tấn carbon dioxide trong quá trình này và đặt mục tiêu tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh tái sản xuất vào năm 2025. Volvo Cars đã tái chế 95% chất thải sản xuất vào năm ngoái, bao gồm 176.000 tấn thép để tránh tạo ra gần 640.000 tấn CO2.
“Rất đáng khích lệ khi thấy mối liên hệ giữa các giải pháp tuần hoàn, chiến lược kinh doanh và việc giảm lượng khí thải carbon đang được thực hiện”, Joe Murphy, lãnh đạo mạng lưới tại Quỹ Ellen MacArthur, tổ chức Volvo trở thành thành viên vào năm 2020 cho biết.
Volvo Cars đang cùng với các nhà cung cấp và đối tác khám phá khả năng ứng dụng đời thứ hai cho pin điện áp cao trong ô tô của mình. Một trong những đối tác là BatteryLoop, một công ty thuộc Tập đoàn tái chế Stena của Thụy Điển chuyên tái sử dụng pin từ ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Thụy Điển cũng đang tham gia vào một dự án thử nghiệm thương mại với công ty công nghệ sạch Thụy Điển Comsys và công ty năng lượng châu Âu Fortum.
Điều này nhằm mục đích tăng tính linh hoạt của nguồn cung cấp tại một trong những cơ sở sản xuất thủy điện của Fortum ở Thụy Điển, đồng thời góp phần tạo ra ứng dụng đời thứ hai cho pin EV. Tại đây, các gói pin từ Volvo PHEVs sẽ đóng vai trò như một bộ lưu trữ năng lượng tĩnh giúp cung cấp các dịch vụ cân bằng nhanh cho hệ thống điện.
Thông qua các dự án này, Volvo đang nghiên cứu các đặc tính của pin khi chúng đã vượt quá thời hạn sử dụng khi được ứng dụng đời thứ hai, so với việc sử dụng ban đầu trên ô tô. Những điều này cũng cho phép nhà sản xuất ô tô hiểu được giá trị thương mại của pin sau khi được sử dụng trên ô tô và để xác định các dòng doanh thu trong tương lai.
Trước đó, Volvo Cars đã công bố kế hoạch liên quan đến sản phẩm tương lai, trong đó mục tiêu mà hãng xe này đặt ra là 50% số lượng xe bán ra đến năm 2025 sẽ là xe hoàn toàn chạy điện (EV).
Một trong những thị trường trọng điểm của Volvo là Trung Quốc – thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu hiện nay đang có tiềm năng phát triển rầm rộ trong những năm tới.
Theo Paultan