Không ít người lái ô tô từng gặp tình trạng xe khó vào số và dễ chết máy. Vậy nguyên nhân do đâu?
“Tôi đang sử dụng xe SUV. Có thời gian đi công tác cả tuần không dùng đến xe nhà, đến khi về lấy xe ra sử dụng mới phát hiện xe có biểu hiện khó nổ máy, ì ạch mãi mới lên. Lúc ấy nghĩ xe lâu ngày không đi nên mới như vậy, lại mất công đến trung tâm bảo dưỡng.” – Anh Nguyễn V. Tú (Quận Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ.
“Có lần đang đi giữa đường xe tự nhiên đi chậm dần rồi dừng hẳn. Cột xăng thì vẫn còn đầy nguyên, kiểm tra mới phát hiện xe bị chết máy. May sao đang đi đoạn đường bằng phẳng chứ chẳng may đúng đoạn lên dốc thì cũng mệt đấy!” – Anh Phan T. Duy (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội).
Một khảo sát nhỏ cho thấy hầu hết những người sử dụng ô tô đều đã từng một hoặc nhiều lần trải qua hiện tượng xe khó vào số hoặc chết máy. Và cũng giống như các “căn bệnh” khác của “xế cưng”, hiện tượng này cũng có những triệu chứng nhận biết và nguyên nhân cụ thể.
Tham khảo thêm: Thảm ô tô 3D
Nguyên nhân xe ô tô khó vào số
Nguyên nhân chính của hiện tượng xe khó vào số chính là nằm ở côn xe (bộ li hợp) – bộ phận làm cầu nối trung gian giữa động cơ với hộp số và cầu chủ động. Khi đạp hết khoảng chạy của bàn đạp ly hợp nhưng bộ ly hợp không cắt dứt khoát sẽ dẫn đến hiện tượng khó vào số.
Nguyên nhân xe ô tô dễ chết máy
Hệ thống làm mát có vấn đề
Đây có thể coi là nguyên nhân phổ biến nhất theo các chuyên gia trong lĩnh vực xe ô tô. Cụ thể khi xe hoạt động trong một thời gian dài, hệ thống nước làm mát trong động cơ có thể bị hao hụt hoặc rò rỉ, dẫn đến việc thiếu nước làm mát. Ngoài ra, hiện tượng xe chết máy cũng có thể xuất phát từ sự cố của hệ thống giải nhiệt động cơ như quạt làm mát ngừng hoạt động.
Triệu chứng nhận biết rõ nhất của hiện tượng này được biểu hiện rõ ràng trên kim đồng hồ đo nhiệt độ nước làm mát. Nếu thấy kim báo hiệu ở mức quá nhiệt, hoặc cảm thấy động cơ chạy ì ạch và chậm dần một cách không bình thường, thậm chí có tiếng gõ (do xảy ra hiện tượng kích nổ) thì bạn nên dừng xe vào vị trí an toàn ngay lập tức để kiểm tra. Nếu nước làm mát vẫn còn nhưng bị sôi thì để máy chạy và tắt điều hòa để giảm nhiệt độ của nước. Còn nước đã cạn thì hãy tắt máy và kịp thời cung cấp nước cho động cơ, đợi một thời gian khoảng 15 – 20 phút và khởi động lại xe.
Cháy hoặc cạn dầu bôi trơn động cơ
Trong quá trình bảo dưỡng xe, bạn cũng nên chú ý đến việc cung cấp dầu bôi trơn thường xuyên cho động cơ. Tuy nhiên, nếu không để ý, việc để dầu cạn cũng làm cho động cơ không trơn mượt trong quá trình vận hành, dễ gây nên hiện tượng chết máy. Ngoài ra, việc thay dầu không đảm bảo chất lượng, hay không vệ sinh thường xuyên để dầu bám cặn cũng là nguyên nhân làm cho xe gặp trục trặc. Bạn cũng nên lưu ý kiểm tra xem dầu có bị rò rỉ gây cạn dầu hay không.
Khi lượng dầu không đảm bảo đúng mức quy định, đèn cảnh bảo áp suất dầu động cơ sẽ được báo hiệu trên bảng đồng hồ. Bạn cũng dễ dàng phát hiện dầu rò rỉ bằng việc kiểm tra tại khu vực đỗ xe xem dầu có chảy ra ngoài không. Khi không được bôi trơn do thiếu dầu, động cơ cũng hay xuất hiện những tiếng ồn, âm thanh lạ.
Bơm xăng, dầu bị hư hỏng
Cũng chính từ việc để cạn xăng, dầu thường xuyên khiến cho bơm nhiên liệu dễ dàng bị chết đột ngột. Với các dòng xe hiện nay, bơm nhiên liệu được ngâm trong bình nhiên liệu và tất nhiên chúng sẽ được làm mát và bôi trơn bằng chính nhiên liệu trong bình. Chính vì vậy, khi không cung cấp đủ nhiên liệu theo quy định, bơm sẽ nhanh bị nóng và chết.
Khi bơm có dấu hiệu hỏng thì động cơ hoạt động có tiếng ồn hơn bình thường. Trường hợp này người sử dụng ô tô phải kiểm tra trực tiếp thì mới có thể phát hiện ra, bởi bơm nằm trong bình nhiên liệu kín nên thường khó cảm nhận được.
Kim phun bị tắc
Cũng giống như lọc nhiên liệu, cặn bản từ nhiên liệu không được làm sạch sẽ bám vào kim phun gây tắc. Khi kim phun bị tắc, hạt phun thường to hơn, không tơi, máy yếu và khi tăng ga thường có hiện tượng rung giật, chết máy.
Nhiên liệu bẩn dẫn đến tắc lọc
Bảo dưỡng xe ô tô không thể bỏ qua bước kiểm tra lọc nhiên liệu. Thực tế cho thấy, sau thời gian dài sử dụng, nếu không được thay thế định kì, lọc nhiên liệu có thể bị bám cặn từ nhiên liệu bẩn làm cho hệ thống bơm không đẩy nhiên liệu lên động cơ được. Động cơ khi bị tắc lọc nhiên liệu thường có biểu hiện như nóng, không bốc hoặc rất yếu khi lên ga.
Hư hỏng hệ thống điện
Ngoài những nguyên nhân từ nhiên liệu hay nước làm mát, thì hệ thống điện đánh lửa sử dụng quá lâu, không được bảo dưỡng sửa chữa cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chết máy. Những xe có tiền sử ngập nước cũng tiềm ẩn nguy cơ này.
Với hiện tượng này, đèn báo lỗi động cơ thường sẽ báo sáng. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như mất tín hiệu hộp điều khiển, bơm nhiên liệu và kim phun không hoạt động hay thậm chí là không có dấu hiệu báo trước nào.
Một số biện pháp khắc phục
- Kiểm tra hệ thống làm mát định kì, kịp thời khắc phục các hiện tượng rò rỉ nước làm mát và cung cấp nước đầy đủ cho động cơ.
- Kiểm tra và bổ sung nhiên liệu định kì cho động cơ, khắc phục kịp thời các dấu hiệu rò rỉ nhiên liệu.
- Kiểm tra định kì hệ thống bơm xăng dầu, tránh để bơm hoạt động trong tình trạng cạn nhiên liệu, thay mới khi cần thiết.
- Kiểm tra nhiên liệu và chọn loại nhiên liệu chất lượng đảm bảo cho động cơ.
- Thường xuyên vệ sinh lọc nhiên liệu, kim phun để tránh bám cặn bẩn; thay thế kịp thời nếu cần thiết.
- Kiểm tra và thay thế kịp thời hệ thống điện của động cơ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe ô tô khó vào số và chết máy. Để khắc phục hiện tượng này và giữ cho xe luôn hoạt động ổn định, người sử dụng xe cần có chế độ bảo dưỡng định kì, kiểm tra tổng thể để tránh gặp phải những sự cố không mong muốn như trên.
Trung Dũng