Một buổi tối nọ, Dư Tịnh Ba ngồi nói chuyện với một vài người bạn của mình ở Bắc Kinh. Ở đất nước Trung Quốc của họ, có xe ô tô hay không, có thể cho thấy địa vị của một người, trong khi lái xe bình thường hay xe sang lại cho thấy mức độ giàu có của người đó.
Xe trong đời sống của người Trung Quốc là một người bạn đồng hành vô cùng quan trọng. Trong lúc nói chuyện, một chủ đề đã được đưa ra và bàn luận rất sôi nổi: “Những người giàu có nhất ở Nhật Bản đang lái xe gì?”
– 01 –
Trước đó không lâu, khi đang ngồi trong một văn phòng ở Tokyo lướt web, Dư Tịnh Ba tình cờ đọc được tin tức kết hôn của một nghệ sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc. Rất nhiều dòng xe cao cấp đã xuất hiện trong hôn lễ này.
Thấy Ba lướt xem ảnh những chiếc ô tô trong đám cưới, đồng nghiệp ngồi cạnh, anh Nakamura, bỗng dưng lớn tiếng nói: “Trung Quốc cũng có xã hội đen ư?”
Ba nói đây là hôn lễ của người ta, sao lại gọi là xã hội đen!
Nakamura nói: “Ở Nhật Bản, chỉ có xã hội đen mới khoa trương như vậy.”
Ba nói với Nakamura: “Thế thì cậu lại chưa hiểu gì về Trung Quốc rồi, cái này gọi là “náo nhiệt”. Nhật Bản các cậu những năm 70 chẳng phải cũng như này ư?”
Ở Nhật Bản, nếu cùng lúc có 3 chiếc Mercedes-Benz, ai cũng sẽ nghĩ rằng “xã hội đen sắp tới rồi”. Bởi lẽ ở Nhật, hầu hết những người lái xe sang Mercedes-Benz chỉ có hai loại, một là xã hội đen, hai là những nhà giàu mới nổi.
Chiều hôm đó, Ba tình cờ đến quốc hội Nhật Bản thăm một người bạn là đại biểu quốc hội. Đi ngang qua bãi đậu xe của các vị đại biểu, Ba tò mò để ý xem những người chức cao vọng trọng sẽ lái xe gì?
Ba phát hiện hơn 100 chiếc xe ở đó, tất cả đều là xe nội địa, 80% là Toyota, 20% là Nissan, thậm chí không có xe ngoại, và tất nhiên là cũng sẽ chẳng thấy BMW hay Mercedes-Benz.
Người bạn nghị sĩ của Ba tên là Kōno Tarō, 54 tuổi và đã hai lần làm bộ trưởng. Cha anh, Kōno Yōhei từng là diễn giả của Hạ viện Nhật Bản.
Ba hỏi Taro: “Cậu lái xe gì vậy?”
Taro đáp: “Toyota”
Ba hỏi tiếp: “Vì sao cậu không mua một chiếc Mercedes-Benz?”
Theo Taro thì đó là ngoài nhu cầu thể hiện lòng yêu nước đối với xã hội, còn có một điều tối kỵ, đó là phải phù hợp với xu hướng bình đẳng xã hội, và không khoa trương khiến người khác ghét.
Xe Mercedes-Benz ở Nhật có đắt không?
Gần nhà Ba có một cửa hàng bán ô tô cũ của Mercedes-Benz, có một điều khá bất ngờ đó là bạn chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu Yên (khoảng 320 triệu đồng) là đã có thể lái được chiếc Mercedes-Benz về nhà.
Vì vậy, lần tới nếu có một người bạn nào đó lái chiếc Mercedes-Benz đến đón bạn tại sân bay Narita, Tokyo, vậy thì đừng quá hào hứng, đừng nghĩ rằng mình đã gặp được một đại gia lắm tiền.
– 02 –
GDP bình quân đầu người của Nhật Bản gấp 5 lần Trung Quốc và đương nhiên là nước này giàu hơn Trung Quốc. Điều này liệu có đồng nghĩa với việc các đường phố của Nhật Bản luôn đầy xe hơi sang trọng?
Cách đây không lâu, Ba có đi công tác đến khu vực Kyushu của Nhật Bản, Ba đặc biệt chú ý đến khu vực nghỉ ngơi của đường cao tốc, loại ô tô nào được đỗ ở đó? Kết quả là tại tỉnh Kumamoto và Fukuoka, hơn 50% số xe trong bãi đậu là xe có biển số màu vàng.
Ở Nhật Bản, biển số xe màu vàng có nghĩa là gì? Có nghĩa là phân khối dưới 660cc, các xe loại nhỏ ở Nhật Bản.
Người dân thường mua ô tô bình dân để lái. Vậy những người giàu nhất Nhật Bản hiện nay, những doanh nhân được tạp chí Forbes đánh giá là người giàu nhất đất nước mặt trời mọc, họ lái loại ô tô nào hàng ngày?
Trước tiên hãy nói về những người đàn ông giàu nhất Nhật Bản. Trong 10 năm qua, hai người giàu nhất Nhật Bản, người đầu tiên là Son Masayoshi, người sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Softbank của Nhật Bản. Người thứ hai Tadashi Yanai, người sáng lập và chủ tịch của Uniqlo. Văn phòng của hai người giàu nhất này cách văn phòng của Ba 100 mét. 100 mét này cũng mở ra khoảng cách giữa Ba và họ.
Năm 2016, tài sản cá nhân của Tadashi Yanai là 14,6 tỷ USD, đứng thứ 57 trong danh sách người giàu thế giới, trong khi tài sản cá nhân của Son Masayoshi xếp thứ 117 do thiệt hại đầu tư, và ngôi vị người giàu nhất được trao cho Tadashi Yanai.
Hai người đàn ông giàu nhất Nhật Bản thay phiên nhau vị trí thứ nhất hầu như mỗi năm. Tập đoàn SoftBank, do Son Masayoshi đứng đầu, là một tập đoàn công nghiệp mới nổi tích hợp các hoạt động kinh doanh đầu tư, truyền thông và Internet. Tập đoàn SoftBank là cổ đông lớn nhất của Alibaba và là chủ sở hữu của Yahoo, trang web cổng thông tin lớn nhất ở Nhật Bản.
UNIQLO lại là một công ty chuyên phát triển, sản xuất và kinh doanh quần áo mặc thường ngày mà không tham gia vào các ngành công nghiệp khác. Jack Ma coi Tadashi Yanai là một trong hai doanh nhân mà ông ngưỡng mộ nhất, ông nói: “Có rất nhiều người bán quần áo trên thế giới, nhưng chỉ có ông Tadashi Yanai bán quần áo rồi trở thành người giàu nhất Nhật Bản”.
Son Masayoshi, người sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Softbank của Nhật Bản
– 03 –
Giữa những người giàu nhất với nhau thường có sự cạnh tranh, tuy nhiên, Tadashi Yanai và Son Masayoshi lại khác, cả hai đều làm việc ở Tokyo Midtown gần Roppongi, tòa nhà cao nhất ở Tokyo, hai người một người tầng trên, một người tầng dưới, và họ là hàng xóm tốt của nhau. Không chỉ vậy, cả hai còn là đối tác trong lĩnh vực kinh doanh.
Tadashi Yanai chưa bao giờ giữ một vị trí nào trong một tổ chức khác ngoài công ty của mình, nhưng ông đã chấp nhận lời mời của Son Masayoshi để làm giám đốc độc lập của SoftBank Group do ông Son lãnh đạo.
Son Masayoshi và Tadashi Yanai thường đi chơi golf cùng nhau, vì họ làm việc trong cùng một tòa nhà, và đôi khi cả hai còn rủ nhau đi uống rượu. Dư Tĩnh Ba từng được phỏng vấn Chủ tịch Tadashi Yanai, và dịch một số cuốn sách như “Một thắng chín thua” cho ông và phát hiện ra ông ấy có một đặc điểm đó là siêng năng và khiêm tốn.
Chủ tịch Yanai đến công ty làm việc lúc 7h và rời văn phòng lúc 17h, sau đó ông trực tiếp về nhà. Ông rất ít ra ngoài và ít nhận lời phỏng vấn của các phóng viên. Vậy là người giàu nhất Nhật Bản, chiếc xe mà ông dùng là nhãn hiệu gì? Xe của ông là chiếc Lexus do tập đoàn ô tô Toyota sản xuất, giá bán tại Nhật là 8 triệu Yên (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Người dân Nhật Bản đã từng tiến hành một cuộc điều tra trực tuyến về việc ông Yanai có bao nhiêu chiếc xe sang trọng, và phát hiện ra rằng ông Yanai không có xe riêng ở nhà, chiếc Lexus thậm chí còn là xe do công ty mua. Sau tất cả những điều này, trong ấn tượng của người dân Nhật Bản, ông Yanai là một người không ham vật chất.
Vậy còn chủ tịch Softbank, ông Masayoshi thì sao? Chiếc xe của ông cũng là một chiếc Lexus, giống hệt xe của ông Yanai. Tuy nhiên, cá nhân ông Masayoshi cũng có một chiếc xe do Nissan Motor Company sản xuất, chiếc xe này đã có lịch sử hơn 20 năm, khi mới mua có giá 3 triệu Yên (khoảng 639 triệu đồng).
Tại sao Son Masayoshi lại thích chiếc xe cũ này? Vì chiếc xe cũ này đã đồng hành cùng ông suốt chặng đường, nó đã chứng kiến lịch sử phấn đấu của ông từ khi là một người bán phần mềm cho tới khi trở thành người giàu có nhất Nhật Bản.
Tadashi Yanai, người sáng lập và chủ tịch của UNIQLO
– 04 –
Ngoài ra, ông Toyoda Akio, chủ tịch tập đoàn Toyota Nhật Bản cũng lái chiếc Lexus riêng của mình để đi làm hàng ngày. Nhưng ông cũng có một chiếc xe yêu thích, chiếc xe thể thao Tesla Roadster, loại xe thể thao chạy điện mới này là chiếc xe mà chủ tịch Toyota đang dày công nghiên cứu.
Kể câu chuyện về xe hơi của hai người đàn ông giàu nhất Nhật Bản và ông chủ của Công ty ô tô Toyota không phải để nói là không có thị trường ô tô hạng sang nước ngoài ở Nhật Bản. Thỉnh thoảng bạn vẫn có thể bắt gặp ô tô nước ngoài trên đường phố, nhưng ngoài Mercedes-Benz, phổ biến nhất là Audi và Volkswagen, cả hai đều là xe nhập khẩu, về cơ bản được sản xuất tại Đức. Đôi khi có thể thấy Ferrari, nhưng Hummer hiếm khi được nhìn thấy.
Ngoài ra còn có một nhóm người mua xe hơi sang trọng ở Nhật Bản, hầu hết những người này là chủ các công ty công nghệ thông tin, nhà đầu tư tài chính và nhà điều hành nhà hàng khách sạn, cũng như một số nghệ sĩ giải trí. Nói một cách tương đối, hầu hết họ đều khoảng 40 tuổi, và hầu hết họ sống trong các khu chung cư sang trọng ở Roppongi, trung tâm Tokyo, vì vậy nhóm người này còn được gọi là “Hội Roppongi”.
Nhiều người Nhật không hề ghen tị với những người lái ô tô hạng sang mà ngược lại họ tỏ ra lạnh lùng bởi lẽ họ thường chỉ coi đó là những người giàu mới nổi. Ở Nhật Bản, những nhà giàu mới nổi là biểu hiện của sự phù phiếm và không khiêm tốn.
Toyoda Akio, chủ tịch tập đoàn Toyota Nhật Bản
– 5 –
Vì vậy, trong xã hội Nhật Bản, những người càng giàu thì càng khiêm tốn, càng không khoa trương. Nhưng điều này không có nghĩa là xã hội Nhật Bản cực kỳ ghét sự giàu có, mà giá trị quan của họ là sự khiêm tốn, là “tém” lại. Nếu không khiêm tốn, kiềm chế mà cố tình khoa trương, khoe khoang của cải, thì kết cục là đồng nghiệp sẽ tránh xa, sự nghiệp cũng gặp khó khăn, đồng thời khiến người khác nghi ngờ về tư cách và đạo đức cá nhân.
Điểm này khác hẳn với văn hóa xã hội Trung Quốc hay một số quốc gia khác. Ở Trung Quốc, có lẽ càng có nhiều xe sang thì càng có nhiều bạn bè và công việc làm ăn sẽ phát đạt hơn. Trên thực tế cũng rất khó có thể đánh giá nền văn hóa nào là đúng hay sai do sự khác biệt về văn hóa xã hội.
Bằng cách hiểu những giá trị cơ bản của xã hội Nhật Bản, chúng ta có thể hiểu tại sao những người đàn ông giàu nhất Nhật Bản như ông chủ của Uniqlo hay ông chủ của Softbank lại không mua những chiếc xe hơi sang trọng nổi tiếng thế giới, bởi lẽ nội tâm của họ đã rất giàu có và quan trọng là tinh thần theo đuổi sự nghiệp đã vượt qua những ham muốn về vật chất của họ!