LTS: Thế giới có hàng trăm, nghìn thương hiệu xe ô tô nhưng không nhiều trong số đó chiếm được cảm tình của giới sành xe hay các đại gia ở Việt Nam – họ chọn mua để thỏa mãn đam mê sưu tập của cá nhân như doanh nhân Cường “Đô La”, Minh “Nhựa”… hoặc dùng siêu xe đó vào những hoạt động xã hội như Đặng Lê Nguyên Vũ… Porsche là một trong số đó.
Sau câu chuyện đầu tiên về chiếc Ford GT (xem chi tiết) , ở bài viết này chúng tôi sẽ kể với độc giả câu chuyện vô cùng đặc biệt của hãng Porsche: Đi làm thuê! Làm thuê để tạo nên tuyệt tác…
Ngày nay, Porsche đã là một hãng xe thể thao lớn và có tiếng trên thế giới. Người ta nhớ tới Porsche bởi tính thể thao, sang trọng và đáng tin cậy của từng sản phẩm mà hãng xe tại Stuttgart – Đức tạo ra.
Cặp xe thuần điện Porsche Taycan tại Việt Nam
Sản phẩm của Porsche đa dạng, nằm tại nhiều dòng xe khác nhau bao gồm sedan Panamera, SUV như Cayenne và Macan, xe thể thao như Cayman hay Boxster, và mới đây là xe thuần điện Taycan đối đầu với Tesla. Trong năm 2020, doanh số của họ đạt hơn 270 nghìn xe toàn thế giới.
Trùm phát xít Hitler thích thú ngắm nhìn mô hình chiếc Volkswagen Beetle
Porsche khởi đầu con đường lên tới đỉnh cao thế giới bằng truyền thống tài năng và thực lực vốn có của mình. Chính kỹ sư ô tô tài năng Ferdinand Porsche (1875 – 1951) đã tham gia thiết kế và xây dựng nên mẫu xe theo yêu cầu của trùm phát xít Hitler thời đó là có thể khởi động trong thời tiết lạnh, tiết kiệm xăng và đủ không gian cho một gia đình Đức 5 người. Đó là huyền thoại Volkswagen Beetle – chiếc xe con bọ.
Ferdinand Porsche ngồi ở hàng ghế sau chiếc Volkswagen Type 1 mui trần. Ảnh: Getty Images
Kế thừa tài năng của người cha cùng với khao khát chế tạo chiếc xe mang thương hiệu Porsche, Ferry Porsche đã nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm đỉnh cao trong thế giới ô tô mà tên tuổi của chúng vẫn kéo dài tới tận ngày nay.
Ferry Porsche cùng cha Ferdinand Porsche bên cạnh chiếc xe gắn mác Porsche đầu tiên – chiếc Porsche 356. Ảnh: Petrolicious
Đầu tiên là phải kể tới chiếc Porsche 356 ra đời năm 1948 – chiếc xe đầu tiên mang trên mình thương hiệu Porsche. Chiếc xe ấy mang chứa “trái tim” có thể sản sinh công suất lên tới 40 mã lực, và đã dành ngay chiến thắng trong giải đua tại Áo có tên Rund um den Hofgarten.
Chiếc xe đầu tiên Porsche 356 còn được gọi là Porsche No. 1
Chiếc Porsche 356 mang trên mình triết lý một chiếc xe thể thao với cảm giác lái tốt, thoải mái nhưng lại bền bỉ. Những điều ấy hóa ra lại vô cùng “xa xỉ” tại thời điểm chiếc xe chính thức được sản xuất thương mại vào năm 1950, và nó đã chấn động thế giới.
Porsche 911 thế hệ đầu tiên
Suốt 14 năm sau tiếp theo, Porsche tiếp tục sản xuất và cải tiến mẫu Porsche 356 với các phiên bản Porsche 356 A và Porsche 356 B. Tới năm 1964 thì họ làm mới hoàn toàn chiếc Porsche 356 này và đặt tên là Porsche 911 – mẫu xe đưa họ tới đỉnh cao của thành công.
Tuy nhiên, không có con đường tới thành công nào là không có chông gai.
Vào những năm 1970, doanh số chiếc Porsche 911 tại Mỹ đã đạt tới 20.000 xe mỗi năm dù giá trị chiếc xe vượt mức thu nhập trong cả một năm của nhiều người.
Porsche 911 đời 1970
Thế nhưng, suy thoái kinh tế diễn ra trong những năm 1980 và 1990 đã khiến doanh số của Porsche sụt giảm trầm trọng. Lúc này, họ không cần gì khác hơn ngoài tiền.
Địch thủ S-class từ Lexus khiến Mercedes “mất ăn mất ngủ”
Vào khoảng những năm 1990, thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào chiếc xe đầu bảng Lexus mà Toyota mới cho mắt: “xịn” như, thậm chí có người cho rằng là còn “xịn” hơn, Mercedes S-class, nhưng để làm ra chiếc xe này chi phí chỉ bằng nửa S-class. Và thực tế Lexus đã thổi bay 25% doanh số của Mercedes tại Mỹ sau khi ra mắt. Điều này khiến “ông lớn” Mercedes lo lắng.
Đối diện với địch thủ đến từ châu Á, Mercedes dồn toàn bộ sức lực để nghiên cứu mẫu S-class tiếp theo đủ khả năng để đối chọi với chiếc Lexus của Toyota. Toàn bộ kỹ sư của Mercedes đều được huy động cho dự án này.
Mercedes W124 300E-24 đời 1989.
Trước mắt, để cứu vãn doanh số, Mercedes nghĩ ra giải pháp: đặt khối động cơ M119 V8 5.0 lít đã chiến thắng Le Mans vào chiếc Mercedes W124 300E-24, để nâng công suất lên vượt trội. Đây từng là mẫu xe vô cùng thành công của Mercedes với thiết kế “tương lai” cuốn hút nhưng không kém phần thực dụng. Chỉ có điều…
Khối động cơ M119 được đặt trên Mercedes W124 300E-24.
Chỉ có điều, Mercedes W124 300E-24 là mẫu xe nhỏ, chỉ nhỉnh hơn chiếc… Toyota Corolla 2020 một chút, nhắm tới việc sử dụng động cơ 4 xy-lanh hoặc 6-xylanh. Chính vì định hình sẵn với cấu hình động cơ nhỏ, Mercedes đã thiết kế hai thanh khung gầm đặt sát nhau, vừa với khối động cơ, nhằm tăng độ an toàn trong tình huống xảy ra va chạm trực diện.
Với thiết kế vốn là như vậy, khi đặt khối động cơ V8 vào W124 300E-24 thật chẳng khác nào “xỏ dây thừng qua lỗ kim”, một nhiệm vụ dường như bất khả thi.
Thế nhưng, với tinh thần không bao giờ từ bỏ, Mercedes nghĩ đến có người hàng xóm Porsche (“hàng xóm” theo nghĩa đen, vì lúc đó Mercedes và Porsche ở rất gần nhau, có thể đi bộ tới) – lúc này Porsche đang có dịch vụ tư vấn và đang héo mòn vì sụt giảm doanh số nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cứu vãn tình hình.
Vậy mà việc đi làm thuê ấy cho Mercedes, rồi sau này là nhiều ông lớn khác, lại tạo nên những tuyệt tác mới.
Tuyệt tác đầu tiên của mô hình Porsche làm tư vấn và thiết kế cho các hãng khác chính là chiếc Mercedes 500E.
Mercedes-Benz 500E. Ảnh: Petrolicious
Thực tế, không hẳn do Mercedes không đủ trình độ kỹ thuật để hiện thực hóa ý tưởng, nhưng lúc này kỹ sư của họ đang đau đầu tìm cách cải tiến S-class để chống lại “cuộc xâm lăng” của Lexus. Do đó, khi Mercedes có ý tưởng cải tiến 300E-24, thì Porsche sẽ tham gia với vai trò tư vấn cho Mercedes làm thế nào để “xỏ dây thừng qua lỗ kim” – đặt khối động cơ V8 M119 vào trong mẫu W124. Kết quả là, mẫu 500E ra đời, vẫn giữ vẻ ngoài lịch lãm vốn có của Mercedes nhưng lại mang trong mình trái tim của một cỗ xe đua. Nói một cách hình ảnh, Mercedes 500E giống như một chú “Báo Gấm đội bờm Tai Thỏ”!
Cụ thể, giải pháp Porsche đưa ra là cải tiến lại phần khung gầm vốn dành cho động cơ nhỏ để phù hợp với khối động cơ V8 5.0 lít của Mercedes nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn vốn có, mở rộng thêm phần vòm bánh để tăng tính thể thao và khí động học. Sau cùng, chiếc xe lại có kích thước “vượt chuẩn”, không thể sản xuất trên bất kỳ dây chuyền nào tại nhà máy của Mercedes.
Lắp ráp động cơ vào chiếc Mercedes 500E tại nhà máy của Porsche ở Zuffenhausen.
Vì doanh số giảm, Porsche có nhiều dây chuyền sản xuất còn trống nên lập tức nhận đơn đặt hàng của Mercedes lắp ráp mẫu xe này với thời hạn hợp đồng tới năm 1994. Quá trình sản xuất chiếc Mercedes 500E này phải nói là rất phức tạp khi liên tục chuyển xe qua lại giữa các nhà máy của Mercedes và Porsche!
Đầu tiên, Mercedes chuyển qua cho Porsche khung gầm và thân vỏ đã sơn lót cùng với một đống các linh kiện khác để Porsche lắp ráp. Sau khi lắp ráp thì lại chuyển về để Mercedes sơn hoàn thiện, rồi lại chuyển qua cho Porsche lắp ráp động cơ. Sau cùng mới chuyển lại về cho Mercedes kiểm tra lần cuối và giao xe cho khách hàng.
Bãi đỗ xe tại nhà máy của Porsche với một góc phía sau toàn Mercedes 500E
Quá trình này không những tốn thời gian mà còn khiến chiếc Mercedes 500E “đội giá” nhiều hơn so với dự kiến của cả 2 bên, lên tới 89.000 USD (tương đương khoảng 183.000 USD ngày nay), cao hơn rất nhiều so với đối thủ BMW M5 khi đó ở mức giá 65.000 USD.
Thử tưởng tượng, khách hàng phải trả 183.000 USD (khoảng 4,2 tỷ đồng) cho một chiếc xe “rộng” không hơn Toyota Corolla là bao, thì thật là vô lý!
Nhưng kỳ diệu là, Mercedes 500E, mẫu xe khai sinh từ việc cải tiến 300E-24 với bàn tay khối óc của Porsche, đã xe bán chạy tới nỗi Mercedes tiếp tục đề nghị Porsche sản xuất thêm nữa, kể cả sau khi hết thời hạn hợp đồng.