Nhờ hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ Liên minh châu Âu (EU) đang được giảm dần theo lộ trình, giúp lượng xe nhập từ Đức vào Việt Nam trong tháng 10 đạt 37 chiếc (trị giá tương đương 1,8 triệu USD), bình quân chỉ 1,1 tỷ đồng/chiếc ngang với tháng 9.
Trong khi đó, giá xe nhập từ Đức từ tháng 8 trở về trước bình quân là 1,3 – 1,6 tỷ đồng/chiếc.
Đáng chú ý, mức giá xe Đức nhập về tháng 10 năm nay thấp hơn 500 triệu đồng/chiếc so với cùng kỳ năm ngoái (1,6 tỷ đồng/chiếc).
Tính tổng 10 tháng đầu năm 2020, giá xe Đức nhập về Việt Nam dao động ở mức 1,3 tỷ đồng/chiếc, trong khi cùng kỳ năm 2019 là gần 1,5 tỷ đồng/chiếc. Các xe nhập từ Đức về Việt Nam không có dòng xe, mẫu xe nào giá rẻ nên sự thay đổi này được cho là bắt nguồn từ việc thuế nhập khẩu đã và đang giảm theo lộ trình.
Nghị định số 111/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa theo EVFTA giai đoạn 2020 – 2022; thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe hơi nhập từ các nước EU (chủ yếu là Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển…) giảm từ 6,8% đến 7,4%/năm (tùy theo dung tích).
Hiện nay xe nhập từ EU đang bị đánh thuế từ 67 – 70,9% nên với lộ trình này, xe EU sẽ phải đợi từ 9-10 năm nữa mới được Việt Nam bỏ thuế hoàn toàn. Tuy nhiên, giá xe đã bắt đầu hạ dần để mở rộng sự hiện diện của xe châu Âu tại Việt Nam.
Hiện những người có tiền tại Việt Nam rất ưa chuộng xe châu Âu. Bởi thuế phí nhập cao nên xe nhập từ Đức, Pháp, Ý, Anh hay Thụy Điển thường có giá khoảng từ 1,5 – 4 tỷ đồng, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng với loại xe sang.
Mercedes-Benz và Peugeot là hai thương hiệu xe châu Âu đã lắp ráp một số dòng xe tại Việt Nam. Các tên tuổi lớn khác như BMW, Audi, Volvo, Volkswagen, Maserati, Fiat hay Land Rover… vẫn áp dụng hình thức 100%. Chính vì vậy, chỉ một bộ phận ít người Việt Nam sử dụng xe châu Âu bất kể bị “đội giá” như vậy.
Bên cạnh Đức, một số nước khác nằm trong khối EU như Pháp, Bỉ, Croatia, Séc cũng là những nơi có ngành ô tô phát triển. Tuy nhiên, chỉ có một vài nước quan tâm đến thị trường Việt Nam và Đức là một trong số đó. Vì vậy, xu hướng giảm giá xe nhập từ Đức về Việt Nam chính là cơ hội giúp các thương lái EU mở rộng đầu tư, phân phối xe tại Việt Nam trong tương lai.
Nếu nói về chất lượng, xe châu Âu tại Việt Nam hoàn toàn ngang hàng với các xe châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ lại chưa thực sự phát triển và thường phụ thuộc vào một số doanh nghiệp liên doanh, bên thứ 3.
Các hãng xe EU cần nhìn thấy lợi nhuận và doanh số lớn từ Việt Nam để họ sẵn lòng mở rộng đại lý, thương nhân phân phối độc quyền và bắt đầu chiến dịch “săn” địa điểm vàng, đại lý lớn. Từ đó góp phần giúp xe nhập EU về Việt Nam nhiều hơn với giá rẻ hơn.
Mặt khác, giá xe cần phải giảm nhằm thu hút khách hàng, tặng lượng người mua và khả năng cạnh tranh. Điều này có thể xảy ra vào 5 năm tới khi tổng mức thuế suất thuế nhập khẩu được cắt giảm dần mỗi năm là trên 30%, dẫn theo giá xe EU nhập về nước giảm, mang đến cơ hội rõ ràng hơn cho người Việt, thị trường Việt.