Ngày 12/11/2020, Ferrari đã chính thức vén màn siêu xe Ferrari SF90 Spider – phiên bản mui trần của Ferrari SF90 Stradale đã được giới thiệu từ cuối tháng 5/2019. Việc ra mắt SF90 Spider được Ferrari tổ chức bằng một sự kiện giới thiệu xe mới trên nền tảng kỹ thuật số do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Video giới thiệu Ferrari SF90 Spider:
Là siêu xe mui trần spider với công nghệ động lực plug-in-hybrid (PHEV) đầu tiên của Ferrari, chiếc SF90 Spider thiết lập nên những chuẩn mực mới về hiệu năng và sáng tạo công nghệ, không chỉ trong dải sản phẩm của Ferrari mà còn trong cả thế giới siêu xe mui trần.
Dĩ nhiên, SF90 Spider vẫn chia sẻ gần như mọi nền tảng cốt lõi với bản coupe SF90 Stradale và sự khác biệt lớn nhất vẫn nằm ở việc chuyển đổi cấu trúc giữa một chiếc coupe thành kiểu xe mui xếp. Ferrari áp dụng thiết kế mui xếp cứng cho SF90 Spider, nên khi đóng mui chiếc xe vẫn nhìn y chang như phiên bản coupe.
Cấu trúc mui xếp cứng RHT được Ferrari tính toán đặc biệt để đảm bảo tối ưu độ cách âm cũng như khả năng bảo vệ người ngồi trong xe khi hạ mui xuống. Mui xếp RHT cực kỳ gọn nhẹ và nó mất 14 giây để đóng mở mui trong khi chiếc xe đang di chuyển. Cũng cần nói thêm rằng cấu trúc mui xếp RHT của Ferrari đã được áp dụng đầu tiên trên mẫu Ferrari 458 Spider vào năm 2011 và nó liên tục được nghiên cứu cải tiến để hoàn thiện hơn qua các năm, ứng dụng trên nhiều siêu xe mui trần khác nhau từ đó tới nay.
Tương tự như SF90 Stradale, bản mui trần SF90 Spider cũng có hệ động lực plug-in-hybrid tinh vi và cực mạnh, kết hợp giữa động cơ xăng V8 và 3 động cơ điện. Động cơ V8 3990cc tăng áp truyền sức mạnh 780PS/800Nm xuống cầu sau qua hộp số ly hợp kép 8 cấp. Tuy nhiên, điều khiến SF90 Stradale trở nên khác biệt đó là sự xuất hiện của 3 động cơ điện – 2 đặt ở cầu trước và 1 tích hợp trong hộp số.
Tổ hợp 3 động cơ điện đem tới cho SF90 Spider thêm 220PS, khiến công suất tổng của chiếc xe đạt tới 1.000PS. Khi so sánh với bản mui cứng SF90 Stradale, các thông số hiệu năng của SF90 Spider chênh lệch không nhiều: bản mui trần SF90 Spider chỉ mất 2,5 giây để đạt 0-100km/h, mất 7 giây để đạt 0-200km/h và tốc độ tối đa 340km/h. (của SF90 Stradale tương ứng là 2,5 giây, 6,7 giây và 340km/h).
Hệ động lực hybrid mở ra cho SF90 Spider những khả năng chưa từng xuất hiện trên một mẫu siêu xe Ferrari động cơ đặt giữa. Đầu tiên phải kể tới là khả năng chỉ hoạt động bằng điện: nhờ khối pin Li-ion dung lượng cao, chiếc xe có tầm hoạt động 25km cùng tốc độ tối đa 135km/h chỉ bằng mô-tơ điện. Động cơ xăng cũng sẽ được ngắt hoàn toàn khi lùi xe. Chưa dừng lại ở đó, 2 mô-tơ điện đặt ở cầu trước cũng đồng nghĩa với việc SF90 Spider có khả năng dẫn động 4 bánh.
Máy tính trung tâm trên SF90 có khả năng điều khiển lực kéo thông minh tới từng bánh xe. Ferrari đưa ra tổng cộng 4 chế độ vận hành cho động cơ hybrid là eDrive (chỉ sử dụng động cơ điện), Hybrid (sử dụng kết hợp 2 loại động cơ, nhưng máy tính sẽ có thể quyết định ngắt hoàn toàn máy xăng nếu không cần thiết), Performance (chỉ sử dụng động cơ xăng) và Qualify (sử dụng tối đa sức mạnh của cả động cơ xăng và điện cùng một lúc.
Để kiểm soát và phát huy tối đa sức mạnh tới 1000PS của hệ động lực, các kỹ sư Ferrari đã phải phát triển các hệ thống điều khiển động học tinh vi cho SF90, đảm bảo hoàn hảo mọi thứ, không chỉ hiệu năng vận hành ở mọi dải tốc độ, mọi kiểu lái xe, tối ưu tăng tốc mà còn tạo sự hưng phấn thích thú khi cầm lái. Chính vì cấu trúc hybrid mới đã buộc Ferrari phải tích hợp nhiều thuật toán điều khiển khác nhau vào chiếc xe, ví dụ như các hệ thống điều khiển điện áp cao (pin nguồn, RAC-e, MGUK, bộ chuyển đổi…) hay hệ động lực, các hệ thống điều khiển động học (kiểm soát độ bám đường, phanh, điều biến lực kéo Vec-tơ…).
Các đặc tính thiết kế ngoại thất, nội thất và tiện nghi trang bị của SF90 Spider cơ bản gần như giống với bản coupe SF90 Stradale.