Cặp “doanh nhân thành đạt”
Trước tết Tân Sửu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị T, ở Thuận Thành, Bắc Ninh về việc chị cho thuê 1 chiếc xe sau đó bị đối tượng chiếm đoạt.
Qua xác minh trường hợp chiếc xe trên, CQĐT phát hiện, không đơn thuần chỉ là việc thuê xe không trả rồi lạm dụng chiếm đoạt như tố cáo của chị T mà có hẳn một đường dây chuyên nghiệp, hoạt động khép kín từ thuê đến làm giả giấy tờ rồi đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thủ đoạn của các đối tượng, xác định đây là đường dây lừa đảo tinh vi, có nhiều thủ đoạn chuyên nghiệp để chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh đề nghị lập chuyên án đấu tranh.
Công an Bắc Ninh họp triển khai phương án đấu tranh với nhóm đối tượng.
Trước sự chỉ đạo sát sao của Đại tá Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Bắc Ninh đã lần lượt “bóc” các mảng tối bên trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp này, làm rõ vai trò từng đối tượng. Khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã quyết định phá án, đồng loạt khám xét hàng chục điểm tại Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên… triệu tập các đối tượng. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 100 xe ô tô tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cầm đầu đường dây trên là vợ chồng Chu Thúy Hằng (SN 1990) và Hoàng Tiến Việt (SN 1989) đều trú ở Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai vợ chồng Hằng – Việt đều không có công ăn việc làm ổn định nhưng ham ăn chơi, đua đòi, không chịu tu chí làm ăn nên đã nghĩ cách lừa đảo để kiếm tiền.
Thông qua các mối quan hệ xã hội, Hằng, Việt quen biết Nguyễn Hoàng Minh, (SN 2000, ở xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) là thành phần không chịu học hành, chỉ lang thang các quán xá nên khi “bắt sóng” được vợ chồng Hằng – Việt, Minh trở thành trợ thủ đắc lực cho cặp vợ chồng này.
Theo đó, vợ chồng Hằng – Việt có vai trò chính trong việc đi thuê xe để tạo niềm tin cho bị hại. Chúng đóng vai những doanh nhân thành đạt, chuyên làm các dự án lớn để “lòe” bị hại. Cặp đôi này lên mạng “săn lùng” những công ty, cửa hàng kinh doanh chuyên cho thuê ô tô tự lái ở Bắc Ninh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, sau đó đưa về Bắc Ninh. Minh chủ yếu nhận trách nhiệm hoàn thiện giấy tờ giả rồi cùng Hằng mang đi cầm cố để lấy tiền chia nhau.
Để tạo vỏ bọc cho mình nhằm tránh việc bị hại nghi ngờ, ngoài việc đóng giả làm những doanh nhân thành đạt với những dự án lớn, đầu tư vào chỗ nọ, chỗ kia, quen biết với nhiều lãnh đạo cấp cao, thì điểm mấu chốt, cặp vợ chồng Hằng – Việt khiến bị hại không biết mình bị lừa, đó là chúng thường thuê xe với giá cao, hợp đồng dài hạn, trả tiền đúng kỳ.
Những xe ô tô tang vật vụ án. |
Ngoài ra, cặp vợ chồng này còn chi tiêu rất “thoáng”, sẵn sàng trả tiền thuê trước nhiều tháng nên các bị hại thường không nghi ngờ gì. Chính vì vậy, ngoài các loại xe thông thường thì Hằng – Việt còn thuê được cả Mecedes với giá trị gần 2 tỷ đồng. Với mức thuê khoảng 10-15 triệu đồng/xe, hợp đồng 3-4 tháng trở lên nên suốt từ cuối năm 2020 đến thời điểm bị phát hiện, hầu như không bị hại nào biết xe của mình đã bị làm giả giấy tờ, bán hoặc cầm cố cho người khác.
Về phía những người nhận cầm cố xe, đa số đều là các tiệm cầm đồ, được Hằng và Minh mang xe đến cầm với lãi suất cao nên những người này cũng không kiểm tra nguồn gốc xe, dễ dàng đưa tiền tỷ cho các đối tượng.
Chính vì vậy, khi Cơ quan công an phát hiện, có tiệm cầm đồ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã cầm của Hằng, Việt, Minh 28 xe ô tô với tổng giá trị trên giấy tờ hơn 15 tỷ đồng mà không hề xem xét, tìm hiểu xem các đối tượng này lấy ô tô ở đâu mà nhiều như vậy.
Trong khi đó, các bị hại cũng tương tự như vậy, vì Hằng – Việt nói là doanh nhân thành đạt, cần thuê xe cho cán bộ, công nhân viên đi làm, đi giao dịch nên có những công ty đã cho Hằng – Việt thuê đến 15 xe ô tô trị giá hàng chục tỷ đồng mà cũng không xác minh, tìm hiểu.
Với thủ tục thuê xe khá đơn giản, Hằng, Việt chỉ cần đặt cọc giấy phép lái xe photo, các chủ xe làm hợp đồng cho thuê, đưa cho các đối tượng giấy kiểm định phương tiện, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và đăng ký xe photo công chứng.
Từ các giấy tờ trên, Hằng, Việt, Minh đã thuê người làm giả giấy đăng ký, làm giả hợp đồng với nội dung, chủ xe cho phép chúng được toàn quyền định đoạt phương tiện. Với các loại giấy tờ trên, các đối tượng đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.
Sau khi điều tra, xác minh, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, Đại tá Phạm Thế Tùng đã chỉ đạo lực lượng chức năng phá án. Ngày 17-3, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, đồng loạt các mũi trinh sát đã khám xét tại gần 20 địa điểm ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh… thu giữ xe ô tô, các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc phạm tội của các đối tượng.
Trung tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Điều tra án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, sở dĩ phải đồng loạt khám xét tất cả các địa điểm để đề phòng các đối tượng cầm đồ tẩu tán tang vật, bán tài sản cho đối tượng khác, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Sau khi bắt giữ các đối tượng, thu giữ tang vật, một số cửa hàng cầm đồ, người mua xe ô tô của các đối tượng đã tự nguyện đến CQĐT giao nộp tang vật.
Hai đối tượng Tâm và Dương. |
Ngoài 3 đối tượng lừa đảo là Minh, Hằng, Việt, CBCS Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ 3 đối tượng làm giả giấy tờ phục vụ việc lừa đảo của các đối tượng. Đặc biệt, trong số 3 đối tượng làm giả giấy tờ, có hai anh em ruột là Đinh Văn Dương (SN 1993) và anh trai là Đinh Văn Tâm (SN 1991) đều trú ở Kim Mỹ, Kim Sơn, Ninh Bình, hiện thuê trọ tại ngõ 104 Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo lời khai của Hoàng Tiến Việt thì vào tháng 11-2020, Việt vào Zalo tìm hiểu và phát hiện trên mạng xã hội có tài khoản tên là “Sóng đời” đăng tin với nội dùng “Nhận làm giấy tờ, bằng cấp, đăng ký xe…” kèm theo số điện thoại liên hệ. Việt đã liên hệ với tài khoản trên và biết được chủ tài khoản là Lê Văn Lâm (SN 1989 ở Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội).
Lâm cho biết mình có khả năng làm giả các giấy tờ giống hệt bản gốc nếu khách gửi bản gốc với giá 2-4 triệu đồng/giấy đăng ký ô tô, xe máy giả; các loại bằng cấp giả có giá 1,5-2 triệu đồng. Sau khi “bắt sóng” được Lâm, từ khoảng cuối tháng 11 đến khi bị bắt, Việt đã thuê Lâm làm giả khoảng 20 giấy đăng ký xe giả với giá từ 2 đến 4 triệu đồng/chiếc.
Về phía Lâm, sau khi nhận đặt hàng, hắn gọi điện cho một đối tượng khác (hiện Cơ quan công an đang làm rõ) thuê đối tượng trên làm, Lâm được hưởng 10%/đăng ký xe giả. Theo đó, các xe sang của bị hại như: 30G-689.53; 15A-603.20; 30F-199.13; 30F-204.36… đã bị Lâm làm giả đăng ký xe, Việt đem đi cầm cố ở các tiệm cầm đồ.
Sau khi bắt giữ Lâm, qua kiểm tra điện thoại, lực lượng chức năng đã phát hiện tại ứng dụng Zalo của Lâm có 11 giấy đăng ký ô tô giả. Đối chiếu với các ô tô Hằng – Việt chiếm đoạt thì cả 11 giấy đăng ký trên đều là các xe mà Hằng – Việt dùng để cầm cố.
|
Theo lời khai của Lâm thì từ khoảng tháng 5-2019, hắn đã bắt đầu tham gia vào thị trường làm giả giấy tờ. Để khách hàng biết đến, Lâm lên mạng rao thông tin, khi khách hàng có nhu cầu thì chuyển khoản vào tài khoản của hắn, sau đó Lâm sẽ chuyển thông tin cho đồng bọn làm, nhận giấy tờ giả rồi chuyển cho khách hàng.
Về phía anh em Đinh Văn Tâm, Đinh Văn Dương đều là những đối tượng học hành tử tế nhưng muốn kiếm tiền nhanh chóng nên không chịu làm ăn chân chính mà sa chân vào con đường phạm pháp.
Con đường phạm tội của Dương và Tâm bắt nguồn từ việc Dương muốn làm giấy tờ giả nên đã lên mạng tìm hiểu. Qua Facebook, Dương tìm được một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh nhận làm giấy tờ giả với giá tiền rất rẻ khoảng 500 nghìn đồng.
Dương liên hệ, sau đó, cũng lên mạng rao có khả năng làm giả giấy tờ với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/các loại bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng giả. Dương dùng số điện thoại của mình, lấy tên là Đào Trung để đăng tin quảng cáo.
Khi bị hại có nhu cầu, Dương yêu cầu cung cấp nội dung hoặc bản sao loại giấy tờ cần làm giả, sau đó nhận tiền rồi chuyển nội dung cho đối tượng có tên là Hip ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi làm xong, Hip chuyển lại cho Dương để Dương trả cho khách.
Thấy em trai kiếm tiền dễ dàng nên Đinh Văn Tâm đã tham gia cùng, quảng cáo việc làm được giấy tờ giả, nhận làm rồi gửi cho khách để kiếm lời. Mỗi bản giấy tờ giả, Dương và Tâm thu lợi khoảng từ 1,5-2,5 triệu đồng.
Khoảng tháng 11-2020, qua mạng xã hội, Hoàng Tiến Việt đã liên hệ được với anh em Dương, Tâm, đặt làm giả khoảng 20-30 giấy đăng ký xe ô tô với giá 2-3 triệu/giấy.
Quá trình điều tra, đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu giữ hơn 70 xe ô tô các loại, kèm theo giấy đăng ký xe giả, hợp đồng chuyển nhượng giả; các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thuê xe ô tô.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ máy tính, điện thoại, một số giấy tờ đăng ký xe ô tô, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu và các con dấu bằng nhựa của một số cơ quan nhà nước; dấu công chứng của “Văn phòng công chứng Việt Tú”… Các đối tượng khai nhận, số giấy tờ, con dấu trên đều là giả.
Ngày 25-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can đối với Chu Thúy Hằng, Hoàng Tiến Việt, Nguyễn Hoàng Minh về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; khởi tố Đinh Văn Tâm, Đinh Văn Dương và Lê Văn Lâm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, đồng thời đang tiếp tục, điều tra, mở rộng làm rõ các hành vi của đối tượng.