Lớp sơn ô tô có vai trò quan trọng đóng góp vào tính thẩm mỹ của một chiếc xe hơi. Với nhiều người mua xe, đặc biệt là phái nữ, bên cạnh kiểu dáng, thiết kế thì màu sơn xe cũng là yếu tố tác động đến sự lựa chọn chiếc xe yêu thích. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều mẫu xe với nhiều màu sắc ngoại thất đa dạng, gia tăng sự lựa chọn cho người dùng như Kia Morning, Toyota Yaris, Mazda 3,…
Theo các chuyên gia kinh nghiệm sử dụng ô tô, quá trình sử dụng xe lâu dài sẽ không tránh khỏi những tác động ngoại cảnh hay những va chạm khiến lớp sơn xe bị tổn hại, gây mất thẩm mỹ. Do đó, người dùng cần hiểu biết những biện pháp để giữ gìn lớp sơn xe, đồng thời bảo dưỡng lớp sơn xe kịp thời để màu xe luôn mới.
Lớp sơn có vai trò quan trọng trong tính thẩm mỹ của chiếc xe ô tô.
1. Lưu ý để giúp lớp sơn xe ô tô luôn mới
a) Sử dụng các biện pháp che phủ
Nắng, gió, mưa, bụi bẩn,… là những tác nhân thời tiết khiến lớp sơn xe ô tô dễ bay màu nhanh nhất. Đặc biệt là ở các khu vực nội thành, diện tích chật hẹp, nếu không có biện pháp che phủ, che chắn khi để xe ngoài trời thì ô tô sẽ còn nhanh bị xuống cấp.
Để giữ gìn xe bền theo thời gian và lớp sơn luôn mới, người dùng cần chú ý để bảo vệ ô tô bằng bạt che phủ nếu để ngoài trời. Tốt nhất, nếu có thể, hãy gửi xe ở những hầm chung cư hoặc bãi đỗ xe có mái che để hạn chế tác động xấu từ môi trường.
Che phủ ô tô để tránh những tác động của thời tiết làm hư hại lớp sơn ô tô.
b) Dán phim bảo vệ sơn xe
Trong nhiều năm trở lại đây, công nghệ dán phim bảo vệ sơn xe ngày càng trở nên phổ biến, giúp người dùng giảm đi nỗi lo về tổn hại do các tác động bên ngoài. Lớp phim bảo vệ sơn xe có đặc tính là không quá dày và khi dán cũng không ảnh hưởng tới màu sơn gốc của xe. Đặc biệt, lớp phim dán có tác dụng chống trầy xước vết sơn, khả năng chịu nhiệt và tia UV, bảo vệ xe dưới trời nắng nóng.
c) Rửa xe thường xuyên
Theo các chuyên gia chăm sóc và bảo dưỡng ô tô, người dùng nên rửa xe ít nhất 2 tuần/lần để tránh nhiều vết bẩn bám lâu trên xe. Thông thường, những vết bẩn do bùn đất bám vào lớp sơn ngoài xe, nếu để lâu ngày sẽ tạo thành những vết ố khó chùi rửa đặc biệt là với xe có màu sơn sáng như màu trắng. Do đó, rửa xe thường xuyên có thể giúp xe giữ màu sơn tốt hơn và luôn ở trạng thái sạch đẹp.
d) Lưu ý khi tự rửa xe tại nhà
Mặc dù biện pháp tự rửa xe tại nhà có thể giúp tiết kiệm một số chi phí nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu chủ xe không có hiểu biết về lĩnh vực này. Nếu muốn tự rửa xe tại nhà, chủ xe cần lưu ý đến những vấn đề sau:
Bên cạnh đó, nếu tự rửa xe tại nhà, chủ xe cũng cần thực hiện các biện pháp che chắn để bảo vệ khoang động cơ, tránh tình trạng xảy ra hiện tượng chập điện, thậm chí cháy nổ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng có thể mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng xe uy tín để chiếc xe hơi của mình được chăm sóc tốt nhất.
2. Quy trình bảo dưỡng sơn xe ô tô
Quy trình bảo dưỡng sơn xe ô tô bao gồm 8 bước và nhất định sẽ cần thực hiện ở những trung tâm bảo dưỡng chất lượng, uy tín để đảm bảo chiếc xe hơi sẽ được “lột xác” sau thời gian sử dụng hay những hư hại từ bên ngoài.
Quy trình bảo dưỡng sơn xe ô tô được thực hiện chuyên nghiệp.
– Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra xe
Khi tiếp nhận xe từ khách hàng, các kỹ thuật viên sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ bề mặt sơn xe để nhận biết những khu hư hại đáng lưu ý trong quá trình bảo dưỡng sơn xe.
– Bước 2: Làm sạch bề mặt xe
Sau khi kiểm tra, kỹ thuật viên sẽ rửa xe để loại bỏ những bùn đất, bụi bẩn bám trên bề mặt xe. Quá trình này diễn ra tương tự quá trình rửa xe bình thường.
– Bước 3: Khắc phục bề mặt hư hại, móp méo
Với những khu vực bị hư hại, móp méo do va chạm hoặc tác động nào đó từ bên ngoài, trước khi tiến hành phủ sơn chống gỉ sẽ được đưa vào nắn về hình dạng ban đầu. Với khu vực bị trầy xước, kỹ thuật viên sẽ tiến hành mài nhẵn, sau đó dùng máy thổi sạch để chuẩn bị sang bước tiếp theo.
– Bước 4: Sơn lót chống gỉ
Khung xe được làm bằng kim loại nên lớp sơn lót chống gỉ có vai trò bảo vệ xe khỏi sự ăn mòn hóa học do tác động của thời tiết. Lớp sơn này được pha theo tỷ lệ, phun lên xe rồi sấy khô trong khoảng thời gian nhất định trước khi chuyển sang lớp sơn bả matit.
– Bước 5: Sơn bả matit
Tác dụng của lớp sơn bả matit là giúp lấp đầy những bề mặt bị trầy xước, bị lõm mà đã được mài nhám trước đó nhằm giúp vỏ xe vào đúng khuôn chuẩn ban đầu. Bước này được thực hiện hết sức tỉ mỉ để giữ dáng xe đúng chuẩn và hoàn hảo như mới. Bả matit được thực hiện từ 3-4 lớp, trong điều kiện ánh sáng tốt.
– Bước 6: Sơn lót bề mặt
Trước khi phủ màu sơn ngoài, xe sẽ cần trải qua một lớp sơn lót bề mặt với mục đích tạo một lớp sơn nền ngay trên bề mặt matit, tránh lớp sơn sau bị hút vào matit, cho màu xe không hoàn hảo. Quá trình này cũng giúp kỹ thuật viên quan sát kỹ càng và tìm những chi tiết lỗi nhỏ nhất trên bề mặt xe để sửa lại.
– Bước 7: Pha màu và phủ sơn màu ô tô
Đây là quy trình cực kỳ quan trọng khi kỹ thuật viên sẽ cần xác định màu sơn chuẩn của xe dựa trên mã code ở dưới nắp capo và sau đó pha màu sơn theo đúng công thức và tỷ lệ chuẩn. Trước khi phun sơn, xe sẽ được lau sạch lại để tránh bụi bẩn bám vào, làm mất lớp phẳng trên bề mặt xe. Quá trình sơn màu sẽ được thực hiện tại phòng sơn chuyên dụng để ngăn bụi, không khí, độ ẩm…tác động vào bề mặt sơn.
– Bước 8: Sơn bóng xe
Sau khi lớp sơn phủ màu đã khô, kỹ thuật viên sẽ dùng máy đánh bóng chuyên dụng và lớp xi bảo dưỡng bề mặt nhằm tạo độ bóng cho lớp sơn, tăng độ thẩm mỹ và chống lại tác nhân từ môi trường.
Như vậy, quá trình bảo dưỡng sơn xe ô tô được thực hiện hết sức tỉ mỉ qua các bước chuyên nghiệp, do đó, chủ xe cần mang xe tới tại các cơ sở uy tín để xe được chăm sóc kỹ càng và giữ được màu sơn như ý muốn.
Ảnh: Internet