Theo chuyên gia, lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt là tín hiệu đáng mừng cho thị trường xe hơi Việt, nhất là phân khúc xe giá rẻ. Chính vì vậy, phân khúc xe giá rẻ trong thời gian tới có thể sẽ tăng trưởng nóng, khuấy đảo thị trường trong quý II.2021.
Xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
Ngày 19.3, theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ôtô nhập khẩu về Việt Nam 15 ngày đầu tháng 3 đang tăng mạnh, gấp 2-3 lần so với thời điểm đầu năm 2021.
Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 3.2021, tổng số xe nhập khẩu đạt hơn 8.700 chiếc, tăng lần lượt 2.000 chiếc và 4.000 chiếc so với các kỳ 15 ngày đầu của tháng 2 và tháng 1.
So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số xe nhập về Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 3.2021 tăng hơn 4.200 chiếc, trong đó xe con tăng hơn 3.000 chiếc, tương ứng mức tăng 50%.
Theo chuyên gia ôtô Trương Đăng Tân – Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Quốc tế, trong năm 2020, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu giảm mạnh so với xe lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ hết hiệu lực, cộng với việc tình hình sản xuất chung của các hãng xe trong khu vực Đông Nam Á ổn định trở lại, xe nhập khẩu sẽ có thêm cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng trước những mẫu xe lắp ráp trong nước.
“Lượng xe hơi nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt là tín hiệu đáng mừng cho thị trường xe hơi Việt, nhất là phân khúc xe giá rẻ, với mức giá từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/xe. Chính vì vậy, phân khúc xe giá rẻ trong thời gian tới có thể tăng trưởng nóng, khuấy đảo thị trường trong quý II.2021, đặc biệt là khi các mẫu xe của Thái Lan, Indonesia được nâng cấp hoặc ra mẫu mới”, ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, thời điểm này, ôtô lắp ráp trong nước có phần “lép vế” hơn so với ôtô nhập khẩu. Bởi, ôtô lắp ráp trong nước có giá bán cao hơn xe nhập khẩu, do chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài. Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế khoảng 30% thì xe lắp ráp trong nước rẻ hơn, nhưng từ khi thuế nhập khẩu về 0%, xe nhập khẩu lại rẻ hơn lắp ráp.
Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ôtô nhập khẩu từ Châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập nhập khẩu ôtô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%), nhiều người kỳ vọng, có thể mua xe Châu Âu với chi phí thấp hơn.
Ôtô lắp ráp cũng sẽ bùng nổ
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận định – thời điểm này, làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 đang được kiểm soát rất tốt, hoạt động tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra tích cực, chuẩn bị tiêm tại 44 tỉnh thành còn lại. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường xe trong nước đang sôi động trở lại.
Hiện tại, hầu hết các hãng xe đã chấm dứt chế độ ưu đãi giảm 50% đến 100% phí trước bạ và chuyển sang hình thức khuyến mãi, giảm giá trực tiếp vào giá bán hoặc tăng dịch vụ hậu mãi như tăng thời hạn bảo hành, bảo dưỡng lên đến 5 năm hoặc các chính sách bao trọn lãi suất ngân hàng khi vay mua xe.
Tuy nhiên, để kích cầu hơn nữa và giữ vững được thị phần, cạnh tranh được với xe nhập có ưu thế về thương hiệu, ông Trương Đăng Tân cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên có thêm các chính sách ưu đãi đối với xe lắp ráp trong nước, để các hãng xe trong nước có cơ hội giảm giá xe, cạnh tranh về giá so với xe nhập khẩu.
Các mẫu xe nhập về Việt Nam chủ yếu vẫn từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc…
Riêng xe từ Indonesia, 2 tháng đầu năm ghi nhận hơn 4.700 chiếc được nhập vào, trong khi xe Thái đạt gần 9.500 chiếc, tăng hơn 1.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Xe Trung Quốc về hơn 2.000 chiếc, tăng gần 8 lần so với trước đây. Xe Đức cũng nhập vào gần 170 chiếc, xe Hàn hơn 330 chiếc, xe Mỹ hơn 168 chiếc và xe Nhật là hơn 510 chiếc.
Xe nhập từ các thị trường này đều ghi nhận mức tăng từ vài chục, đến vài trăm chiếc so với cùng kỳ năm trước.