Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng này (1-15/2), cả nước nhập khẩu 3.463 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 66 triệu USD. Trong đó, nhiều nhất là ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống với 2.477 xe, kim ngạch 42,5 triệu USD; ô tô tải đạt 812 chiếc, kim ngạch đạt 15,9 triệu USD.
Tại khu vực cảng Hải Phòng, một trong những nơi nhập khẩu ô tô chủ yếu của nước ta, trong ngày 15/2 (tức mùng 4 tết Tân Sửu), tàu RORO (tàu chuyên dụng chở ôtô), chở theo 1.355 xe đã cập bến cảng Tân Vũ.
So với cùng kỳ 2020, lượng ô tô nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 2 giảm nhẹ (cùng kỳ đạt 4.507 chiếc, kim ngạch 101 triệu USD). Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm, ô tô nhập khẩu vẫn tăng trưởng khá. Theo đó, từ đầu năm đến 15/2, cả nước nhập khẩu 11.791 chiếc, tổng kim ngạch 280 triệu USD, tăng 2.766 xe và gần 60 triệu USD so với cùng kỳ 2020.
Năm 2020, cả nước nhập khẩu hơn 100.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 2,35 tỷ USD, giảm 24,5% về lượng và giảm 25,6% kim ngạch so với năm 2019.
Năm ngoái có 6 thị trường nước ta nhập khẩu từ 1.000 ô tô nguyên chiếc trở lên gồm: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Trong đó, xe nhập từ Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà nhập khẩu xe nhiều nhất vào Việt Nam. Chủng loại xe nhập đa dạng, gồm xe con dưới 9 chỗ ngồi, xe khách và xe tải. Trong đó, lượng xe tải chiếm nhiều nhất, sau đó là xe con dưới 9 chỗ ngồi của các thương hiệu nội địa hoặc toàn cầu được lắp ráp ở Trung Quốc như: Beijing, Zotye, MG, Volvo…
Các dòng xe con nhập của Trung Quốc về Việt Nam mặc dù không phổ biến song gây hiệu ứng mạnh bởi giá rẻ và trang bị công nghệ đầy đủ, hấp dẫn. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, hầu hết các dòng xe nhập từ Trung Quốc chưa được phân phối độc quyền chính hãng mà thông qua đại lý. Điều này khiến người mua xe lo ngại.
Với mức giá dao động từ 500 triệu đồng đến dưới 800 triệu đồng/chiếc, các dòng xe Trung Quốc có nhiều khả năng cạnh tranh ở phân khúc giá thấp so với xe Hàn hoặc xe lắp ráp tại Việt Nam.
Theo quy định, Việt Nam vẫn đánh thuế từ 70% đến 75% thuế suất thuế nhập khẩu đối với xe hơi nguyên chiếc từ Trung Quốc theo quy định của WTO. Tuy nhiên, Việt Nam vừa tham gia Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực) do Trung Quốc đứng đầu ký kết với 10 nước ASEAN và các đối tác lớn ở châu Á – Thái Bình Dương, sắp tới Việt Nam sẽ bắt buộc phải giảm thuế, tiến tới bỏ thuế đối với xe Trung Quốc. Việc giảm, bãi bỏ thuế đối với ô tô có thể khiến giá xe Trung Quốc vào Việt Nam rẻ đi trông thấy và áp lực cạnh tranh giá sẽ rất lớn đối với các liên doanh lắp ráp xe hơi hoặc doanh nghiệp xe hơi lớn của Việt Nam.