Mới đây, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đang đạt mức cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây: “người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời… Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt“, ông Tài khuyến cáo.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ảnh hưởng thế nào đối với xe hơi?
Tổng cục Môi trường trích dẫn số liệu của 13 trạm quan trắc tự động ở Hà Nội, trong đó có 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ cho thấy, từ ngày 25-29/9, tất cả các trạm đều báo chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam. Tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều ngày tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Bụi PM2.5 có đường kính nhỏ hơn 2,5 micro mét, tương đương 1/20 đường kính sợi tóc. Loại bụi này ảnh hưởng đến sức khỏe do chúng có kích thước quá nhỏ, dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp và cư trú luôn trong cơ thể con người.Không chỉ người dân mà các máy móc, xe hơi cũng bị ảnh hưởng bởi lớp bụi ô nhiễm.
Theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng ô tô, việc thường xuyên vận hành ở những nơi bị ô nhiễm không khí, bụi sẽ nhanh tích tụ trên lớp sơn bên ngoài xe gây mất thẩm mỹ, làm xe nhanh “xuống mã”.
Bụi không khí bên ngoài còn xâm nhập vào khoang xe theo lối thông gió, cửa ra vào, trở thành “sát thủ thầm lặng” trên ô tô. Trong khi đó, hệ thống điều hòa ô tô hiện nay – một công cụ hữu ích trong việc làm sạch không khí trong khoang xe – đã được các nhà sản xuất lắp thêm các màng lọc cơ bản nhưng nó chỉ lọc được một ít bụi bẩn có kích thước lớn trong khi lớp bụi gây ô nhiễm tại Hà Nội có kích thước rất nhỏ. Không gian kín và nhiều ngóc ngách như khoang nội thất sẽ là môi trường lý tưởng để bụi tích tụ, ngày càng dày đặc. Đây chính là nguyên nhân khiến người sử dụng ô tô mắc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, thần kinh…
Chưa kể bụi bẩn làm ảnh hưởng đến hệ thống cảm biến trên xe hơi khiến xe vận hành kém và thường xuyên gặp sự cố không mong muốn. Sống tại những vùng ô nhiễm không khí, người sử dụng cần lưu ý kiểm tra và làm sạch bụi bẩn cho những bộ phận quan trọng sau:
1. Hệ thống cảm biến oxy
Những dòng xe hơi hiện đại đều sở hữu ít nhất một bộ cảm biến oxy. Có nhiều xe tích hợp 4 đến 5 bộ cảm biến như vậy. Bộ phận này thường là nơi thu hút bụi bẩn bởi chúng được đặt phía trong hệ thống ống xả. Cảm biến oxy thực hiện chức năng giám sát lượng nhiên liệu chưa bị đốt cháy trong hệ thống ống xả. Khi cảm biến này bị bao phủ bởi một lớp bụi bẩn, nó sẽ truyền tải thông tin không chính xác hoặc không thể phản ánh đúng lượng nhiên liệu còn lại. Từ đó, hệ thống vận hành của xe không thể đưa ra sự điều chỉnh phù hợp để thay đổi hỗn hợp nhiên liệu và khí, dẫn đến việc giảm hiệu suất vận hành và động cơ phải hoạt động với cường độ lớn lớn mức bình thường.
2. Cảm biến áp suất khí nạp (MAP)
Căn cứ vào áp suất không khí đo lại đường ống, cảm biến áp suất khí nạp sẽ điều chỉnh điện áp và tần suất của lượng khí nạp. Nếu cảm biến áp suất khí nạp bị nhiễm bụi, hệ thống vận hành không có những thay đổi phù hợp hoặc tăng/giảm thời gian khởi động. Do đó, xe bị có biểu hiện ì lại khi bạn thực hiện tăng tốc để leo dốc, ảnh hưởng đến hiệu suất dù xe vẫn chạy bình thường.
3. Cảm biến luồng gió vào (MAF)
Nhiệm vụ của cảm biến luồng gió là tính toán mức độ, mật độ luồng không khí đi vào để báo mức nhiên liệu cần thêm cho cỗ máy vận hành. Chính vì vậy, khi cảm biến này bị bẩn do bụi bám, các thông tin sai lệch sẽ được truyền đến bộ máy điều khiển khiến động cơ không được cung cấp lượng nhiên liệu phù hợp. Trong trường hợp này, xe sẽ có biểu hiện dừng đột ngột hoặc phản ứng chậm với lệnh của người điều khiển, bất ngờ chết máy hoặc hiệu suất nhiên liệu thấp.
4. Cảm biến tốc độ bánh xe (ABS)
Cảm biến tốc độ bánh xe có nhiệm vụ kiểm soát phương tiện trong trường hợp xe cần phanh hoặc xe đang di chuyển trên đường vỉa hè trơn trượt. Nếu cảm biến này bị bẩn, đèn hệ thống sẽ được báo sáng dù người lái không cảm nhận thấy vấn đề gì bất thường.
Có thể nói, các hệ thống cảm biến có vai trò quan trọng, giúp động cơ hoạt động mượt mà. Khi các cảm biến bị bụi ô nhiễm không khí xâm nhập, hiệu suất của xe sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các biểu hiện như: Xuất hiện tiếng động cơ gằn, động cơ đột ngột ngừng hoạt động, giảm hiệu suất và sức mạnh. Việc giữ sạch hệ thống cảm biến sẽ đảm bảo xe vận hành tốt hơn, hạn chế những sự cố không mong muốn bất ngờ xảy ra trên đường, đồng thời tăng tuổi thọ của xe.