Mùa nắng nóng là bài toán khó cho những người chủ xe trong vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng và hạ nhiệt xe ô tô.
Chính bởi vậy, các chủ xe cần phải tránh những quan niệm sai khi chăm sóc ô tô vào mùa hè để giảm bớt các khoản phí không đáng có. Vào những ngày nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 – 50 độ C. Nếu đậu xe ngoài nắng trong điều kiện nắng nóng như vậy, cabin xe có thể hấp nhiệt và đạt mức nhiệt tới trên 60 độ C. Với nhiệt độ cao như vậy, tất cả các bộ phận, thiết bị trên xe đều rất nhanh xuống cấp, hỏng hóc và chủ xe sẽ phải trả một khoản không hề nhỏ các loại chi phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay mới.
Chính bởi vì điều này, nhiều người lái đã học hỏi thêm cách chăm sóc ô tô trong mùa nắng nóng với mục tiêu làm tăng tuổi thọ sử dụng cho xe. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều chủ xe vẫn đang áp dụng sai các cách chăm sóc ô tô mùa nóng, dẫn tới những lãng phí tiền bạc không cần thiết hoặc thậm chí là làm phát sinh những trục trặc, hỏng hóc nghiêm trọng trong xe.
Rửa xe hàng ngày
Với tâm lý “xót” cho chiếc xe ô tô phải chịu đựng một ngày nắng nóng hoặc phải chạy đường dài, nhiều chủ xe thường rửa xe ngay khi về đến nhà để giúp xe hạ nhiệt hoặc nhanh chóng tẩy sạch đất cát bám bẩn. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia về ô tô không hề khuyến khích cách làm này. Nguyên nhân là bởi khi xe vừa mới tắt máy, các tế bào kim loại trên thân xe vẫn đang trong trạng thái giãn nỡ do nhiệt cao sẽ phải đột ngột co lại vì nhiệt thấp. Tình trạng này kéo dài không hề tốt cho xe vì chúng gây giòn, rỉ sét và dễ vỡ đối với những chi tiết máy có kích thước nhỏ.
Mặt khác, hệ thống động cơ xe đã có cơ chế tự hạ nhiệt bằng nước mát và cả dầu máy. Do vậy, không cần tới sự tác động từ bên ngoài thì máy xe cũng sẽ tự hạ nhiệt dần mà không ảnh hưởng tới các bộ phận khác của xe.
Bắt lửa nếu đổ xăng khi xe chạy đường trường hoặc dưới trời nắng nóng
Rất nhiều chủ xe cho rằng việc nạp nhiên liệu ngay khi xe mới chạy đường dài hoặc đổ xăng trực tiếp dưới nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về cháy nổ cho cả xe và người sử dụng. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm bởi nắng nóng hay nhiệt tỏa ra từ động cơ hoàn toàn không đủ để khiến xăng bắt lửa. Vậy nên, người điều khiển xe có thể nạp thêm nhiên liệu bất kỳ khi nào mình muốn. Với việc đổ xăng, người lái cần lưu ý tuyệt đối không bơm xăng khi vẫn bật máy xe ô tô. Bởi điều này mới chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy nổ. Trước khi mở nắp bình xăng, người lái cần ngắt hoàn toàn khóa điện của ô tô để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, một số người điều khiển xe thường chạy cạn xăng rồi mới tiếp tục nạp nhiên liệu. Điều này hoàn toàn không tốt cho bình xăng bởi hiện nay, có một số dòng xe mới có cơ chế tự làm mát bình chứa bằng chính lượng xăng lưu trữ bên trong. Do vậy, nếu chạy kiệt xăng, kim xăng sẽ bị nóng và nhanh chóng mài mòn. Chủ xe nên giữ lượng xăng trong bình ổn định ở mức khoảng một phần tư là tốt nhất.
Rút ngắn thời gian bảo dưỡng
Nhiều người lái cho rằng làm vậy sẽ tốt cho xe hơn bởi vào ngày nắng nóng, xe sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, điều này thực sự không cần thiết và khá lãng phí. Theo các hãng sản xuất, những chiếc xe trước khi đưa ra thị trường đều phải trải qua các cuộc thử nghiệm gắt gao trong mọi địa hình và điều kiện thời tiết. Với mỗi khu vực hoặc mỗi quốc gia, các hãng xe đều có những cải tiến, thay đổi để chiếc xe nhanh chóng thích nghi với điều kiện khí hậu và địa hình bản địa.
Như vậy, người lái không cần thiết phải rút ngắn các quãng thời gian bảo dưỡng xe mà chỉ cần định kỳ đưa xe đi kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn về số km di chuyển mà hãng xe đã hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng xe quá thường xuyên cũng có những tác hại nhất định bởi nếu thường xuyên tháo lắp, các loại vít cố định, vòng ren… dễ bị mòn và khiến xe phát ra các loại tiếng động lạ khi xe vận hành.
Liên tục thay nước mát và dầu máy
Vào mùa hè, nước mát và dầu máy cũng tiêu hao nhiều hơn vì nắng nóng. Tuy nhiên, chủ xe cũng không cần vì vậy mà liên tục thêm nước mát, thêm dầu máy vào hệ thống động cơ xe vì hành động này là lãng phí và không cần thiết. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người điều khiển xe chỉ nên thêm nước mát, thay dầu máy cho xe định kỳ dựa trên quãng đường mà xe đã di chuyển (ví dụ: 5.000km, 10.000km…). Ngoài ra, chủ xe có thể kiểm tra nước mát, kiểm tra bình dầu sau khoảng mỗi 2 tháng nếu đi xe nhiều và 3 tháng nếu ít di chuyển. Nếu thấy nước mát cạn và dầu nhiều cặn đen thì mới cần bổ sung thêm, còn không, xe vẫn có thể tiếp tục vận hành bình thường, ổn định mà không cần thay mới.
Bật điều hòa hết cỡ ngay khi bước vào xe
Trong thực tế, đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm cho cả người sử dụng và máy xe. Khi mới bật máy, động cơ xe vẫn đang ở dải vòng tua rất thấp, việc bật điều hòa công suất tối đa sẽ tạo một áp lực rất lớn lên động cơ. Về lâu dài, động cơ sẽ bị giảm hiệu năng và nhanh chóng mòn rỉ các chi tiết máy, làm phát sinh các âm thanh khó chịu khi vận hành hoặc nghiêm trọng hơn thì động cơ không thể tiếp tục hoạt động và chủ xe phải chi trả một khoản phí sửa chữa không hề nhỏ.
Ngoài ra, việc bật điều hòa ngay lúc mới vào xe cũng gây hại cho sức khỏe người lái. Khi cơ thể đang ở trạng thái toát mồ hôi do nóng bức đột ngột gặp lạnh sẽ khiến các lỗ chân co lại, làm giảm huyết áp và có thể gây các chứng shock nhiệt, cảm nắng với những người yếu. Nếu tình trạng này kéo dài, người lái có nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tuần hoàn máu não và nhiều các chứng bệnh nguy hiểm khác.
Do vậy, khi mới bước lên ô tô, chủ xe nên tuyệt đối tránh việc bật điều hòa mà có thể áp dụng các biện pháp khác để tản nhiệt cho xe. Một số mẹo khá hiệu quả trong trường hợp này là: đóng mở cánh cửa ghế lái liên tục để thổi bớt hơi nóng trong ca bin, mở toàn bộ cửa kính sau đó chạy xe vài phút để thoáng gió. Ngoài các cách trên, chủ xe còn có thể lắp đặt thêm các loại quạt điều hòa mini chạy bằng pin để chống nóng tạm thời trước khi bật hệ thống làm lạnh. Sau vài phút di chuyển, đến khi động cơ đã chạy ổn định, người lái có thể bắt đầu bật điều hòa với mức thấp nhất, tiếp đó từ từ tăng công suất máy lạnh đến khi cảm thấy trong cabin xe đã đủ mát.
Thay ắc quy to để dùng trong mùa hè
Với quan niệm mùa hè cần dùng nhiều điều hòa, điện năng trong động cơ không đủ nên cần ắc quy to hơn; chủ xe vô hình chung đã phần nào phá vỡ sự cân bằng điện áp trong hệ thống máy móc của xe. Trong thực tế, trách nhiệm cung cấp điện để xe khởi động đã thuộc về máy phát. Do vậy, ắc quy hoàn toàn không phải gánh công suất lớn như nhiều người vẫn nghĩ và chủ xe hoàn toàn có thể dùng ắc quy gốc của xe mà không cần phải thay thế bằng loại có điện áp lớn hơn.
Rửa xe bằng súng phun nước ở áp suất cao
Giữ cho ô tô luôn sạch sẽ, sáng bóng là một thói quen vô cùng tốt. Tuy nhiên, việc dùng súng phun nước ở áp suất sao dí sát vào thân xe, vào khu vực động cơ lại là một sai lầm khá nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xe. Đầu tiên, nếu dí súng phun nước sát với thân xe, những hạt nước bắn ra ở áp suất cao sẽ vô tình trở thành các “mũi khoan” li ti và làm mòn lớp sơn. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến sơn xe nhanh bị ố màu, nhanh bị trầy xước, bong tróc và xuống cấp, làm giảm tính thẩm mỹ của xe.
Mặt khác, nếu phun nước quá sát động cơ thì tuy bụi bẩn sẽ bị rửa trôi nhưng đồng thời, một số chi tiết trong động cơ cũng sẽ bị lỏng, bị tuột và làm xe bị “đơ”, không thể hoạt động bình thường. Ngoài ra, nếu để nước lọt vào trong hệ thống máy cũng có thể gây ra nhiều nguy hại, nhiều hỏng hóc phức tạp khác.
Chăm sóc xe ô tô vào mùa hè không hề phức tạp nếu chủ xe tránh được những quan niệm sai lầm thường gặp trên đây. Ngoài ra, chủ xe còn nên đặc biệt quan tâm tới một số điều khác như: vệ sinh hệ thống máy lạnh, thường xuyên cân lốp, kiểm tra và thay mới gạt mưa… Có như vậy, xe mới hoạt động ổn định, bền bỉ trong ngày hè nắng nóng và mang đến cho cả gia đình những chuyến đi thoải mái, an toàn.
Quốc Bảo