Để việc bảo dưỡng xe ô tô đạt được hiệu quả nhất, chủ xe cần lưu ý một số vấn đều sau.
Không một linh kiện hay bộ phận máy móc gì là tồn tại mãi mãi theo thời gian, sau một thời gian sử dụng chúng sẽ bị mòn, bị hỏng. Vì vậy, đến một thời kỳ nhất định, bạn cần mang chiếc xe ô tô của mình đi bảo dưỡng định kỳ để kiểm tra, sửa chữa, thay thế các bộ phận theo lịch trình. Việc bảo dưỡng định kỳ sẽ tránh khỏi hư hỏng cũng như kịp thời phát hiện các lỗi phát sinh. Có như vậy, vừa giúp bạn tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo sự vận hành và an toàn trên mỗi chặng đường.
Kiểm tra lốp ô tô
Lốp xe ô tô nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ cần một trong 4 lốp xe có vấn đề thì chiếc xe của bạn cũng chỉ nằm lì lì một chỗ, chẳng thể chạy đi đâu được. Vì vậy, cần phải tiến hành kiểm tra lốp thường xuyên, đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất đưa ra. Hiện nay, các nhà sản xuất lốp luôn đề ra các tiêu chuẩn ngay trên lốp như tải trọng và tốc độ giới hạn, hạn sử dụng của lốp xe,… để người sử dụng dễ dàng nhận biết và áp dụng được. Đồng thời, dù chiếc xe của bạn ít đi, tổng quãng đường đi được cũng rất thấp thì bạn vẫn cần phải tiến hành kiểm tra lốp định kỳ. Dù không sử dụng nhưng dưới tác động của thời tiết, không khí, thời gian, bánh xe vẫn bị lão hóa và hỏng, không dùng được.
Vậy khi nào bạn phải thay lốp xe? Bạn nên nắm bắt một số điểm sau để biết lúc nào cần thay lốp để xe được an toàn, đồng thời tránh trường hợp bị các thợ sửa xe bịt bạn. Thông thường, cứ 50.000km, lúc đó lốp của bạn đã bị hao mòn nhiều cần phải thay. Ngoài ra, nếu thấy các dấu hiệu sau: cao su phía trong bị xước hoặc xuất hiện các đường vằn, bị thủng hông lốp, cao su hay sợi bố bị tách rời hoặc bị nhăn, bạn nhìn thấy được tanh lốp hoặc tanh lốp bị biến dạng, đừng chần chừ mà cần tiến hành thay ngay.
Tham khảo thêm: Thảm lót chân ô tô
Kiểm tra phanh
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng và tình trạng tham gia giao thông hiện nay ở Việt Nam thì việc thắng (phanh) xe là không thể thiếu. Nhất là vào giờ cao điểm, phanh xe luôn được dùng với tần suất rất cao. Chính điều này, khiến cho bố phanh xe ô tô nhanh bị mòn và cần phải thay thế để mang lại sự an toàn.
Khi xuất hiện một trong các yếu tố sau: đèn cảnh báo phanh sáng, bàn đạp phanh sát sàn, khi đạp phanh bị nặng, cứng, tiếng ồn trong quá trình đạp phanh, xe bị rung, chệch hướng sang một bên khi phanh. Bạn cần tiến hành kiểm tra phanh ngay, khả năng thay phanh là rất lớn. Ngoài ra, bạn cần phải căn cứ thêm vào tần suất sử dụng, môi trường, điều kiện phanh hoạt động, để có lịch trình bảo dưỡng, thay thế phù hợp, đảm bảo an toàn.
Việc kiểm tra phanh cũng không phải là quá khó. Bạn tiến hành tháo bánh xe, tháo thắng để kiểm tra bố, heo dầu. Nếu bụi bẩn, bạn vệ sinh và tra mỡ ắc thắng sau đó lắp ráp lại. Nếu mòn cần thay thế, bạn cần chọn loại bố đúng chủng loại, phù hợp với loại xe của mình để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thay dầu động cơ
Dầu động cơ cũng là một trong nhân tố bạn cần quan tâm khi đi bảo dưỡng định kỳ ô tô. Nhưng bao lâu thì thay dầu động cơ? Nếu thay quá thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, tiêu tốn tiền bạc, nhưng nếu thay quá ít thì lại gây hại cho động cơ. Vấn đề này cũng là vấn đề mà giữa các hãng xe với giới chuyên môn vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa có được con số thống nhất. Các hàng xe thì khuyên xe có thể chạy tới 10.000 – 20.000km, có khi con số này còn lên tới 30.000km. Trong khi các thợ lâu năm trong nghề lại đưa ra con số là 5.000km hoặc chạy khoảng 3 tháng chúng ta cần tiến hành thay dầu một lần. Vậy đâu mới là con số chúng ta nên theo?
Để biết được thời gian bao lâu tiến hành thay dầu máy động cơ, bạn cần căn cứ vào loại dầu mà hãng xe của bạn đang dùng. Nếu là loại dầu cao cấp thì sau 10.000km bạn mới phải thay, còn với loại thông thường thì khoảng 5.000km. Ngoài ra, bạn cũng cần căn cứ vào tốc độ chạy trung bình hằng ngày, cung đường di chuyển để có được lịch thay dầu phù hợp.
Thay thế ắc – quy
Ắc – quy là một bộ phận có vai trò quan trọng trong việc khởi động, vận hành ô tô. Để chiếc xe của bạn luôn trong trạng thái sẵn sàng khởi động, bạn cần tiến hành kiểm tra ắc – quy định kỳ. Một ắc – quy thường có tuổi thọ từ 3 – 5 năm, nếu bảo dường thường xuyên, hệ thống nạp làm việc hiệu quả thì nó có thể lên tới 8 năm. Khi xuất hiện các dấu hiệu sau: điện áp giữa hai cọc dưới 12V khi xe ở trạng thái không có phụ tải, cọc bình, điện cực bị mòn quá nhiều, khi thấy có các vết nứt trên vỏ bình thì ngay lập tức bạn cần phải thay ngay bình ắc – quy mới.
Một số lưu ý nhắn đến bạn khi lựa chọn bình ắc – quy mới: dung lượng của ắc – quy để cung cấp điện áp phù hợp với xe, thông số dòng khởi động, kích thước ắc – quy phải phù hợp với chỗ đặt của nó trên xe. Đồng thời, bạn nên lựa chọn ắc – quy của những nhà sản xuất, các thương hiệu uy tín để được sản phẩm có chất lượng. Khi tiến hành các thao tác kiểm tra, bảo dưỡng hay thay thế ắc – quy, bạn cần nhớ không được mang nhẫn, vòng, đồng hồ. Vì nếu vô tình làm ngắn mạch, dòng điện cao có thể chạy qua, gây bỏng nặng cho bạn. Đồng thời, khi tháo ắc – quy, bạn thao tác tháo dây cực âm hoặc cực mát trước, việc làm đó để tránh trường hợp ngắn mạch diễn ra.
Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống lọc gió
Lọc gió đóng vai trò như lá phổi của ô tô, giúp lọc, ngăn bụi bẩn không khí vào hệ thống động cơ. Nếu không có “lá phổi” này chiếc xe của bạn sẽ hoạt động kém hiệu quả, tiêu tốn nhiều năng lượng, tạo ra nhiều chất thải. Vì vậy, bạn cần phải tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế hệ thống lọc gió theo lịch định kỳ.
Vậy dấu hiệu nào cho biết lọc gió ô tô của bạn đã đến lúc phải thay? Đó là các dấu hiệu: xe chạy hao xăng; động cơ nhanh bị nóng; động cơ thường bị tắt đột ngột, công suất không ổn định; điều hòa ô tô không mát, độ mát không sâu, máy nóng. Hoặc lọc gió có dấu hiệu bị rách, hỏng.
Lưu ý, để lọc gió hoạt động tốt, kéo dài tuổi thọ, bạn nên tiến hành vệ sinh, làm sạch định kỳ sau 5.000km và sau 20.000km nên thay mới một lần. Ngoài ra, bạn cũng cần căn cứ vào điều kiện sử dụng xe mà xây dựng thời gian phù hợp để bảo dưỡng, thay mới lọc gió, tránh làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên xe.
Đồng thời, mỗi khi mang xe đi bảo dưỡng, bạn đừng ngần ngại mà hãy yêu cầu kỹ thuật tháo lọc gió ra để kiểm tra và tiến hành vệ sinh chúng. Công việc này không khó và không tiêu tốn nhiều thời gian, chỉ cần tháo bỏ air, lấy lọc gió ra, vệ sinh cho hết lớp bụi bẩn bám trên đó hoặc thay lọc mới khi lọc gió của bạn không sử dụng được nữa.
Thay giảm xóc
Có thể nói, một chiếc xe không thể thiếu đi bộ phận giảm xóc. Chỉ cần một trong bốn giảm xóc bị hỏng thì bạn sẽ thấy ngay được những tiếng lật bật ở bánh xe khi gặp phải ổ gà, các gờ giảm tốc. Do đó, để đảm bảo an toàn trên mỗi chặng đường, bạn cần tiến hành kiểm tra và thay giảm xóc định kỳ. Các dấu hiệu để xác định được đã đến lúc thay giảm xóc là đầu xe bị nhún mạnh khi phanh gấp, xe trượt và lệch hướng, bị lắc lư mạnh khi đi trên đường xấu, lốp mòn không đều, những rung động mạnh.
Lưu ý, khi thay giảm xóc, dù xe của bạn chỉ hỏng một cái thì bạn vẫn phải tiến hành thay cả đôi. Vì trên cùng một trục mà tồn tại cả thiết bị mới và thiết bị cũ, với độ đàn hồi khác nhau, khả năng hấp thụ rung xóc khác nhau thì vẫn sẽ mang đến cho chiếc xe của bạn ở trong nhiều tình huống không tốt. Ngoài ra, bạn có thể tối ưu thêm cho hệ thống giảm xóc của mình, bằng việc trang bị thêm đệm giảm trấn, giảm xóc cho ô tô.
Hầu hết các chủ xe ô tô đều ý thức được tầm quan trọng của việc bảo dưỡng định kỳ xe ô tô. Tuy nhiên, những lưu ý khi đi bảo dưỡng thì không phải ai cũng nắm bắt được. Vì vậy, bạn hãy bỏ túi ngay những điều chúng tôi vừa chia sẻ bên trên ngay nhé!
Mạnh Tân