Bảo hành và bảo dưỡng ô tô là hai trách nhiệm khác nhau của các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô tại thị trường Việt Nam. Và không ít người sử dụng xe vẫn đang nhầm lẫn giữa hai khái niêm này.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao khi mua xe ô tô, nhà sản xuất cam kết bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km mà khi chúng tôi đi bảo dưỡng định kỳ vẫn phải trả các chi phí nhân công và phụ tùng thay thế?
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cần làm rõ khái niệm bảo hành và bảo dưỡng ô tô là như thế nào? Hai khái niệm này được định nghĩa cụ thể tại khoản 6 và khoản 7 Nghị định 116/2017/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2017 như sau:
– Bảo hành là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong việc đảm bảo chất lượng ô tô đã bán ra trong điều kiện nhất định
– Bảo dưỡng là công việc cần thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhằm duy trì trạng thái vận hành bình thường của ô tô.
Như vậy, bảo hành ô tô là một trong những nghĩa vụ của nhà sản xuất, trong khi bảo dưỡng ô tô được thực hiện dựa trên khuyến cáo của nhà sản xuất và sự tự nguyện của chủ sở hữu ô tô.
Theo Honda Việt Nam, bảo hành ô tô là việc thay thế hoặc khắc phục miễn phí cho bất cứ khiếm khuyết về vật liệu, hư hỏng do vấn đề chất lượng hoặc sản xuất trong điều kiện sử dụng và bảo dưỡng bình thường. Ngoài ra, Hyundai Thành Công cũng có quy định tương tự khi chịu trách nhiệm bảo hành, bao gồm phụ tùng và nhân công, đối với các hư hỏng do khuyết tật của vật liệu hoặc lỗi sản xuất theo điều kiện và điều khoản bảo hành đã được quy định.
Như vậy, ngoài việc chịu mọi chi phí bảo hành ô tô phía trên, các nhà sản xuất ô tô sẽ không chịu các chi phí nào khác liên quan tới việc bảo dưỡng ô tô. Để đảm bảo cho ô tô vận hành ổn định và đạt chất lượng, chủ xe phải chịu các chi phí phụ tùng thay thế và nhân công trong việc bảo dưỡng định kỳ.
Theo các nhà sản xuất khuyến cáo, ô tô phải được kiểm tra, điều chỉnh và thay thế một số phụ tùng theo một chu kỳ nhất định (theo quãng đường chạy hoặc theo thời gian sử dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước). Tùy thuộc vào các chương trình hậu mãi mà khách hàng sẽ được miễn phí tiền công hoặc giảm giá phụ tùng/phụ kiện. Thông thường, khách hàng sẽ được miễn phí nhân công ở cấp bảo dưỡng 1.000km/1 tháng đầu tiên sau khi sử dụng.
Hiện tại ở Việt Nam, ngoài việc bảo dưỡng chính hãng, khách hàng cũng có thể lựa chọn bảo dưỡng ở các trung tâm hoặc gara uy tín bên ngoài. Tuy nhiên, về phụ tùng/phụ kiện thay thế, chúng ta nên lựa chọn các sản phẩm chính hãng để đảm bảo các quy định về chính sách bảo hành của xe.
Các hãng xe hiện nay cũng có những quy định rất cụ thể về chi phí bảo dưỡng định kỳ mà chủ xe phải chi trả. Thông thường các cấp bảo dưỡng được chia nhỏ ra thành 3 cấp: nhỏ, trung bình và lớn. Đi kèm là các mức chi phí tăng dần theo các cấp bảo dưỡng.
Thời gian gần đây, một số hãng xe tại Việt Nam đang chuyên nghiệp hóa rất mạnh về mảng kinh doanh dịch vụ này, thông qua các chương trình bảo dưỡng trọn gói theo thời gian sử dụng hoặc quãng đường di chuyển. Tiêu biểu như Ford Việt Nam đang cung ứng sản phẩm bảo dưỡng định kỳ trọn gói (SSP) với các thời hạn: 1 năm hay 20.000 km, 2 năm hay 40.000 km, 3 năm hay 60.000 km.
Khi tham gia chương trình bảo dưỡng định kỳ trọn gói của Ford, khách hàng sẽ không phải chi trả cho các chi phí thay thế lọc gió, dầu bôi trơn, lọc nhiên liệu, lọc dầu và bugi, cũng như các chi phí công lao động cho kỹ thuật viên kiểm tra và bảo dưỡng.
Nhìn chung dù bảo hành hay bảo dưỡng, các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam đều phải đảm bảo mọi quyền lợi của khách hàng trong việc sử dụng xe của mình. Và để xe vận hành ổn định, khách hàng cũng phải chi trả cho các công việc bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để đảm bảo xe vận hành đúng yêu cầu kỹ thuật. Việc phối hợp trên sẽ giúp nhà sản xuất dễ dàng hơn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm của mình, cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng trong suốt quá trình sử dụng xe.