Sử dụng gạt mưa xuống cấp chính là một trong những nguyên nhân gây số vụ tai nạn ô tô hàng đầu hiện nay.
Theo kết quả số liệu thống kê, hằng năm có đến 20% tai nạn xảy ra do người lái không thể phán đoán tình huống do kính chắn gió bị mờ hơi nước và bẩn. Và cũng tại thời điểm đó, có tới 50% cần gạt có tuổi thọ vượt quá quy định. Điều đó chứng tỏ, gạt mưa xuống cấp sẽ có ảnh hưởng nhất định với xe ô tô.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết gạt mưa ô tô xuống cấp
Mỗi phụ tùng trên xe đều đóng một vai trò nhất định hỗ trợ xe luôn hoạt động tốt ở nhiều tình huống. Gạt mưa ô tô cũng vậy, người lái xe sẽ luôn có tầm nhìn tốt và cảm thấy yên tâm hơn khi chạy xe, kể cả khi phải ứng phó với mưa, gió có nhiều bụi bẩn. Dưới đây là những nguyên nhân khiến gạt mưa xuống cấp và một số dấu hiệu “chẩn đoán” mà bạn không nên bỏ lỡ!
Nguyên nhân gạt mưa nhanh hỏng
Theo thói quen, chúng ta thường dùng đến gạt mưa chỉ khi gặp mưa, gió có nhiều bụi bẩn bám vào mặt kính. Dù vậy, bộ phận này rất dễ chịu ảnh hưởng trực tiếp với thời tiết do tiếp xúc lâu ngày và nhanh xuống cấp. Cụ thể, với điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, tuổi thọ của cần gạt mưa nhanh giảm, có khi chỉ vài tháng là bạn đã cần phải thay mới. Bên cạnh đó, nếu người lái hay đậu xe dưới nắng quá lâu, sử dụng nước lau kính kéo chất lượng cũng ảnh hưởng tới cần gạt mưa.
Dấu hiệu nhận biết
Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp để nhận biết gạt mưa đang có vấn đề.
- Cần gạt có vết nước: Lớp nhựa của gạt mưa sẽ nhanh chóng bị hun nóng do thời tiết và nứt dần. Nếu không kiểm tra, sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn đang di chuyển, gạt bỗng rơi rụng.
- Cần gạt có nhiều vết bào mòn: Lớp cao su bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn lâu ngày, khiến cho gạt mưa làm trầy lên bề mặt kính chắn.
- Xuất hiện nhiều lằn nước trên mặt kính: Lúc này lớp cao su bao bọc cần đã bị hao hụt đáng kể cần được thay mới.
- Chỉ gạt được một hướng hoặc hai hướng: Điều này thường xảy ra khi thời tiết lạnh và người lái khó lòng can thiệp được. Tuy nhiên, khi trời nóng, gạt mưa chỉ gạt một hướng là do đã xuống cấp hoặc kích thước gạt được lắp không phù hợp.
- Gạt không hết độ rộng.
- Cần gạt bị rung, phát ra tiếng kêu: Đây là “tín hiệu” thông báo lớp cao su đang có vấn đề hay việc lắp cần gạt được thực hiện không đúng cách. Bạn có thể quan sát quỹ đạo của cần, nếu là các vết mỏng, dẹt thì lưỡi cao su đã bị nứt hay hóa cứng, còn nếu có hình dạng như ren cửa thì lưỡi đã quá cong.
- Mặt kính chắn gió có làn sương mờ: Điều này do lưỡi cao su không được làm sạch thường xuyên, dầu, bụi bẩn bám lâu ngày.
- Lưỡi cao su bạc màu
Dù có thể hoạt động khi thời tiết khắc nghiệt, thế nhưng gạt mưa do tiếp xúc nhiều với các yếu tố bên ngoài sẽ dễ bị xuống cấp, nhanh chóng hư hại, hao mòn. Bên cạnh đó, với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam, tuổi thọ của gạt mưa chỉ dao động chừng vài tháng do hiện tượng lão hóa lưỡi cao su. Đây chính là lý do mà bạn cần chú ý đến gạt mưa nhiều hơn, vì phụ tùng này rất nhanh hỏng bởi điều kiện thời tiết. Và khi có một hay nhiều hơn dấu hiệu trên, bạn cần thay ngay gạt mưa ô tô.
Những nguy hiểm tiềm ẩn từ gạt mưa xuống cấp
Gạt mưa có nhiệm vụ làm sạch bụi và nước mưa khi thời tiết xấu nhằm giúp tài xế đảm bảo tầm nhìn trong lúc đang lái xe. Chính vì công dụng đó, sẽ rất nguy hiểm nếu gạt mưa xuống cấp. Và đó là…
Mặt kính bị trầy xước
Hệ thống gạt mưa được hoạt động dựa trên lực chuyển từ motor điện đến gạt mưa, cấu tạo cần gạt có hình dáng như chổi cao su. Ở đầu lưỡi gạt tiếp xúc với mặt kính sẽ được bao phủ bởi lớp cao su nhằm bám chặt kính đồng thời loại bỏ nước và các bụi bẩn. Thế nhưng, lớp cao su này rất nhanh bị chai cứng. Và mặt lưỡi này sẽ kéo theo nhiều đất cát còn bám trên gạt mưa, chà xát lên kính chắn gió gây trầy mặt kính. Nếu không phát hiện từ sớm, bạn sẽ mất thêm nhiều chi phí hơn như sửa lại kính, thay kinh mới, khi ban đầu chỉ cần thay gạt mưa.
Phát ra âm thanh lạ
Trong một vài trường hợp, khi gạt mưa hoạt động kém, bạn có thể nhận biết qua việc nghe thấy tiếng kêu lạ. Có rất ít nguyên nhân dẫn đến tình huống này, thường là do các mảng bám, sáp, dầu, bụi bẩn… bám lâu ngày trên lưỡi gạt, nên khi ma sát giữa mặt kính và lưỡi cao su, làm phát ra tiếng động. Bên cạnh đó, lưỡi cao su đã dần chai cứng tiếp xúc với kính trong lúc xe đang di chuyển cũng làm phát ra âm thanh bất thường. Và nếu không được thay mới, mặt kính xe của bạn sẽ xuất hiện các vết trầy xước và bạn sẽ khó lòng tập trung khi điều khiển xe.
Cần bị vênh, hoạt động không ổn định
Cần gạt là chi tiết để có thể gắn chổi gạt. Theo thói quen, khi đỗ hoặc rửa xe dưới trời nắng nóng, tài xế hay dựng thẳng cần gạt để dễ dàng lau dọn. Và đồng thời cũng nhằm tránh bề mặt cao su của gạt mưa biến dạng vì tiếp xúc với mặt kính ở nhiệt độ cao. Nhưng chính thao tác này nếu không xử lý khéo léo, cần gạt sẽ bị cong và chổi gạt không thể khít được với bề mặt kính, tạo độ cong vênh, trong vài trường hợp có khi bạn cần thay thế gạt mới. Hiệu quả sử dụng cần gạt bị giảm, sót bụi, làm cho các vết bẩn xuất hiện nhiều trên mặt kính. Chắc hẳn, bạn sẽ không thể dễ chịu khi nhìn mặt kính đầy vết bẩn!
Màn kính mờ, ẩm
Thông thường, các nhà sản xuất luôn đưa ra lời khuyến cáo nên thay gạt mưa từ 12 đến 18 tháng sau khi sử dụng. Trên thực tế, thời gian hoạt động của gạt mưa có thể bị rút ngắn hơn. Chính vì thế, tài xế thường rất dễ bỏ qua chi tiết này. Gạt mưa lâu ngày xuống cấp, không thể loại bỏ được nước và bụi, vô tình tạo nên mặt kính ẩm, mờ.
Chính do không được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, gạt mưa mau hư hỏng và không thể đáp ứng nhu cầu vận hành theo tiêu chuẩn. Tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế để quan sát và xử lý sự cố, nhất là thời điểm tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Nguy cơ tai nạn tăng 9 lần
Một hậu quả tệ nhất khi gạt mưa xuống cấp đó là tai nạn giao thông. Khi gạt mưa có dấu hiệu xuống cấp, nếu không được kiểm tra và thay mới ngay từ sớm, người lái rất dễ đối mặt với tình huống nguy hiểm, không kịp phản ứng trước sự cố bất ngờ xảy ra và tệ hơn là thương tích, tử vong. Nếu không tin, thì bạn hãy thử hình dung tình huống hy hữu khi đang điều khiển xe gặp đúng thời tiết xấu. Với sức ảnh hưởng mạnh từ gió và nước mưa, gạt mưa yếu ớt do xuống cấp của xe có thể bất ngờ bị gãy. Chắc chắn, bạn không thể nào an toàn khi chạy xe trong tình huống tệ hại như thế này!
Một ví dụ điển hình từ anh Nguyễn V. Nam khi di chuyển đoạn đường từ TP.HCM đến Đà Lạt. Vì quá bận rộn và không gấp thay phụ tùng gạt mưa nên anh vẫn chưa có thời gian để kiểm tra hay thay gạt mưa mới. Ngày hôm anh trở về nhà gặp thời tiết xấu, đến đoạn cao tốc Dầu Giây, lúc này cần gạt đã xuống cấp trước lượng mưa tạt mạnh vào mặt kính, cần gạt yếu không thể làm sạch nước mưa khiến anh không thể quan sát được đoạn đường phía trước và có va chạm với xe khách. Cả anh và bác tài xế xe khách đều có thương tích khá nặng. Chỉ vì chủ quan mà hậu quả anh nhận lại khá nặng nề.
Đây không chỉ là bài học nhớ đời của anh Nam mà còn là “hồi chuông báo động” cho những ai vẫn còn thờ ơ với vai trò của gạt mưa. Nhiều người luôn cho rằng, gạt mưa chỉ là phụ tùng nhỏ, nếu có xuống cấp không cần phải vội thay như những bộ phận/thiết bị khác của xe. Ý nghĩ này đã hình thành sự chủ quan và bạn có biết rằng gạt mưa xuống cấp có thể đe dọa tính mạng của bạn và những người xung quanh, giống như trường hợp anh Nam ở trên.
Như vậy, thay vì chờ đợi gạt mưa hư rồi mới thay, bạn nên chủ động kiểm tra trước đó. Sẽ thật rắc rối nếu như bạn đang di chuyển dưới trời mưa lớn mà gạt mưa lại không hoạt động. Hãy chịu khó để ý đến loại phụ tùng này để phòng ngừa từ trước những sự cố có thể xảy ra. Và chỉ cần đến các cửa hàng phụ tùng uy tín, cung cấp cho họ mẫu xe cùng năm sản xuất là bạn có thể mua đúng loại cần tìm. Khi thay mới, bạn nên lựa chọn loại phù hợp với size xe, ôm mặt kính, không kêu tiếng động lạ, khi gạt không có bị giật rung và lau sạch vết nước trên mặt kính.
Từ những thông tin trên, chắc hẳn bạn cũng đã phần nào hiểu được mối nguy hại khi gạt mưa dần xuống cấp. Không đơn thuần là hư hại thiết bị mà tính mạng của bạn cũng bị đe dọa, nếu như bạn chủ quan với việc gạt mưa xuống cấp. Chỉ cần luôn kiểm tra định kỳ, sử dụng đồ dùng chất lượng là những cách giúp bạn bảo vệ tốt nhất gạt mưa ô tô.
Dương Vũ