Nước làm mát động cơ ô tô được xem một trong những loại chất lỏng “nuôi sống” ô tô, đây là cầu nối trung chuyển nhiệt từ thân động cơ ra két làm mát.
Nước làm mát ô tô có công dụng gì?
Trong quá trình vận hành xe, nhiên liệu bị đốt trong xi lanh làm một lượng nhiệt lớn tỏa ra. Nhưng chỉ một phần nhiệt chuyển hóa thành công, phần còn lại tỏa ra ngoài không khí hoặc các chi tiết máy khác tiếp xúc với động cơ. Khi lượng nhiệt lên cao quá sẽ khiến sức bền giảm dẫn tới làm hỏng các chi tiết, ứng suất nhiệt lớn. Đồng thời tác dụng bôi trơn của dầu nhớt bị giảm. Từ đó ma sát của bề mặt các động cơ bị tăng cao khi làm việc dễ ảnh hưởng đến khả năng vận hành, tuổi thọ của động cơ.
Nước làm mát động cơ ô tô được xem như chất lỏng “nuôi sống” động cơ
Nguy hại hơn, khi dầu nhớt có nhiệt độ từ 200 – 300 độ C sẽ tự bốc cháy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Vì thế nước làm mát ô tô có vai trò như cầu nối chuyển nhiệt từ thân động cơ ra két làm mát giúp nhiệt độ động cơ ô tô không vượt quá giới hạn cho phép.
Khi nào cần bổ sung nước làm mát cho ô tô?
Để đảm bảo chiếc ô tô được hoạt động ổn định và liên tục, cần kiểm tra thường xuyên mực nước làm mát và nhiệt độ của động cơ qua đèn báo nước làm mát ô tô. Khi xe xuất hiện đèn cảnh báo tức là nhiệt của động cơ đang nóng lên quá mức. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do tải nặng, lên dốc gắt dài, nước làm mát ô tô đang cạn hoặc hệ thống làm mát gặp sự cố.
Tuyệt đối không mở nắp bình chứa nước làm mát khi động cơ đang nóng
Khi phát hiện có đèn báo làm mát động cơ, người lái xe nên dừng xe ở vị trí an toàn và mở ca-pô để tản bớt nhiệt, tuyệt đối không mở nắp két nước ngay vì lượng nước làm mát bên trong tuy thấp nhưng nhiệt độ hiện đang rất cao cùng với áp lực nước sẽ trào ra gây nguy hiểm. Sau khi kiểm tra thấy động cơ và hệ thống làm mát đã nguội, người lái xe có thể mở nắp két nước làm mát ra kiểm tra, nếu mực nước làm mát quá thấp thì cần phải châm thêm nước ngay. Để tránh các sự cố xảy ra khi đang lưu thông trên đường, các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung nước làm mát ô tô sau 160.000km đầu tiên và 40.000km cho các lần di chuyển sau, đồng thời kiểm tra hệ thống làm mát vì có thể bị rò.
Cần dừng xe và cấp nước làm mát ngay khi có đèn báo sắp cạn nước làm mát ô tô
Có mấy loại nước làm mát động cơ ô tô?
Các loại nước làm mát hiện nay đều giúp lượng nhiệt động cơ bên trong không vượt ngưỡng cho phép và chống ăn mòn bên trong hệ thống. Trên thị trường có nhiều loại nước làm mát ô tô với sự khác nhau về màu sắc, nguyên nhân của sự khác nhau này là ở thành phần hóa học của từng loại nước làm mát.
Có 4 loại nước làm mát: xanh lá, xanh đậm, đỏ và hồng, mỗi loại nước này đều có chỉ số đóng cặn và nhiệt đô sôi riêng. Màu xanh lá và đỏ là LLC (Long Life Coller) và màu xanh dương và hồng là SLLC (Supper Long Life Coller), một số hãng xe còn ghi rõ xe sử dụng loại nước mát LLC hay SLLC để tiện cho việc thay nước mát của tài xế. Tuy nhiên là các loại nước làm mát này chứa thành phần hóa học, thường có độc tính cao nên nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người và động vật.
Nước làm mát ô tô có nhiều thành phần hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe không nên tiếp xúc trực tiếp
Khi thay nước làm mát động cơ ô tô cần lưu ý những gì?
- Không nên trộn các loại nước làm mát lại với nhau để sử dụng.
- Dung dịch nước làm mát nên được hòa trôn với tỉ lệ 60% nước làm mát và 40% nước cất. Không được sử dụng nước lã để làm mát động cơ ô tô vì trong nước thường có độ cứng rất cao dễ làm đóng cặn về lâu dài.
- Sau khi đổ dung dịch làm mát động cơ, kiểm tra mức dung dịch vài lần và gia giảm cho ổn định vì lượng dung dịch này có thể bị thay đổi do áp suất hay khí hậu.
- Chỉ sử dụng các dung dịch nước mát theo chỉ dẫn. Không nên sử dụng các phụ gia làm mát gây hư hại và ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ.
Tuấn Minh