Hoạt động và phơi mình dưới cái nóng oi bức của mùa hè, ô tô thường mắc một số “bệnh” đặc thù. Nếu có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, phân loại “bệnh”, bạn sẽ thoát khỏi cảnh bực bội khi xe đột nhiên “giở chứng”. Dưới đây là 7 “bệnh” xế cưng thường gặp phải trong mùa hè nắng nóng và cách phòng tránh:
1. Điều hoà quá tải
Những bộ phận ô tô dễ “đổ bệnh” mùa nắng nóng.
Điều khiển ô tô dưới trời nóng gay gắt, hầu hết các bác tài đều phải chấp nhận để điều hoà hoạt động hết công suất. Điều hoà hoạt động hết công suất trong thời gian dài sẽ dẫn đến quá tải, thậm chí là bị hỏng.
Do đó, bạn cần kiểm tra và vệ sinh hệ thống điều hoà thường xuyên để chúng hoạt động hiệu quả. Có một mẹo hữu ích giúp điều hoà hoạt động tốt là luôn để nhiệt độ trong xe thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ C. Nếu điều hoà của bạn không làm được điều đó, hãy mang chúng tới các trung tâm bảo dưỡng để sửa chữa hoặc thay mới.
2. Dung dịch trong ắc-quy bị bay hơi
Hoạt động trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến ắc-quy làm việc vất vả hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến “sức khỏe” của bộ phận này bị suy giảm. Nhiệt độ cao làm chất lỏng bay hơi nhanh hơn, lượng dung dịch bên trong không đủ tiêu chuẩn. Một số trường hợp còn khiến ắc-quy bị “chết” hoặc tiềm ẩn nguy cơ chập cháy do ắc-quy mất cân bằng xung điện.
Cách tốt nhất để đảm bảo ắc-quy hoạt động tốt là bớt thời gian kiểm tra một cách thường xuyên. Ngoài ra, bạn nên tháo các dây ắc-quy và lau sạch các đầu cực. Nhớ thay thế ắc-quy theo định kỳ (3 – 5 năm) cho dù chúng vẫn hoạt động tốt. Những người có nhiều kinh nghiệm sử dụng cho biết, ắc-quy cũ thường hao điện và khó sạc.
3. Hỏng cần gạt nước
Mùa hè hay có những cơn mưa rào xuất hiện bất ngờ. Hoạt động dưới điều kiện thời tiết thất thường khiến cần gạt nước nhanh bị mòn, hỏng. Bạn có thể quan sát thấy lớp cao su bên ngoài cần gạt nước bị nứt, trầy xước, cong vênh hoặc bị gãy.
Những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm sửa chữa và bảo dưỡng ô tô khuyến cáo, cần gạt nước cần được thay thế 2 lần/năm để chúng hoạt động tốt. Hiện tại, chi phí thay cần gạt nước không quá đắt đỏ. Nếu chịu khó học hỏi, bạn có thể tự thực hiện thay cần gạt nước tại nhà.
4. Lốp xe nhanh xuống cấp
Chất lượng lốp xe là yếu tố quyết định đến sự an toàn và cảm xúc của bạn trên mỗi hành trình. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do lốp xe nhưng nhiều tài xế không hề lưu tâm vấn đề này. Mùa hè nắng nóng cùng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, nhiệt độ mặt đường tăng cao và lực ma sát khiến áp suất lốp tăng lên, dễ dẫn đến hiện tượng nổ lốp.
Trong quá trình kiểm tra lốp, bạn hãy quan sát kỹ các đường rãnh lốp và kiểm tra lại hạn sử dụng ghi trên thành lốp. Chú ý không để lốp xe quá non hơi hoặc bơm quá căng, điều này làm giảm độ bám đường của lốp, dễ dẫn đến hiện tượng nổ lốp.
5. Lớp sơn bị phá hủy
Sơn xe tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Cấu trúc sơn xe dễ bị phá hủy dưới tác động của nhiệt độ cao bởi những phân tử thành sơn luôn trong trạng thái giãn nở. Đây là nguyên nhân khiến lớp sơn không đều màu, thậm chí nhăn nhúm lại.
Muốn lớp sơn bền màu, không nên để xe phơi mình lâu dưới trời nắng. Ngoài ra, không nên rửa xe khi vừa kết thúc một hành trình dài bởi lúc này máy còn nóng, hơi nóng làm xà phòng nhanh khô hơn. Xà phòng khô sẽ bám chặt vào lớp sơn, tạo ra những vết bẩn rất khó lau chùi.
6. Tiêu tốn nhiên liệu
Nhiều người vẫn nghĩ, nhiên liệu hao hụt do điều hoà hoạt động nhiều. Thực tế thì nền nhiệt mùa hè dễ làm lượng xăng trong bình nhiên liệu chuyển sang dạng khí, khiến áp suất tăng cao. Hơi xăng có thể rò rỉ ra ngoài. Chủ xe tốn nhiều tiền đổ nhiên liệu hơn.
Điều đầu tiên phải làm để tránh chuyện xăng “bốc hơi” là vặn chặt nắp bình xăng lại. Theo dõi xem lượng xăng sử dụng hằng ngày có biến động gì không hoặc nếu gửi thấy mùi xăng khi đứng gần xe, bạn nên mang xe đến trung tâm bảo dưỡng kiểm tra.
7. Nội thất xuống cấp vì nóng
Nhiệt độ bên trong khoang cabin luôn ở mức cao ngất ngưỡng vào mùa hè. Bình thường, nhiệt độ bên ngoài khoảng 24 độ C thì bên trong có thể đạt ngưỡng 38 độ C. Có những thí nghiệm thực tế, nếu đóng kín cửa xe trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời 24 độ C, chỉ sau 30 phút, nhiệt độ trong xe sẽ lên tới 50 độ C.
Nội thất xe hơi chủ yếu làm từ nhựa, da hoặc nỉ, dưới tác động của nhiệt độ cao, chất lượng những vật liệu này sẽ giảm, độ bền của các bộ phận này sẽ giảm, nhiều chỗ xuất hiện vết nứt.
Để bảo vệ nội thất khỏi sự tàn phá của nắng nóng, bạn hãy tìm nơi râm, mát để đỗ xe hoặc trang bị thêm các thiết bị chống nóng đang bán trên thị trường như: Bạt, ô che, phim cách nhiệt,…
Nguồn ảnh: Internet