Bạn đang nhìn vào phiên bản thương mại của Hennessey Venom F5 – một chiếc hypercar 100% thiết kế bởi người Mỹ với tốc độ tối đa ngoài 300 dặm/h (483km/h), và nó không gây thất vọng so với mẫu xe ý tưởng ra mắt hồi năm 2017. Như chúng ta đã biết, tên gọi của chiếc xe được đặt theo tốc độ gió lốc cao nhất trong thang Fujita, đạt tới 512km/h – đây là một con số quan trọng và nói lên mục tiêu thực sự của Hennessey với Venom F5.
Hãy bắt đầu từ những thông số kỹ thuật. Động cơ của F5 có tên gọi Fury với 8 xi-lanh xếp chữ V, 2 tăng áp và đạt dung tích lên tới 6.6l. Công suất tối đa của cỗ máy này là 1.817 mã lực tại 8.000rpm và mô-men xoắn lên tới 1.617Nm tại 5.000rpm, khiến Venom F5 đang tạm thời là mẫu xe thương mại mạnh nhất Thế giới. Nhờ vào chassis nguyên khối và bộ vỏ đều làm từ sợi carbon, nó chỉ đạt trọng lượng khô 1.360kg – hay nhẹ hơn 30kg so với Ferrari F8 Tributo trong khi mạnh hơn cả ngàn mã lực. Tỷ lệ công suất trọng lượng cũng đạt mức phi thường 1.298 mã lực/tấn.
Mặc dù dựa trên cơ sở thiết kế động cơ V8 cam đũa thuộc họ LS của GM – cỗ máy đã quá quen thuộc với dân chơi xe hiệu năng cao nhưng mọi chi tiết của Fury đã được tái thiết kế và thay thế hoàn toàn. Hệ thống bôi trơn khô, thân máy CNC nguyên khối, van titan, các tăng áp đường kính to bằng miệng xô, vòi phun cỡ lớn cho mỗi xi-lanh và ECU điều khiển động cơ… tất cả đều là “hàng thửa” và sử dụng công nghệ từ xe đua drag. Kết hợp với động cơ là hộp số bán tự động ly hợp 7 cấp với tỷ số truyền được tối ưu; bằng không thì với công suất khổng lồ, Venom F5 sẽ “đốt” các lốp sau từ khi đứng yên tới lúc đạt hơn 250km/h khi tăng tốc ở 4 số đầu.
Những thử nghiệm giả lập đầu tiên của Hennessey đã cho thấy thời gian tăng tốc 0-100km/h “khiêm tốn” chỉ 2,6 giây, tuy nhiên quan trọng là các con số tiếp theo: 0-200km/h trong 4,7 giây và 0-402km/h trong 15,5 giây. Trong đó con số cuối đáng chú ý vì nó nhanh gấp đôi Bugatti Chiron, và nhanh hơn 7 giây so với người nắm kỷ lục Koenigsegg Regera hiện tại. Hennessey hướng tới tốc độ tối đa 500km/h nhưng khi chạy gỉa lập, chiếc xe có thể đạt tới khoảng 547km/h nếu không tính tới lực cản không khí. Rõ ràng Venom F5 có tiềm năng đạt mức nào đó giữa 2 con số này.
Dành cho những ai không biết về John Hennessey – nhà sáng lập hãng Hennessey. Người đàn ông này đã dành tới 30 năm độ đủ dòng xe “cơ bắp”, bán tải và siêu xe Mỹ cho tới khi tạo ra Venom GT – một chiếc hypercar dựa trên cơ sở Lotus Exige và đã từng đạt danh hiệu xe nhanh nhất Thế giới vào năm 2014 với tốc độ 435,31km/h.
John giải thích: “Ý tưởng về F5 đến từ sau khi Venom GT đã đạt được thành công, nhưng chúng tôi biết rằng sẽ không được mọi người công nhận cho tới khi tự mình làm hoàn toàn một chiếc xe. Chúng tôi không muốn làm một chiếc xe chỉ để đạt tốc độ tối đa, chúng tôi muốn một chiếc xe với sự cân bằng và lực nén không khí ở tốc độ 300mph, nhưng vẫn có thể chạy được trên cả những cung đường xấu cấp độ B ở Anh hay những đường đua”.
Tham vọng của Hennessey sẽ phải cần thời gian để chứng minh khi Venom F5 tới tay khách hàng nhưng ít nhất nhìn vào chiếc xe bây giờ, chúng ta có thể thấy khẳng định của John có cơ sở. Bộ khung hình bồn nguyên khối của xe chỉ nặng đúng 86kg nhưng vượt qua cả Chiron về độ cứng xoắn. Các giảm xóc điều chỉnh được nhưng không phải là loại chỉnh điện để giảm trọng lượng. Hệ thống phanh Brembo sử dụng đĩa gốm-carbon, bộ mâm làm từ hợp kim nhôm CNC đường kính 19 inch trước/sau 20 inch và bọc xung quanh bởi lốp Michelin Pilot Sport Cup 2.
Mặc dù không dùng lốp đặc chủng nhưng John tự tin rằng Venom F5 vẫn đạt mức 483km/h và hơn nữa một cách an toàn. “Chúng tôi sẽ có thể đo đạc từng lốp khi xe đạt 200, 250 và chạm tới 300mph. Chúng tôi sẽ biết tải trọng, nhiệt độ và áp suất ở mỗi góc của xe; nếu chúng tôi cảm thấy nó không nên vượt quá một giới hạn nào đó thì sẽ giới hạn tốc độ lại. Nhưng chúng tôi không muốn và không dự định làm vậy”.
Phải tới mùa Xuân 2021, Venom F5 mới có buổi thử nghiệm tốc độ cao đầu tiên tại đường băng được sử dụng để tàu vũ trụ hạ cánh ở trung tâm không gian Kennedy nằm tại Florida – Mỹ. “Dù có sử dụng chiếc xe nào để thử nghiệm, cấu hình của nó sẽ giống y hệt như toàn bộ 24 chiếc mà chúng tôi định bán cho khách hàng. Đường băng đó có chiều dài 3,2 dặm (5,15km), nên chúng tôi có thể phóng hết ga qua 2,2 dặm và dành dặm còn lại để phanh. Chúng tôi có thể đạt tốc độ bao nhiêu ở khoảng cách đó? Nó có thể đạt 300mph, thấp hoặc cao hơn một chút”.
Đó là con số không tệ khi xét tới việc đường băng mà Hennessey nhắc tới ngắn hơn một nửa so với con đường trong khu thử nghiệm Ehra-Lessien của Volkswagen – nơi Bugatti Chiron Super Sport 300+ từng lập kỷ lục tốc độ 490,98km/h vào năm 2019. “Vậy còn 500km/h? Chúng tôi sẽ phải tìm một con đường công cộng đủ dài ở một nơi nào đó, lý tưởng nhất thì tôi muốn thực hiện điều đó ở Texas” – John Hennessey mơ mộng.
Nhằm tránh những lùm xùm tương tự như đối thủ đồng hương SSC Tuatara trong thời gian qua, lần thử nghiệm tốc độ tối đa thực sự của Venom F5 sẽ được Hennessey thực hiện với sự có mặt của đầy đủ các thiết bị đo đạc VBox/Racelogic cũng như chuyên gia của những công ty này trực tiếp cấu hình tại địa điểm. Hãng cũng sẽ mời các nhân chứng, giới truyền công cùng khách hàng trực tiếp chứng kiến và tung đầy đủ dữ liệu GPS cùng video quay lượt chạy sau đó.
Để giảm lực cản không khí tối đa và đạt được tốc độ nêu trên, bạn có thể nhận ra rằng Hennessey Venom F5 không có các cánh hay vây gió khổng lồ. Nhưng nếu muốn so kè bằng thời gian hoàn thành một vòng đua thay vì tốc độ tối đa, hãng cũng sẽ bán cho khách hàng gói các phụ kiện như vậy. Tuy nhiên để đạt độ ổn định ở tốc độ cao, Venom F5 vẫn không thể thiếu được những vây, cánh khí động học bên dưới gầm.
Lật những cửa hình cánh bướm lên, nội thất của Venom F5 sẽ lộ ra với điểm nhấn đầu tiên là vô-lăng vát đáy phía dưới và cắt đi hoàn toàn phần trên. Vô-lăng này cùng với giao diện của bảng đồng hồ rõ ràng lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu vì nếu đưa được chiếc xe lên 500km/h, rõ ràng người lái Venom F5 di chuyển với tốc độ giống một phi công hơn là ô tô. Nhưng trên thực tế, vô-lăng cắt nửa trên còn có một vai trò khác là đem tới tầm nhìn hoàn hảo không gián đoạn về phía trước.
Các ghế ngồi đương nhiên cũng có khung sợi carbon, chỉ được đệm da vừa đủ để người ngồi cảm thấy thoải mái cho những chuyến đi dài – nếu như bạn có thể nhồi toàn bộ hành lý của mình vào các ngăn hay hộc xung quanh cabin vì Hennessey Venom F5 không có khoang hành lý. Các nút điều khiển được tối giản, nhưng chiếc xe vẫn có hệ thống giải trí với kết nối Apple CarPlay/Android Auto. Các nút bấm điều khiển đèn, gạt mưa, đề máy, chuyển chế độ lái đều được nhồi hết vào vô-lăng.
3 trong 5 chế độ lái củ Venom F5 gồm Wet, Sport và Track hoạt động tương tự những siêu xe khác khi điều chỉnh độ can thiệp của ESC, ABS và sức mạnh động cơ, trong khi 2 chế độ còn lại là Drag và Vmax đặc dụng hơn. Drag không chỉ được thiết kế để “đề pa” nhanh nhất mà còn sử dụng hệ thống nâng đầu xe thuỷ lực để dồn trọng lượng về phía sau nhằm đạt độ bám đường cao nhất cho các bánh dẫn động.
Vmax là chế độ duy nhất mà toàn bộ sức mạnh 1.817 ngựa được mở khoá nhưng để chuyển được chiếc xe sang chế độ này, bạn sẽ phải trải qua một khoá huấn luyện với Hennessey. “Chỉ đơn thuần đưa cho khách hàng chìa khoá xe sẽ là sự vô trách nhiệm” John cười. Rõ ràng khi đã bỏ ra số tiền 2,1 triệu USD (chưa gồm thuế và phí vận chuyển) và may mắn là chủ sở hữu của 1 trong 24 chiếc Venom F5, Hennessey không thể không chăm sóc cẩn thận khách hàng!