Do Bugatti không có kế hoạch đẩy Chiron Super Sport 300+ đến ngưỡng tối đa để phá kỷ lục tốc độ, SSC cùng Tuatara đã chính thức giành lấy danh hiệu xe nhanh nhất thế giới từ tay Koenigsegg (2017) nhờ tốc độ trung bình sau 2 lần chạy đi – về ở 455,3 km/h, nhỉnh hơn đối thủ Agera RS một chút (447,2 km/h).
Để chắc chắn kết quả lần thử này không có sự sai lệch như trước, SSC đã mang tới đường thử toàn bộ các trang bị đo đạc tốc độ mà họ có thể nghĩ ra được cả trên xe lẫn đặt rải rác bên ngoài. Đại diện các bên chứng nhận cũng có mặt đầy đủ tại đường thử để đảm bảo không xảy ra tranh cãi như lần trước.
Trong lần chạy thử vào tháng 10/2020, SSC khẳng định Tuatara đạt tốc độ lên tới 508,73 km/h nhưng sau đó đã bị nhiều YouTuber phân tích và đánh giá là không chính xác dựa vào số liệu xuất hiện trong video được chính SSC đăng tải, thời gian hoàn tất chặng đường và Google Maps. Lần chạy lại vào tháng 12 thất bại vì vấn đề kỹ thuật trong khi lần chạy lại thứ 2, dù mang lại một vị trí trong sách kỷ lục Guinness cho SSC, cũng không thật sự ấn tượng.
Tại sao lại là không thật sự ấn tượng? Đơn giản bởi SSC trước giờ luôn tự tin vào việc phá vỡ cột mốc 300 dặm/giờ (xấp xỉ 483 km/h) nhưng kết quả thu được chỉ trên 455 km/h một chút và chỉ vượt đối thủ đã thiết lập kỷ lục từ hơn 3 năm trước chưa đến 10 km/h.
Thực tế, SSC vẫn có khả năng đẩy giới hạn Tuatara lên cao hơn trong một lần chạy thử tiếp theo ở điều kiện tối ưu. Nguyên nhân là bởi ở lần chạy này, hãng tự giới hạn bản thân bằng một đường chạy ngắn (chỉ dài khoảng 4 km) nên thời gian tăng tốc bị hạn chế đáng kể.
Thêm nữa, phía sau tay lái không phải là tay đua chuyên nghiệp mà là… chủ xe. Nếu Hennessey Venom F5 trong những ngày tới đây vượt qua cột mốc vừa được Tuatara thiết lập, SSC rất có thể sẽ đem xe chạy thử một lần nữa để đòi lại danh hiệu xe nhanh nhất thế giới.
Tham khảo: Carscoops