Một nhà thiết kế xe đua lỗi lạc, Gordon Murray đã có sự nghiệp cực kỳ thành công kéo dài tới 52 năm với nhiều chiếc xe đua vô địch Công thức 1 và siêu phẩm McLaren F1 danh tiếng. Vào năm 2020 vừa qua, ông đã khởi đầu một chương mới với công ty riêng Gordon Murray Automotive và GMA T.50. Với vị trí lái trung tâm tương tự McLaren F1 và cánh quạt khí động học tương tự xe đua “Fan Car” Brabham BT46B, T.50 giống như một album với những “bản hit” nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Murray.
Với thiết kế tối ưu về mọi mặt, GMA T.50 được mệnh danh là siêu xe thương mại hoàn hảo nhất mọi thời đại, và là chiếc xe đem tới cảm giác lái thuần khiết nhất mà tiền có thể mua được. Nhưng trong khi T.50 được thiết kế để có thể lưu thông hàng ngày ngoài đường thì chiếc xe bạn thấy ở đây – GMA T.50s Niki Lauda – là một con quái vật chỉ dành riêng cho đường đua. Không còn phải tuân thủ các giới hạn của một chiếc xe dân dụng, nhà thiết kế thiên tài Gordon Murray đã đưa siêu phẩm GMA T.50s Niki Lauda tới hiệu năng cực đại.
Nếu là một fan F1, chắc chắn bạn sẽ thấy quen thuộc với cái tên Niki Lauda. Dù chỉ 3 lần vô địch F1 trong các mùa giải 1975, 1977 và 1984, nhưng tay đua người Áo sinh năm 1949 này là người duy nhất đưa chiến thắng về cho cả 2 hãng xe danh giá nhất là Ferrari và McLaren. Ra mắt vào đúng 22/2/2021 – Sinh nhật Lauda, phiên bản mới nhất của T.50s cũng đồng thời là sự vinh danh của Gordon Murray tới ông. Cũng được đặt tên theo một tay đua F1 quá cố, nhưng không có bất kỳ sự liên hệ hay “đá xoáy” nào giữa T.50s Niki Lauda và McLaren Senna ở đây.
Giống như những siêu xe “chạy trường” khác, công thức mà Murray áp dụng để biến T.50 thường thành Niki Lauda là thêm công suất, thêm hiệu năng khí động học và giảm trọng lượng. Nhưng khác với phần còn lại và ngay cả chính chiếc McLaren F1 GTR mà ông thiết kế trong quá khứ, việc này không xảy ra sau khi T.50 ra mắt mà trên thực tế, 2 phiên bản này đã được phát triển song song với nhau. Chính vì vậy nếu như T.50 thường là một chiếc xe tối thượng trên đường phố, thì T.50s Niki Lauda sẽ là siêu xe tối thượng trên đường đua.
Nhìn bên ngoài, T.50s chịu rất nhiều cảm hứng từ những chiếc xe đua hiện đại và không dùng chung bất kỳ một mảnh thân xe nào với T.50. Ở phía trước là một cánh chia khổng lồ, các vây vuốt ở hai góc và bộ ba hốc hút gió NACA nằm trên nắp ca-pô. Trong khi dọc theo bên hông, các tấm vây khí động học đã được tách ra khỏi cửa và giúp dẫn luồng không khí vào hốc gió tản nhiệt két làm mát dầu mới. Hốc gió trên mui cũng đã được làm lớn hơn nhiều và nằm nổi bật trên vòm mái.
Hốc gió này nối với chi tiết khí động học đáng chú ý nhất của chiếc xe – vây lưng lớn, giúp tăng cường độ ổn định theo phương thẳng đứng và hướng luồng không khí đến cánh đuôi. Bộ quạt gió đường kính 400mm đã được giữ lại, hút không khí từ cánh khuếch tán lớn và cho phép nó tạo ra nhiều lực nén không khí hơn. Ở đây, bộ khuếch tán thậm chí cũng to hơn chiếc T.50 thường, và góp phần giúp tạo ra lực nén lên tới 1.500kg.
Và trên thực tế, 1,5 tấn vẫn là con số khiêm tốn mà GMA có thể đạt được với toàn bộ các cải tiến khí động học nêu trên. Trong khi nhiều hãng siêu xe khác phải vất vả để có thể đạt được con số như vậy thì Murray lại làm ngược lại – ông và các kỹ sư tại GMA đã buộc phải giảm bớt lực nén không khí để làm cho T.50s Niki Lauda có trải nghiệm lái dễ tiếp cận hơn với ngay cả các đại gia chưa bao giờ được chạy xe đua. Ông giải thích:
“Khi lần đầu tiên chúng tôi chạy CFD (phần mềm mô phỏng dòng động năng không khí trên máy tính), chúng tôi đã vượt qua mục tiêu lực nén của mình. Tại một thời điểm, chúng tôi đã đạt được tới 1.900kg lực nén không khí, nhưng chúng tôi đã giảm nó xuống còn 1.500kg để giúp chủ xe dễ lái hơn”. Và T.50s cần lực nén lớn đến vậy vì lượng sức mạnh truyền tới 4 vùng tiếp xúc của lốp xe với mặt đường.
Động cơ V12 nạp khí tự nhiên 3.9 lít do Cosworth thiết kế đã được nâng cấp hơn nữa, và hiện đạt công suất 711 mã lực ở tua máy đáng kinh ngạc 11.500 vòng/phút (tua máy cực đại vẫn đạt 12.100 vòng/phút) cùng mô-men xoắn 485Nm tại 9.000 vòng/phút. Những con số đó lần lượt lớn hơn 48 mã lực và 15 Nm so với T.50 tiêu chuẩn và nâng tỷ lệ công suất/dung tích lên tới 178 mã lực/lít.
Chìa khóa để tăng hiệu suất là các nắp quy-lát và trục cam được thiết kế lại, tỷ số nén 15:1 cao hơn và hệ thống xả hợp kim Inconel không bị giới hạn bởi những bộ lọc khí thải nhằm đạt chuẩn Euro 5 hay thứ gì tương tự. Nhờ hệ thống nạp, xả và điều khiển nhẹ hơn, van titan và không còn công nghệ van biến thiên, những nâng cấp để động cơ này sẵn sàng cho đường đua cũng giúp giảm thêm 16kg trọng lượng.
Tiếp tục nói về việc giảm trọng lượng, hộp số sàn 6 cấp của T.50 cũng đã được thay thế bằng loại sang số tức thời của Xtrac (Instantaneous Gearshift – IGS) với lẫy chuyển số để giảm 5kg và tiết kiệm từng mili giây trên đường đua. GMA cung cấp 2 lựa chọn tỷ số truyền – tiêu chuẩn cho tốc độ tối đa từ 320 đến 340km/h và một phiên bản ngắn hơn, chỉ đạt khoảng 275km/h nhưng đánh đổi vận tốc lấy gia tốc.
Các biện pháp giảm trọng lượng mở rộng đến cả kết cấu của T.50s Niki Lauda với kính mỏng hơn, các tấm thân bằng sợi carbon và khung liền khối cũng từ loại vật liệu siêu nhẹ này, với lõi tổ ong bằng nhôm. Nhìn chung, T.50s chỉ nặng 852kg, giảm tới 134kg so với trọng lượng 986kg của T.50 thường. Bạn đang nhìn vào một chiếc xe nặng chỉ hơn 1 nửa so với một chiếc Porsche 911 Turbo S, nhưng mạnh hơn tới khoảng 75 mã lực và có lượng xi-lanh lớn gấp đôi!
Bên cạnh đó, hệ thống treo cũng được cải tiến với các lò xo, giảm xóc và thanh ổn định mới, khiến khoảng sáng gầm hạ thấp 87mm ở phía trước và 116mm ở phía sau. Tỷ số truyền của tay lái cũng đã được sửa đổi, trong khi hệ thống phanh vẫn được giữ lại với đĩa gốm carbon kích thước 370mm ở phía trước và 340mm ở phía sau. Chúng được kẹp bằng heo 6 piston phía trước và bốn piston phía sau và tạo ra lực gia tốc lên tới 3,5G khi phanh gấp.
Mặc dù có cấu hình “khủng” nhưng T.50s Niki Lauda có bộ mâm với đường kính khá khiêm tốn là 18 inch. Tuy nhiên, không có gì khiêm tốn ở đây khi bản thân mỗi chiếc mâm được rèn từ magiê và có moay-ơ siêu nhẹ kiểu xe đua F1. Mỗi chiếc mâm có trọng lượng chỉ 6kg. Những chiếc lốp Michelin là loại vân bán trơn có chiều rộng 250mm ở phía trước và 300mm ở phía sau.
Trong số 134kg giảm được nêu trên, một phần lớn đạt được ở nội thất khi thay vì 3 ghế ngồi với đầy đủ tiện nghi, T.50s Niki Lauda chỉ còn lại ghế lái và ghế phụ bên trái kiểu xe đua và khung làm từ sợi carbon. Nếu không có nhu cầu chở thêm một lái phụ, chủ xe cũng có thể yêu cầu GMA vứt luôn cả ghế còn lại. Vô-lăng nhỏ xíu chỉ chứa các nút điều khiển quan trọng nhất để kiểm soát lực kéo và khởi động, về “mo” và kết nối bộ đàm với đội kỹ thuật trong đường pit. Một màn hình kỹ thuật số duy nhất hiển thị dữ liệu xe.
Không thể phủ nhận rằng T.50s sẽ rất nhanh, nhưng Murray cho biết công ty của ông đã không theo đuổi việc cắt giảm từng mili giây thời gian hoàn thành mỗi vòng đua, và thay vào đó tập trung vào việc tận hưởng. “Chúng tôi không quan tâm đến việc đạt được thời gian vòng đua cao nhất hay tạo ra một con tàu vũ trụ với lực nén cùng độ bám đường siêu lớn nhưng phải đánh đổi sự gắn kết với người lái. Bởi vì cuối cùng bạn phải có một trình độ kỹ năng và thể lực của người lái xe F1 để tận dụng những điều đó hiệu quả nhất” – Gordon tuyên bố.
Và không tỏ ra bao bọc khách hàng một cách thái quá như cách Ferrari làm với những chiếc XX, GMA để họ có thể tự do bảo quản hay làm bất kỳ thứ gì mình muốn với T.50s Niki Lauda. Nhưng nếu như muốn nghiêm túc tham gia đua xe, các đại gia cùng đội kỹ thuật của họ sẽ được hãng mời tới những buổi “chạy sân” và đào tạo kỹ càng. Ngoài ra, công ty đang làm việc với Tổ chức Stéphane Ratel (SRO) để lên kế hoạch các buổi đua như một phần của sự kiện GT World Challenge Europe sau này, với mục tiêu tạo ra một giải đua riêng trong tương lai.
Chỉ có 25 chiếc T.50s Niki Lauda sẽ được sản xuất, tất cả đều được đặt tên theo mỗi chặng trong số 25 chiến thắng F1 của những chiếc xe do Murray thiết kế. Chiếc đầu tiên sẽ được đặt tên là Kyalami theo tên một đường đua ở Nam Phi – quê hương của ông. Cuối cùng, giá bán của mỗi chiếc sẽ là 3,1 triệu Bảng Anh (tương đương 100 tỷ đồng).