Ngay cả khi điện hoá còn là một khái niệm khá mới mẻ, McLaren đã tiên phong với công nghệ hybrid từ năm 2012 thông qua hypercar P1. Được trang bị hệ động lực hybrid với tổng công suất 727 mã lực, P1 có thể tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 2,8 giây và đạt tầm hoạt động chỉ chạy điện 31km. Nhưng khi ra mắt, P1 có mức giá ngoài 1 triệu USD trong khi ngày nay với chiếc McLaren Artura mới nhất, khách hàng sẽ có thể tận hưởng được hiệu năng đó với giá chỉ bằng “một góc”.
Kể từ sau P1, McLaren cũng đã nhiều lần tạo ra các siêu xe hybrid khác nhau nhưng chúng đều là những siêu phẩm cực đắt, số lượng giới hạn. Chính vì vậy, Artura mang một ý nghĩa đặc biệt khi là dòng xe thương mại số lượng lớn đầu tiên của McLaren được điện hoá. Với vai trò này, hãng đã thiết kế chiếc xe hoàn toàn mới – từ động cơ tới khung sườn. Bắt đầu từ hệ động lực, động cơ V8 quen thuộc của McLaren đã không còn xuất hiện trên Artura, thay vào đó là cỗ máy 3.0l V6 mới toanh.
Chỉ riêng động cơ này đã đem tới cho xe công suất 577 mã lực và mô-men xoắn 584Nm. Nhưng ở bên trong vỏ hộp số tự động 8 cấp, Artura còn có thêm một mô-tơ điện mạnh 94 mã lực/225Nm nữa để nâng tổng công suất lên thành 671 mã lực và tổng mô-men xoắn đạt tới 804Nm. Sức mạnh này giúp chiếc xe chỉ mất 3 giây để đạt 100km/h từ khi đứng yên – chậm hơn P1 0,2 giây và tốc độ tối đa giới hạn ở mức 330km/h.
Động cơ điện sử dụng một bộ pin bao gồm 5 mô-đun lithium-ion với tổng công suất 7,4 kilowatt-giờ. Giống như P1, Artura có thể đi được 30km chỉ với mô-tơ điện và khả năng sạc pin từ nguồn ngoài (plug-in). Sử dụng bộ sạc EVSE tiêu chuẩn, chủ xe có thể sạc đầy từ 0 đến 80% chỉ trong 2 giờ rưỡi. Ngoài hệ động lực, Artura cũng là chiếc xe đầu tiên trong dòng sản phẩm sử dụng Kiến trúc trọng lượng nhẹ McLaren Carbon (hoặc MCLA) mới của hãng.
Các kỹ sư đã thiết kế nền tảng này đặc biệt để phù hợp với hệ truyền động hybrid, với nhôm và sợi carbon siêu định hình cho phép tạo ra những thiết kế đẹp mắt trong khi vẫn giữ trọng lượng ở mức tối thiểu. Nhờ đó nên McLaren Artura nặng chỉ 1.394kg khô. Các thành phần của hệ động lực – như động cơ và bộ pin – chỉ nặng tổng cộng 130kg. Trong khi đó, động cơ xăng nặng 160kg – nhẹ hơn tới 50kg so với máy V8 trước đó.
Kiến trúc MCLA mới cũng cho phép McLaren lần đầu tiên tích hợp một số tính năng an toàn chủ động. Artura sẽ được trang bị sẵn hệ thống giữ ga tự động thích ưnghs, cảnh báo chệch làn đường, đèn pha tự động và nhận dạng biển báo đường – tất cả đều có thể cập nhật qua mạng. Công nghệ bên trong cũng được thay đổi. Artura là chiếc xe đầu tiên trong dòng sản phẩm có hệ thống thông tin giải trí mới của McLaren (được gọi là MIS II) với màn hình cảm ứng độ nét cao, Apple CarPlay và Android Auto.
Là một siêu xe, hệ thống thông tin giải trí của Artura cũng có chế độ hiển thị thông số riêng và ghi lại dữ liệu khi xe chạy trên đường đua. McLaren cũng tích hợp chế độ hỗ trợ drift nếu như khách hàng định đem xe vào một khu vực có kiểm soát. Những thứ khác cũng có trong danh sách trang bị tiêu chuẩn gồm ghế điện, trình chiếu nội dung trên smartphone, tự nâng mũi xe, gương hậu gập mở điện kèm sưởi mặt kính, cửa hít…
Khách hàng sẽ có thể mua Artura với 3 phiên bản là Performance, TechLux và Vision – mỗi bản sẽ có các trang bị riêng. Tại Mỹ, giá bán khởi điểm của Artura sẽ từ 225.000 USD (tương đương 5,178 tỷ đồng).