Hệ thống kiểm soát hành trình có thể rất hữu ích trong các chuyến đi đường dài hoặc khi xe chạy trên đường cao tốc. Bằng cách cài đặt tốc độ, người lái có thể để chân thoải mái và để cho xe tự duy trì tốc độ. Hệ thống kiểm soát hành trình tối tân thậm chí còn cho phép bạn duy trì tốc độ và khoảng cách nhất định ở phía sau xe phía trước. Khi hệ thống kiểm soát hành trình không hoạt động, chúng có thể gây bất tiện, thậm chí là nguy hiểm cho người ngồi trên xe. Việc hệ thống kiểm soát hành trình bất ngờ ngừng hoạt động có thể khiến chiếc xe của bạn giảm tốc độ một cách nhanh chóng. Do đó, ngay cả khi hệ thống điều khiển hành trình đang được kích hoạt, tài xế vẫn nên cảnh giác. Kiểm tra hệ thống kiểm soát hành trình là một trong những công việc cần thiết của quá trình chăm sóc và bảo dưỡng ô tô.
Hệ thống kiểm soát hành trình hoạt động ra sao?
Hệ thống điều khiển hành trình ngày càng được cải tiến, bởi những chiếc xe ngày càng trở nên hiện đại hơn. Những chiếc xe mới sử dụng thiết lập điện tử hoàn toàn để duy trì tốc độ và có thể duy trì cả khoảng cách với xe phía trước. Các hệ thống này được kiểm soát thông qua máy tính hoặc ECU (bộ phận điều khiển điện tử) của xe. Trong khi đó, những chiếc xe đời cũ hơn sử dụng bộ phận kiểm soát hành trình cơ điện. Trong thiết lập này, van chân không được kết nối vật lý với bướm ga bằng dây cáp hoặc dây xích. Dây cáp được điều chỉnh để tăng hoặc giảm vị trí bướm ga dựa vào hoạt động của van. Thợ máy sẽ cho bạn biết xe đang sử dụng loại thiết lập nào.
Lý do phổ biến khiến điều khiển hành trình không hoạt động
Lỗi cầu chì: Giống như nhiều hệ thống điều khiển điện tử trên xe, hệ thống điều khiển hành trình có một cầu chì tương ứng mà sẽ đứt để bảo vệ hệ thống, nếu chúng bị đoản mạch. Khi cầu chì của hệ thống kiểm soát hành trình bị đứt, hệ thống này sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn.
Hỏng công tắc bàn đạp phanh: Công tắc bàn đạp phanh sẽ bật đèn phanh khi cảm thấy bàn đạp phanh được đạp. Hệ thống điều khiển hành trình được thiết kế để ngừng hoạt động khi người lái đạp bàn đạp phanh, do đó, hệ thống điều khiển hành trình được nối với công tắc bàn đạp phanh. Nếu công tắc bàn đạp phanh không hoạt động, chiếc xe có thể cho rằng phanh đang được nhấn, do đó, hệ thống kiểm soát hành trình sẽ không hoạt động.
Hỏng cảm biến tốc độ: Cảm biến tốc độ được tạo ra với nhiều mục đích, bao gồm việc cho biết tốc độ của xe, chuyển động của luồng nhiên liệu, thời gian đánh lửa và vận hành hệ thống điều khiển hành trình. Nếu cảm biến tốc độ không hoạt động, hệ thống điều khiển hành trình có thể sẽ ngừng hoạt động. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng đồng hồ tốc độ sẽ ngừng hoạt động và động cơ gặp nhiều khó khăn hơn khi dừng xe.
Van/vòi/cáp chân không bị hư tổn: Trên những mẫu xe đời cũ, tốc độ của hệ thống kiểm soát hành trình được duy trì bằng van chân không và cáp nối với bướm ga. Hệ thống kiểm soát hành trình của xe có thể ngừng hoạt động, nếu van chân không ngừng hoạt động hoặc vòi chân không bị hư hỏng. Hệ thống này cũng có thể không hoạt động, nếu dây cáp với bướm ga bị hỏng.
Làm gì khi hệ thống điều khiển hành trình bị hỏng?
Theo kinh nghiệm sử dụng ô tô, tốt nhất bạn nên nhờ đến thợ cơ khí để xác định lý do tại sao hệ thống kiểm soát hành trình của xe ngừng hoạt động. Sau đó, thợ máy sẽ cung cấp bản đánh giá chi tiết về bản chất của việc hệ thống không hoạt động cũng như chi phí sửa chữa cần thiết.
Khi hệ thống kiểm soát hành trình bị hỏng, tốt nhất nên nhờ đến thợ cơ khí
Hệ thống điều khiển hành trình bị hỏng cần kiểm tra những gì?
Đầu tiên, thợ máy sẽ kết nối với ECU của xe thông qua một đầu đọc/máy quét mã. Điều này sẽ cho phép thợ máy đọc mã bị lỗi và chẩn đoán bộ phận nào bị lỗi dễ dàng hơn.
Nếu thợ máy xác định rằng cầu chì bị hỏng, họ sẽ tìm cầu chì của hệ thống kiểm soát hành trình để xem chúng có hoạt động hay không. Nếu cầu chì đã bị đứt, thợ máy sẽ thay thế chúng bằng cầu chì thích hợp với cường độ dòng điện.
Nếu thợ máy tin rằng phanh bị hỏng, họ sẽ kiểm tra công tắc để xem xem chúng có bị lỗi không. Sau đó, thợ máy sẽ kiểm tra dây nối với công tắc và thay thế chúng nếu cần thiết. Khi công tắc đã được thay thế, thợ máy sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng đèn phanh và hệ thống kiểm soát hành trình đều hoạt động.
Để kiểm tra cảm biến tốc độ, thợ máy sẽ phải kiểm tra bên dưới xe. Thợ máy sẽ tìm cảm biến và xem xem chúng cũng như các dây nối xung quanh có bị hư hại gì không. Thợ máy sẽ thay thế cảm biến và kiểm tra các dây nối từ cảm biến đến cụm đồng hồ và công tắc hệ thống kiểm soát hành trình để đảm bảo rằng chúng hoạt động tốt.
Nếu thợ máy cho rằng van chân không hoặc ống và dây cáp tương ứng bị hỏng, người đó sẽ mở nắp ca-pô và định vị van. Đầu tiên, thợ máy sẽ kiểm tra vòi và dây cáp để đảm bảo rằng chúng hoạt động tốt. Sau đó, họ sẽ thay thế van nếu cần thiết.
Sau khi kiểm tra mọi thứ, thợ máy sẽ yêu cầu người lái lái thử xe để đảm bảo rằng hệ thống điều khiển hành trình đã hoạt động. Họ cũng sẽ sử dụng máy quét/đầu đọc mã để xóa bất kỳ mã lỗi nào mà có thể xuất hiện khi hệ thống kiểm soát hành trình không hoạt động.
Tầm quan trọng của việc kiểm tra hệ thống kiểm soát hành trình
Hệ thống kiểm soát hành trình không hoạt động có thể là tín hiệu cho thấy xe cần được sửa chữa sớm. Bằng cách kiểm tra hệ thống kiểm soát hành trình, thợ máy cũng có thể kiểm tra các hệ thống khác trên xe, bao gồm đèn phanh và đồng hồ tốc độ. Trong khi việc lái xe mà không có hệ thống kiểm soát hành trình có thể là một sự bất tiện, việc hệ thống này đột ngột ngừng hoạt động có thể là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho người lái. Nếu bạn nhận thấy rằng hệ thống kiểm soát hành trình trên xe đã ngừng hoạt động, bạn nên yêu cầu thợ máy kiểm tra xe để tìm ra nguyên nhân của sự cố.