Trong thời gian vừa qua, cái tên Harley-Davidson đã gây chú ý trong làng xe mô tô. Thường gắn liền với hình ảnh bảo thủ cùng những chiếc cruiser và touring nặng nề truyền thống, Pan America đánh dấu lần đầu tiên hãng mô tô Mỹ bước chân vào phân khúc mô tô adventure cỡ lớn. Dù hoàn toàn không có kinh nghiệm làm một chiếc xe địa hình đường trường hiện đại, nhưng hãng mô tô Mỹ được cho là già cỗi vẫn dám tranh đấu lần đầu tiên với BMW GS – biểu tượng của phân khúc trong hơn 40 năm qua.
Tuy nhiên không cần phải đợi tới Pan America, trong quá khứ Harley-Davidson cũng từng không ít lần dám thử sức với những phát kiến kỹ thuật, cũng như dấn thân vào các phân khúc khác nhau. Và điều đó được thể hiện qua 10 mẫu xe dưới đây. Trong số đó không ít dòng xe đã mở ra các phân khúc mới, và một số khác lại là những thất bại. Nhưng chúng đã chứng minh rằng trong gần 120 năm lịch sử, Harley-Davidson không chỉ là một “ông cụ bảo thủ” như nhiều người vẫn nghĩ.
1965 FLH Electra Glide – chiếc mô tô touring thực thụ đầu tiên
Vào năm 1965, doanh số chính của Harley tới từ những chiếc xe có động cơ ‘Panhead’ dung tích lớn và dòng Sportster nhỏ hơn. Năm 1965, hãng đã nâng cấp chiếc DuoGlide – được đặt tên vào năm 1958 bởi hệ thống treo cánh tay đòn phía sau mới – thành Electra Glide đầu tiên để chỉ ra rằng nó là chiếc xe đầu tiên có bộ đề điện. Ngoài ra Electra Glide cũng nâng cấp lên dàn điện 12v và một bình nhiên liệu lớn hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn là một gói phụ kiện mới bao gồm thùng cứng và kính chắn gió để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Gói phụ kiện touring đó đã trở nên phổ biến và vào năm 1969, kính gió trước đã được cập nhật thành bộ quây ‘Batwing’ mang tính biểu tượng. Sau đó vào năm 1971, chúng trở thành trang bị tiêu chuẩn. Kể từ đó Electra Glide đã trở thành chiếc mô tô touring thực thụ đầu tiên, và kiểu dáng đặc trưng của nó vẫn được giữ nguyên tới tận ngày nay.
1970 XR750 – mẫu xe đua thành công nhất
Harley-Davidson có một lịch sử thành công tại các giải đua flat track, bắt đầu từ chiếc KR750 vào thập niên 50-60 của Thế kỷ XX. Tuy nhiên vào năm 1969, các điều luật mới cho phép những đối thủ với động cơ trục cam OHC không còn bị giới hạn dung tích ở mức 500cc đã buộc Harley-Davidson phải trở lại với một mẫu xe đua mới – đó là XR750. Dựa trên cơ sở động cơ 883cc của dòng Sportster, nhưng XR750 được trang bị nắp quy-lát bằng nhôm vào năm 1972 để tránh quá nhiệt.
Kết quả là cỗ máy này đã thống trị hoàn toàn đường đua flat track của Mỹ trong 4 thập kỷ tiếp theo, giành được 29 trong số 37 chức vô địch cho đến năm 2008. Ấn tượng không kém, phiên bản đường trường của nó là XR-TT, đã thống trị giải Transatlantic Trophy năm 1972 trong tay của Cal Rayborn. XR cũng trở thành sự lựa chọn của huyền thoại biểu diễn xe bay Evel Knievel.
1971 FX Super Glide – chiếc xe độ sẵn từ nhà sản xuất đầu tiên
Mặc dù gây tranh cãi và không phải là một thành công về doanh số, nhưng Super Glide 1971 vẫn là một cột mốc quan trọng trong lịch sử mô tô khi được công nhận là ‘mẫu xe độ từ nhà máy’ đầu tiên. Lấy cảm hứng từ thành công vang dội của bộ phim Easy Rider năm 1969 và sự phổ biến sau đó của những chiếc xe độ theo phong cách chopper, Willie G. Davidson – thiết kế trưởng của Harley đã quyết định tạo ra một chiếc xe Harley mới tương tự. Theo đó, ông đã lấy động cơ lớn và lốp sau “béo” của FL Glide và kết hợp nó với phuộc dài cùng lốp trước hẹp của dòng Sportster – do đó nó có tên mã là ‘FX’.
Thật không may, Davidson cũng đã bổ sung dè sau kiểu ‘đuôi thuyền’ kỳ quái, vốn không được ưa chuộng, buộc Harley phải đổi sang dè thường trong năm thứ hai. Mặc dù không phải là một thành công, nhưng Super Glide đã đánh dấu một khoảnh khắc thay đổi lớn đối với Thế giới mô tô khi kết hợp các chi tiết của xe độ vào xe thương mại. Nếu không có nó, những chiếc cruiser Harley thành công hơn sau đó như Low Rider có thể sẽ không bao giờ được chế tạo.
1977 FXS Low Rider & XLCR – những chiếc cruiser và cafe racer thương mại đầu tiên
Sau lần suýt thất bại với Super Glide, Harley đã xem xét lại ý tưởng xe độ từ nhà máy của Willie G. Kết quả là chiếc Low Rider năm 1977 – mẫu cruiser đầu tiên đạt thành công lớn của H-D, khiến hình ảnh hãng gắn chặt với kiểu dáng này cho đến ngày nay. Được đặt tên vì chiều cao yên xe thấp, Low Rider đã định hình kiểu dáng cruiser với phần đầu xe dài, bánh trước mỏng, gác chân phía trước, ghế 2 tầng và pô 2 -to-1 – tất cả đều được trang bị động cơ đôi cỡ lớn ‘Shovehead’ của Harley. Năm đó, nó bán chạy hơn tất cả các mẫu Harley khác.
Nhưng năm 1977 cũng đáng chú ý với sự ra đời của một trong những mẫu xe được yêu thích nhất, đồng thời là thất bại lớn nhất của Harley – XLCR café racer. Về cơ bản là một chiếc Sportster được lắp quây gió bikini, yên solo và bình xăng kiểu xe đua, nhưng XLCR không phải là một mẫu xe thể thao. Nó cũng không thu hút những người mua Harley truyền thống lẫn dân chơi sportbike, chỉ có 3.200 chiếc tới tay khách hàng trong 3 năm. Nhưng nó trông tuyệt vời, khác biệt và độc đáo – chừng vậy là đủ để ngày nay XLCR trở thành món “hàng sưu tập” được ưa chuộng.
1984 FXST Softail – chiếc xe đầu tiên với khung Softail và đồng thời là chiếc Harley đầu tiên dùng động cơ họ Evolution
Đầu những năm 1980 là khoảng thời gian đầy biến động đối với Harley-Davidson. Những năm 1970 dưới quyền sở hữu gây tranh cãi của AMF, là thời kỳ đầu tư kém và suy thoái. Thị phần tại Mỹ của hãng trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Nhật Bản đã giảm từ 75 xuống chỉ còn 25%. Tuy nhiên, vào năm 1981, Giám đốc điều hành Vaughn Beals đã thuyết phục 12 lãnh đạo khác tham gia cùng ông trong một thương vụ mua lại quyền quản lý công ty, và nhanh chóng bắt tay vào việc “hồi sinh”.
Một trong những bước phát triển đầu tiên là việc thành lập Harley Owners Group (HOG) vào năm 1983 – ngày nay vẫn là câu lạc bộ người chơi mô tô chính hãng lớn nhất Thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả là chiếc xe hoàn toàn mới đầu tiên của hãng – chiếc FXST Softail 1984. Không chỉ giới thiệu động cơ ‘Evolution’ hợp kim hoàn toàn mới, đáng tin cậy và mạnh mẽ hơn nhiều so với máy Shovelhead bằng sắt cũ, Softail cũng là mẫu xe đầu tiên sử dụng kết cấu khung cùng tên với phuộc ẩn đi.
Nhờ đó, những chiếc Softail trông quyến rũ như xe độ khung cứng không phuộc (hardtail), trong khi vẫn đủ êm ái và không dội từng cú xóc lên xương cụt người lái. Nó cũng là một thành công vang dội khi ngay lập tức trở thành chiếc xe bán chạy nhất của Harley, đồng thời dẫn đến sự ra đời series Heritage Softail mang phong cách hoài cổ những năm 1950 vào năm 1986. Dòng Softail đã đảo ngược hoàn toàn tình hình kinh doanh ảm đạm trước đó.
1990 FLSTF Fat Boy – chiếc xe một lần nữa khiến hình ảnh Harley trở nên “ngầu”
Sau khi giới thiệu thành công động cơ Evolution và nền tảng Softail, Willie G. Davidson đã quyết định khám phá phong cách tối giản, công nghiệp, hoài cổ của thập niên 50 hơn nữa. Làm việc với đồng thiết kế Louie Netz và bắt đầu với chiếc Heritage Softail làm cơ sở, bộ đôi này đã thay thế những chiếc đồng hồ, đinh tán, chrome, bánh căm lóp viền trắng bằng một thiết kế cực kỳ đơn giản nhưng táo bạo.
Được chỉnh sửa dần sau hai chuyến đi đến Daytona để đánh giá phản ứng của công chúng, chiếc xe cuối cùng được đặt tên là Fat Boy, ra mắt vào năm 1990 và đã thành công rực rỡ. Sự nổi tiếng của nó càng được thúc đẩy khi bộ phim bom tấn ‘Kẻ hủy diệt 2’ (Terminator 2) công chiếu – dòng Fat Boy kể từ đó đã trở thành một trong những mẫu xe phổ biến nhất – và tuyệt vời nhất của Harley.
1994 VR1000 – chiếc superbike đầu tiên của Harley
Ai nói Harley không thể tạo ra những cỗ máy hiệu năng cao, công nghệ cao? Trước Pan America H-D đã từng tạo ra một chiếc xe động cơ V-twin làm mát bằng chất lỏng mạnh mẽ trước đây. Và mặc dù cuối cùng không phải là thành công như mong đợi, nhưng chiếc superbike VR1000 1994 của Harley với 135 mã lực và chassis đỉnh cao có thể sẽ giúp xua tan một số người hoài nghi về Pan Am vừa ra mắt. Được coi là một chiếc superbike đặc biệt để đua tại giải American AMA Superbikes, VR có động cơ V-twin 60 độ 1.000cc phun xăng, làm mát bằng chất lỏng, DOHC, dung tích 1000cc, khung đôi kép bằng nhôm và các chi tiết “hàng hiệu” .
Chỉ có 50 chiếc được chế tạo với giá niêm yết 49.950 đô la và dự kiến ra mắt vào năm 1990, trên lý thuyết lẽ ra nó đã đủ để thành công. Thật không may, do rắc rối nội bộ, nó đã không ra mắt cho đến năm 1994, khi đã trở nên lạc hậu. Kết quả cuối cùng là mặc dù thường xuyên lọt vào top 5 và vô địch một lần với những tay đua tầm cỡ như Miguel DuHamel và Scott Russell, VR chưa bao giờ thành công như mong đợi. Dự án này đã kết thúc vào năm 2001, tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho những chiếc Harley làm mát bằng chất lỏng…
2001 VRSCA V-Rod – chiếc cruiser “cơ bắp” đầu tiên của Harley
Có vai trò giống một chút với Pan America, V-Rod với động cơ làm mát bằng chất lỏng được coi là khởi đầu cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới, hiện đại cho Harley – nhưng nó chưa bao giờ thành công. V-Rod được lấy cảm hứng từ siêu môtô VR1000 với động cơ DOHC, làm mát bằng chất lỏng V-twin hoàn toàn mới. Nó được gắn trong bộ khung thép hình ống mới lạ không kém và thân xe bằng nhôm phay xước. Với công suất 115 mã lực và phanh Brembo, V-Rod có tiềm năng trở thành một chiếc Ducati Diavel ở thời điểm ra mắt.
Nhưng khác với Diavel mãi sau này, nó quá nặng và dài để mang lại cảm giác lái thể thao thực sự, đồng thời không chiếm được cảm tình của những người mua Harley truyền thống, V-Rod không bao giờ thành công như mong đợi, mặc dù đã cập nhật nhiều lần với các biến thể mô hình bao gồm Street Rod, Night Rod và V-Rod Muscle. Thay vào đó, khi không đạt được Euro4 dòng xe này đã được Harley lặng lẽ loại bỏ. Thật đáng tiếc khi V-Rod là một luồng gió mới cho Harley và gần như đã thành công. Có lẽ họ sẽ gặp may mắn hơn với Pan America…
2006 FLHX Street Glide – chiếc bagger thương mại đầu tiên
Nghe có vẻ khó tin nhưng hồi năm 2006 khi Street Glide lần đầu xuất hiện, nó đã bị nhiều người “ném đá” bởi là một phiên bản cắt giảm vô nghĩa, kém tiện dụng hơn so với Electra Glide. Nhưng những người đó không biết rằng Street Glide sau này đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất của hãng. Khi thế hệ thứ 2 ra mắt vào năm 2012 với bánh trước lớn kiểu xe độ, nó đã không chỉ là chiếc Harley bán chạy nhất tại Mỹ mà còn có doanh số bằng tổng lượng bán của mọi mẫu xe tới từ các thương hiệu ngoài Mỹ khác cộng lại!
Không khó để lý giải vì sao Street Glide thành công. Đầu tiên, những chiếc xe đường trường luôn được dân Mỹ ưa chuộng cho các xa lộ của họ, và nó có kiểu dáng gây chú ý. Đặc biệt vào đầu thập niên 2000, phong cách độ bagger với những chiếc touring truyền thống được tối giản và trang trí lại đã lên ngôi. Là một chiếc Electra Glide với kính chắn gió thấp hơn và không có thùng đuôi, Street Glide đã trở thành chiếc bagger thương mại đầu tiên.
2019 LiveWire – Chiếc xe điện thương mại đầu tiên của Harley
Không cần phải nói nhiều về LiveWire: nó là một chiếc xe điện hiệu năng cao, công nghệ cao và đẹp mắt. Và mặc dù vẫn chưa chứng minh được sự thành công, Harley xứng đáng được tuyên dương khi dám tung LiveWire ra thị trường – trong khi mọi hãng xe lớn truyền thống khác trên Thế giới vẫn chưa có một mẫu mô tô điện thực thụ nào.
Có thể nó đắt đỏ hay đạt tầm hoạt động ngắn với mỗi lần sạc điện, nhưng chỉ riêng việc tung LiveWire ra thị trường đã chứng minh rằng Harley-Davidson vẫn có thể gây bất ngờ với một mẫu xe đột phá, thay vì gắn liền với định kiến bảo thủ và nhóm khách hàng đang ngày càng già đi.