Cầu xe là gì?
Trước tiên chúng ta cần phân biệt được hai khái niệm là “cầu xe” và “trục truyền động”. Theo đó, cầu xe là một ống kim loại nối hai bánh xe lại với nhau, mỗi xe có ít nhất hai cầu. Trục truyền động hay còn gọi là “cầu chủ động”, có chức năng là truyền công suất và mô-men xoắn của động cơ tới bánh xe, bên trong có hệ thống vi sai.
Phân biệt xe 1 cầu và xe 2 cầu.
Do vậy, sẽ có 3 kiểu truyền động và tương ứng là 1 hay 2 trục truyền động:
1. Truyền động từ động cơ đến cả 4 bánh: cần có 2 trục truyền động.
2. Truyền động đến các bánh sau: cần có 1 trục truyền động.
3. Truyền động đến các bánh trước: cần có 1 trục truyền động
Như vậy, xe 1 cầu là xe được truyền động đến 2 bánh (2 bánh trước hoặc 2 bánh sau), có 1 trục truyền động. Xe 2 cầu là xe được truyền động đến cả 4 bánh, có 2 trục truyền động.
Tìm hiểu các hệ dẫn động phổ biến hiện nay
Dựa trên số lượng các bánh xe chủ động, người ta chia thành các loại hệ dẫn động phổ biến nhất hiện nay như 2WD, 4WD, AWD, FWD, RWD… Mỗi loại hệ dẫn động này đều có những ưu và nhược điểm riêng, tùy theo nhu cầu và mục đích của nhà sản xuất. Chẳng hạn như xe địa hình thường trang bị hệ dẫn động bốn bánh, xe thể thao thì thường trang bị hệ dẫn động cầu sau, xe cỡ nhỏ thì trang bị hệ dẫn động cầu trước.
Hệ dẫn động 4 bánh (4×4) còn được gọi là hệ dẫn động 2 cầu.
Đầu tiên, xe có 4 bánh chủ động và cả 2 cầu là cầu chủ động, động cơ truyền lực tới cả 4 bánh xe:
– 4WD hay 4×4 (Four-Wheel Drive): Đây là hệ dẫn động bán thời gian, người điều khiển sẽ linh hoạt sử dụng hệ dẫn động 1 cầu hay 2 cầu.
– AWD (All-Wheel Drive): Là hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Thông qua hệ thống cảm biến và ECU, mọi việc được tự động điều khiển. Lúc này, tất cả các bánh đều được truyền lực và phân bổ lực kéo một cách tự động.
Người mới thường nhập nhằng giữa hai loại dẫn động này, tuy nhiên chúng khác nhau về mặt bản chất. Đối với hệ dẫn động bán thời gian 4WD, người lái sẽ linh hoạt lựa chọn hệ dẫn động cầu trước hay cầu sau thông qua cơ cấu gài cầu bên trong xe.
Khi ở chế độ dẫn động 2 bánh, ký hiệu 2H, lúc này động cơ sẽ truyền mô-men xoắn tới 2 bánh. Trong khi ở chế độ dẫn động 4 bánh, ký hiệu 4H với cấp độ “High” và “Low” tùy thuộc vào nhà sản xuất.
Trong khi đó hệ dẫn động AWD là thuật ngữ dùng để chỉ các xe sử dụng hệ dẫn động 4 bánh tại tất cả các thời điểm. Tức là hệ thống này luôn bật và hoạt động mà không có sự can thiệp của con người và tất nhiên cũng không có các nút.
Tóm lại, hệ dẫn động 4WD và AWD đều có chung mục tiêu là cung cấp năng lượng cho cả 4 bánh xe. Sự khác biệt chính giữa AWD và 4WD liên quan đến việc ra quyết định của người lái.
Thứ hai, xe có 2 bánh chủ động (ký hiệu 2WD, 4×2) với 1 cầu duy nhất, nếu ở vị trí trước là FWD, vị trí sau là RWD:
– FWD: Còn gọi là hệ dẫn động cầu trước, 2 bánh trước của xe là hai bánh trực tiếp nhận được lực truyền từ động cơ. Hai bánh chủ động sẽ quay để kéo hai bánh sau lăn theo.
– RWD: Hệ dẫn động cầu sau, cách hoạt động tương tự như hệ dẫn động cầu trước nhưng lúc này hai bánh chủ động của xe nằm ở phía sau.
So sánh ưu nhược điểm hệ dẫn động cầu sau và cầu trước | ||
Loại dẫn động | Ưu điểm | Nhược điểm |
Xe dẫn động cầu trước (FWD) |
– Có thiết kế nhỏ gọn, không cần các-đăng. – Ít bảo dưỡng, linh hoạt khi di chuyển với tốc độ cao. |
– Có sự tác động qua lại lẫn nhau lên bánh trước giữa lực lái và lực kéo. – Trọng lượng phân bố không đồng đều đối với xe con. |
Xe dẫn động cầu sau (RWD) |
– Không có sự tác động qua lại lên bánh xe trước giữa lực kéo với lực lái. – Vượt trội về chịu tải, sức kéo. |
– Khả năng bám đường kém, đặc biệt đối với các đoạn trơn trượt nếu trọng lượng lên hai bánh sau thấp. |
Dựa trên ưu nhược điểm của từng loại 2 loại hệ dẫn động này nên ta thấy các mẫu xe con thường sử dụng hệ dẫn động cầu trước (FWD) do ít phải bảo dưỡng và linh hoạt khi di chuyển ở tốc độ cao. Trong khi đó, các xe tải, xe khách lại sử dụng hệ dẫn động cầu sau nhờ ưu điểm vượt trội về sức tải và sức kéo.
(Nguồn ảnh: Internet)