Việc vệ sinh ghế da ô tô đúng cách định kỳ sẽ vừa có tác dụng giữ vệ sinh cho ghế, vừa giúp ghế bền và đẹp hơn.
Bước 1: Kiểm tra kỹ ghế da
Chủ xe cần kiểm tra kỹ ghế da để xem xét các lỗ thủng, vết rách trên ghế. Nếu xuất hiện vết rách, lỗ thủng thì cần khắc phục trước khi làm sạch. Bởi khi tẩy rửa bằng nước và dung dịch tẩy rửa, nếu ghế có lỗ thủng hoặc vết rách thì nước và chất tẩy rửa sẽ thấm vào bên trong ghế. Sau một thời gian, ghế sẽ bốc mùi khó chịu, thậm chí là mục ghế.
Kiểm tra ghế trước khi tiến hành vệ sinh
Bước 2: Chọn chất tẩy rửa chuyên dụng phù hợp
Bước tiếp theo là lựa chọn chất tẩy rửa phù hợp. Hóa chất đủ an toàn cho da ghế là dung dịch có độ pH trung tính. Dung dịch này không khiến da ghế bị mài mòn mà vẫn đủ khả năng tẩy rửa các vết bẩn trên bề mặt da ghế. Tốt nhất là chủ xe hãy lựa chọn những sản phẩm dung dịch có chất lượng cao, độ uy tín lớn, không chứa dầu hoặc sáp để an toàn cho ghế. Chủ xe không nên thích rẻ bởi những dung dịch tẩy rửa rẻ tiền luôn có thành phần gây ảnh hưởng xấu đến da ghế mà công dụng tẩy rửa lại không cao.
Sử dụng dung dịch tẩy rửa phù hợp để tránh gây ảnh hưởng xấu cho da ghế
Chủ xe hãy đọc kỹ phần hướng dẫn và cảnh báo của nhà sản xuất ô tô trước khi vệ sinh ghế da để tránh mua nhầm loại nước tẩy rửa. Thường thì trong sách hướng dẫn sử dụng xe sẽ có phần vệ sinh ghế da, bao gồm những cảnh báo về chất tẩy rửa không nên sử dụng.
Bước 3: Hút bụi ghế
Sau khi kiểm tra ghế một cách kỹ càng và cẩn thận, chủ xe không nên lau ghế bằng nước vội mà cần hút sạch bụi trên ghế trước. Đây là bước cần thiết để vệ sinh ghế da đúng cách. Để hút sạch bụi trên ghế, chủ xe hãy sử dụng máy hút bụi, khi hút hãy chú ý tới phần khe giữa các hàng ghế, đừng quên hút bụi ở khu vực này. Chủ xe có thể lựa chọn đầu hút phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, ghế da rất dễ bị xước nên khi hút bụi cần thao tác thật nhẹ nhàng, không nên mạnh tay.
Đừng bỏ qua thao tác hút bụi trước khi lau bề mặt ghế
Bước 4: Vệ sinh ghế bằng chất tẩy rửa chuyên dụng
Sau khi hút sạch bụi, chủ xe tiếp tục vệ sinh ghế da bằng một chiếc khăn nhúng nước ấm. Hãy dùng chiếc khăn này để lau sạch lớp bụi liti còn bám trên bề mặt ghế. Thấm hóa chất vào khăn vải và chà thử lên một góc nhỏ của ghế. Lưu ý sử dụng vừa đủ lượng hóa chất, không nên cho quá nhiều. Sau khi làm sạch thì dùng khăn mềm lau sạch dung dịch.
Nếu trên bề mặt ghế xuất hiện những vết bẩn khó tẩy rửa, việc làm sạch bằng khăn và chất tẩy rửa là không đủ, hãy sử dụng thêm bàn chải lông mềm. Chủ xe phun chất tẩy một cách trực tiếp lên bề mặt da ghế, sau đó dùng bàn chải chà liên tục đến khi vết bẩn biến mất. Chú ý nếu quan sát thấy ghế da thuộc loại không có lỗ thông hơi thì tuyệt đối không phun chất tẩy trực tiếp lên bề mặt của ghế. Hãy phun chất tẩy lên bàn chải có lông thưa và cứng, chà vết bẩn như bình thường.
Bàn chải là công cụ hữu ích để chà sạch vết bẩn bám trên bề mặt ghế
Bước 5: Làm khô ghế
Chủ xe sau khi vệ sinh ghế da xong nên để xe trong bóng râm để hạn chế ảnh hưởng từ tia UV và chỉ ngồi lên xe sau 1 tiếng tính từ thời điểm làm sạch xong. Nếu vệ sinh ghế da vào ban đêm thì nên để xe trong gara vì ngoài trời vẫn ban đêm vẫn có một chút tác động của tia UV. Để da ghế được bóng thì chủ xe nên dùng khăn vải sạch và khô, lau ghế theo chuyển động tròn và giữ đều thao tác. Hành động này vừa giúp da ghế được bóng, vừa là bước làm sạch cuối cùng cần thiết cho ghế.
Một gợi ý khác về cách vệ sinh ghế da ô tô
Nếu không muốn sử dụng chất tẩy rửa, có thể thay thế bằng dung dịch giấm trắng và dầu lạnh. Pha dung dịch này theo tỉ lệ như 1:2. 1 giấm trắng trộn cùng 2 dầu lạnh. Dung dịch này đủ khả năng vệ sinh ghế da, làm sạch bụi và các vết ố, giúp bề mặt da của ghế sáng hơn. Đặc biệt dung dịch này cực kì an toàn với da tay, hoàn toàn khác các chất tẩy rửa thông thường.
Vũ Tùng