Honda CR-V tự phanh gấp dù không có chướng ngại vật
Cuối tháng 7 vừa qua, Honda CR-V 2020 chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Trong đó, nổi bật và được nhà sản xuất quảng bá nhiều nhất ở mẫu crossover mới này là “Hệ thống công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn tiên tiến” – Honda Sensing.
Đây là một gói trang bị an toàn mới mẻ ở Việt Nam, được trang bị lần đầu tiên trên Honda CR-V mới với các tính năng như: Phanh giảm thiểu va chạm (CMBS), đèn pha thích ứng tự động (AHB), kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF), giảm thiểu chệch làn đường (RDM), hỗ trợ giữ làn đường (LKAS).
Tuy nhiên, dù chưa được sử dụng bao lâu, một số người dùng đã phản ánh các trường hợp khó hiểu về hệ thống này, và cụ thể là tính năng phanh giảm thiểu va chạm.
Chia sẻ của anh T. (Thái Bình) về vấn đề mình từng gặp phải với Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm của chiếc xe Honda CR-V mới vừa mua được 1 tháng, cho thấy, vào trưa ngày 11/10, anh T. lái xe Honda CR-V đang lái xe đi trong phố với vận tốc khoảng 30 km/h, bỗng nhiên xe gặp tình trạng phanh cứng đột ngột 2 lần ở ngay đoạn giao cắt dù không có chướng ngại vật nào phía trước. Điều này dẫn đến việc suýt bị nhiều xe phía sau tông vào đuôi xe anh vì phanh quá gấp.
Ngày 12/10, các kỹ thuật viên ở đại lý Honda ở Thái Bình sau khi chạy hộp đen trên xe của anh T. để đọc lỗi thì có phát hiện hệ thống CMBS có tác động lực phanh hết cỡ (kèm theo ABS) vào lúc 11h18 trưa ngày 11/10 với 2 lần liên tiếp ở 2 ngã tư cách nhau 500 mét.
Điều này khiến anh T. đặt ra nghi vấn, cảm thấy khá hoang mang và “khiếp vía”; do đó, anh muốn huỷ hoặc tắt hoàn toàn tính năng CMBS của gói Honda Sensing nhưng không được chấp thuận.
Kỹ thuật viên kiểm tra xe Honda CR-V của anh T.
Tuy nhiên, phía nhà sản xuất cũng có một số giải thích cho anh T. về cách CMBS trên hoạt động. Theo đó, tính năng này dường như”nhạy cảm” thái quá khi dễ nhận diện nhiều vật thể cố định và hỗ trợ giao thông trên đường làm chướng ngại vật để phanh tránh va chạm.
CMBS trên Honda CR-V có thể nhận cột mốc/gương cầu ở góc cua trên đèo, đường ray tàu hỏa dưới dốc, gờ giảm tốc có kim loại như ở sân bay, cổng chào,…Tất cả các trường hợp này nếu người dùng không chủ động rà phanh trước, xe sẽ nhận định đó là nguy hiểm và tự động phanh mạnh để giữ xe lại.
Trong khi đó, một số thành viên trong các hội nhóm chủ xe Honda CR-V cũng gặp phải tình trạng tương tự nhưng cũng chỉ 1 lần, do phiên bản mới vừa được bán ra cách đây không lâu nên đa số người dùng chưa có cơ hội sử dụng xe quá nhiều.
Honda Việt Nam trả lời ra sao?
Trả lời Tiền Phong về vấn đề của chiếc Honda CR-V ở Thái Bình, Honda Việt Nam (HVN) cho biết: “HVN đã trực tiếp kiểm tra thực tế xe của khách hàng và đánh giá hệ thống hoạt động bình thường”.
Đồng thời, HVN cũng “đã giải thích cho khách hàng hiểu về cách thức hoạt động của hệ thống CMBS và các yếu tố bên ngoài như điều kiện đường xá có thể ảnh hưởng đến hoạt động của CMBS như: các vật thể hoặc công trình giao thông khiến hệ thống hiểu sai là xe cộ hoặc người đi bộ, đã được nhắc đến trong sách hướng dẫn sử dụng đi kèm theo xe”.
Trong khi đó, nhà sản xuất này cho thấy sự tự tin về độ an toàn hệ thống Honda Sensing khi thông báo: “Hiện tại, chưa có ghi nhận nào về va chạm hoặc tai nạn nào liên quan đến hệ thống Honda Sensing tại Việt Nam”.
Và hãng này không quên “khuyến cáo khách hàng vẫn cần đọc kỹ tài liệu hướng dẫn trong sách hướng dẫn”.
Nhiều trường hợp gặp phiền toái với Honda Sensing trên thế giới
CMBS là một trong những tính năng then chốt của hệ thống Honda Sensing, giúp chủ động và trực tiếp tránh các va chạm trước mắt. Do đó, bất kỳ vấn đề nhỏ nào ảnh hưởng đến khả năng nhận diện của CMBS đều có thể gây nguy hiểm cho hành khách trên xe.
Honda Sensing bị phản ánh một số vấn đề trên thế giới.
Tính năng này đang bị nhiều người dùng trên thế giới phản ánh với các tình trạng lỗi khác nhau, đồng thời camera hỗ trợ ở phía sau kính chắn gió được cho quá “nhạy cảm”.
Trên một diễn đàn CR-VOwnersClub ở Canada, nhiều người dùng đã phản ánh về hiện tượng phanh cứng đột ngột khi họ đang lái xe trên cao tốc với tốc độ 80-100 km/h. Khá may mắn khi không có các phương tiện đi phía sau nên họ không xảy ra va chạm đáng tiếc.
Cách giải quyết vẹn toàn nhất được một số thành viên khác của diễn đàn đưa ra là tắt hệ thống CMBS trước khi bắt đầu sử dụng xe, họ không tin tưởng sử dụng hệ thống an toàn để bảo vệ tính mạng của mình.
Nguy hiểm hơn, các trường hợp khác còn chia sẻ về việc hệ thống Honda Sensing không phát hiện được xe phía trước đang dừng lại khi bật kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF), điều này khiến xe vẫn lao đến dù sắp va chạm.
Honda Sensing trên CR-V sử dụng camera và radar để phát hiện vật thể và phương tiện trên đường để đưa ra các phương pháp xử lý. Các thành viên của diễn đàn này cũng phản ánh về việc hệ thống an toàn trên không làm việc chuẩn xác trong những ngày nắng nóng và cảnh báo bằng âm thanh được phát lên gần như trong mọi thời điểm xe hoạt động trên đường.
Trong khi đó, dưới điều kiện thời tiết có tuyết rơi, camera cả hệ thống cũng không làm việc tốt. Nhiều xe đã được người dùng khẳng định phải thay thế bộ phận này khi đem đến đại lý để sửa chữa.
Vào cuối năm 2019, một đơn kiện đã được đệ trình lên tòa án Illinois, nguyên đơn là Hakeem Hasan – một khách hàng sở hữu Honda CR-V 2018, ông cho rằng xe có sai sót về cấu trúc, dẫn đến việc kính chắn gió tự bị nứt vỡ.
Theo Torque News, nhân viên bảo hành ở đại lý đã thừa nhận vết nứt là do lỗi cấu trúc chứ không phải do tác động bên ngoài nhưng Honda sau đó vẫn từ chối sửa kính chắn gió. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, đơn kiện cáo buộc kính chắn gió bị nứt gây ảnh hưởng đến hệ thống, đây là điều được cảnh báo trong sách hướng dẫn sử dụng theo xe. Ngoài ra, còn có nhiều đơn kiện khác đươc gửi đến tòa án cũng phản ánh về vấn đề tương tự.
Trang bị an toàn luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi người tiêu dùng chọn mua ôtô, đây cũng là một trong những thứ được các nhà sản xuất tập trung phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dù liên tục được quảng cáo nhưng liệu chúng có thực sự đem đến sự đơn giản và an toàn dành cho người sử dụng?