Bỏ máy (misfire engine) là hiện tượng có thể bắt gặp trên các dòng xe ô tô từ phổ thông cho tới cao cấp. Trong đó, mỗi xi-lanh tương ứng với một máy, khi một trong số các xi-lanh không hoạt động được gọi là bỏ máy.
Hiện tượng bỏ máy xảy ra với bất kỳ một trong ba thành phần – nhiên liệu, oxy hoặc tia lửa không hoạt động đúng lúc. Ví dụ, nếu tỷ lệ nhiên liệu không khí không chính xác, hỗn hợp có thể không cháy hoàn toàn hoặc có thể phát nổ sớm. Ngoài thời gian không chính xác như vậy, vấn đề cũng có thể nằm ở các thành phần cơ học trong hệ thống, chẳng hạn như chính xi-lanh.
Nếu một xi-lanh bị bỏ máy thì xe vẫn có thể di chuyển bình thường.
Toàn bộ quá trình đốt cháy nhiên liệu đòi hỏi độ chính xác nghiêm ngặt để động cơ hoạt động chính xác. Chỉ một sai lệch nhỏ trong bất kỳ một thành phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ.
Xe bị bỏ máy không có nghĩa là động cơ không hoạt động và nếu chỉ một xi-lanh bỉ bỏ máy thì các xi-lanh khác vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy sự thiếu hụt hơi trong quá trình vận hành của động cơ.
Ô tô có thể bị bỏ một máy hoặc nhiều máy, bỏ máy luân phiên hoặc không… Theo kinh nghiệm chăm sóc bảo dưỡng, trường hợp bỏ máy luân phiên thường xảy ra trên các mẫu xe sang của Đức và chi phí sửa chữa dao động trong khoảng 100 triệu đồng.
Lúc này, bạn sẽ cảm thấy xe rung, giật mạnh, mất công suất và cảm giác máy yếu, khả năng tăng tốc kém và tốn nhiên liệu, thậm chí khí xả có mùi “xăng sống”.
Nguyên nhân của hiện tượng bỏ máy
Sửa chữa một động cơ đơn giản hay phức tạp sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Thông thường, đây là những lý do phổ biến nhất khiến động cơ bị bỏ máy: bu-gi bị mòn, kim phun nhiên liệu yếu, rò rỉ chân không, bịt van bị mòn, lọc nhiên liệu bẩn… Ngoài ra, trên một số mẫu xe Nhật, Hàn còn có thêm lý do là thiếu dầu, cạn dầu bôi trơn. Với trường hợp này, nhiều khả năng chủ xe sẽ phải mang xe đi đại tu.
Bu-gi bị mòn có thể là thủ phạm gây ra hiện tượng bỏ máy.
Khi xe gặp phải hiện tượng bỏ máy, tài xế nên mang xe đến các thợ chuyên nghiệp để kiểm tra nguyên nhân.
Triệu chứng của hiện tượng bỏ máy
Các triệu chứng thường gặp của hiện tượng xe bị bỏ máy như xe mất năng lượng, động cơ ồn, mùi bất thường, xả bất thường và tăng tốc kém…
Triệu chứng đầu tiên: Xe mất năng lượng và động cơ ồn
Việc xe bị mất năng lượng chứng tỏ rằng động cơ xe đang gặp vấn đề và làm rung khoang máy lên. Một triệu chứng khác cũng thường gặp là đạp chân ga bị hụt hơi, nguyên nhân là động cơ không thể cung cấp đủ năng lượng. Lúc này, bạn cũng nhận độ rung trong xe thay đổi theo RPM.
Trong khi đó, tài xế cũng nghe được những âm thanh lạ phát ra từ động cơ. Âm thanh được mô tả như tiếng hắt hơi hoặc tiếng nổ bốp bốp. Mặt khác, bạn cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi âm thanh từ động cơ vì lúc này không có đủ số xi-lanh làm việc.
Triệu chứng thứ hai: Mùi và xả bất thường
Đi cùng với những tiếng ồn lớn, người lái có thể phát hiện ra các mùi bất thường. Mùi mạnh nhất là mùi xăng sống, nhưng cũng có thể đi kèm mùi của chất làm mát, hơi nước hoặc dầu động cơ.
Khói dày hơn bất thường cũng là dấu hiệu cảnh báo động cơ đang gặp vấn đề.
Nếu nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn hoặc không được trộn đúng cách sẽ tạo nên lượng khí thải quá mức. Khí thải có thể dày bất thường, đôi khi nhuốm màu xanh nếu có dầu trong quá trình đốt cháy. Khí thải tối màu hoặc có muội than chứng tỏ trong hỗn hợp có nhiều tạp chất.
Triệu chứng thứ ba: Khả năng tăng tốc kém
Nếu xe đi bình thường không gặp vấn đề gì, nhưng khi tăng tốc bị giật khục cũng là dấu hiệu xe bị bỏ máy. Bên cạnh đó, hiện tượng kể trên còn làm giảm khả năng tăng tốc. Điều này được giải thích là tỷ lệ không khí và nhiên liệu lệch do kết quả của cảm biến đo oxy bị lỗi, hỗn hợp có thể quá giàu hoặc quá ít nhiên liệu.
Việc lái xe khi một xi-lanh không hoạt động không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng điều này sẽ làm mòn động cơ và có khả năng làm hỏng chiếc xe. Đặc biệt trường hợp khi xe bị chết máy đột ngột giữa đường. Do vậy, khi gặp bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ lỗi liên quan đến động cơ, bạn nên mang xe đến các cơ sở chăm sóc bảo dưỡng để kiểm tra
(Nguồn ảnh: Internet)