1. Độ xe là gì?
Độ xe theo khái niệm cơ bản tức là thay đổi khác đi so với nguyên bản mà nhà sản xuất bán ra thị trường ô tô bằng việc thêm hoặc gắn thêm một số thiết bị hoặc bộ phận để thỏa mãn nhu cầu của người chơi xe.
Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực mà việc gắn thêm camera hành trình, các thiết bị giải trí trên xe mang lại như tăng trải nghiệm lái xe và giúp tài xế lái xe an toàn hơn. Tuy nhiên, việc mua các sản phẩm độ xe không rõ nguồn gốc hay không cần thiết có thể mang đến hậu quả khôn lường như phá hủy ắc quy gây chập cháy điện và nếu độ xe không đúng cách còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, chủ xe mới nên biết những lưu ý sau đây để phòng tránh.
2. Hiểm họa trực chờ
Dùng thiết bị không đúng qui chuẩn của nhà sản xuất có thể gây nguy cơ cháy, nổ cao
Lang thang trên các trang mạng xã hội hay những khu chợ điện tử có thể dễ dàng mua được các sản phẩm đồ chơi xe hơi với giá rất rẻ từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng cho các thiết bị điện tử chuyên dùng trong xe hơi như đầu sạc, quạt điện mini, đèn led, thiết bị làm đá trong ô tô.
Những thiết bị trên sử dụng chung nguồn điện từ xe ô tô, nếu những thiết bị điện tử không có nguồn gốc rõ ràng sẽ làm cho ắc quy nhanh hết pin, trong một số trường hợp làm cho xe khó khởi động hoặc không thể khởi động được.
Bên cạnh đó, việc sử dụng không đúng nguồn điện như nhà sản xuất công bố có thể là nguyên nhân dẫn đến chập cháy và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy để tránh các trường hợp như trên, điều đầu tiên bạn cần phải biết là thiết bị nào được phép lắp trên ô tô mà không vi phạm pháp luật và tốt hơn hết nên chọn thiết bị có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.
3. Độ xe không đúng cách là hành vi vi phạm pháp luật
Nếu bạn chưa biết thì Nghị định 46/2016/NĐ-CP qui định hành vi tự ý độ xe ô tô có thể chịu mức phạt lên tới 8 triệu đồng. Luật giao thông đường bộ cấm ô tô thay đổi màu sơn và thiết kế ban đầu của nhà sản xuất, nếu tự ý thay đổi màu không trùng giấy đăng kiểm chủ xe có thể chịu hình phạt rất nặng.
Cụ thể Điểm a, Khoản 9 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP qui định như sau: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a, Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe chở khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe”.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm các phụ kiện không ảnh hưởng đến kết cấu và tổng thành cấu tạo của xe nên bạn vẫn được làm như trang trí nội thất, lắp camera hành trình.
Ảnh: Internet