Sau khi nỗ lực lập kỷ lục tốc độ của siêu xe Tuatara gặp phải tranh cãi vào cuối năm ngoái, SSC North America không còn cách nào khác ngoài việc chạy lại một lần nữa. Trong nỗ lực làm sáng tỏ mọi cáo buộc về sự sai lệch trong video lần chạy ban đầu diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, thương hiệu hypercar Mỹ giờ đây tuyên bố rằng họ đã hợp lệ lập kỷ lục tốc độ tối đa mới trong lần chạy chính thức thứ hai.
Video SSC Tuatara chính thức trở thành xe sản xuất tốc độ nhanh nhất thế giới
Thay vì quay trở lại Tuyến đường Tiểu bang Nevada 160, nơi diễn ra lần chạy đầu tiên, SSC đã có được quyền đi vào Johnny Bohmer Proving Grounds tại Cơ sở hạ cánh tàu con thoi Space Florida. Trước đây đã từng có nhiều siêu xe thực hiện chạy lập kỷ lục tốc độ tối đa tại nơi này, nhưng không có chiếc xe nào chạy nhanh hơn xe Tuatara.
Trong khi SSC đã thuê tay đua chuyên nghiệp Oliver Webb cho lần chạy tốc độ tối đa đầu tiên, lần thứ hai được thực hiện vào ngày 17/1/2021 vừa quà là do chính chủ nhân của chiếc xe cầm lái. Tiến sĩ Larry Caplin chỉ có 2,3 dặm (3,7 km) để trải nghiệm khả năng tăng tốc mạnh mẽ của Tuatara, đạt được tốc độ 244 mph (393 km/h) ấn tượng chỉ sau một dặm (hơn 1,6 km).
Để đủ điều kiện cho một nỗ lực phá kỷ lục, Tuatara đã thực hiện chạy hai lần ngược chiều nhau. Nó đã đạt được vận tốc 279,7 mph (450,1 km/h) theo hướng bắc và 286,1 mph (460,4 km/h) theo hướng nam, dẫn đến vận tốc trung bình là 282,9 mph (455,2 km/h). Về cuối đường chạy hướng nam, SSC cho biết chiếc xe cần 2,87 giây để tăng tốc từ 274 lên 286 dặm/giờ (441 đến 460 km/h). Từ 0-286 mph, hypercar Tuatara chỉ cần quãng đường 1,9 dặm (3 km).
Người đàn ông ngồi sau tay lái nói rằng anh ta “đã được nếm trải toàn bộ sức mạnh trong lần chạy cuối cùng”, và háo hức trở lại và cố gắng đạt mốc 300 dặm/giờ (483 km/h) kỳ diệu. Chưa rõ khi nào lần chạy lập kỷ lục tiếp theo sẽ diễn ra, nhưng dường như SSC vẫn chưa xong chuyện với những lần chạy tốc độ tối đa này.
Không những không có nhiều chiếc xe có thể đạt vận tốc 275 dặm/giờ (443 km/h), mà nhà chế tạo động cơ Tom Nelson nói rằng SSC Tuatara tại tốc độ 275 dặm/giờ đang “tăng tốc nhanh hơn mười lần so với mọi chiếc xe sản xuất khác trên thế giới”. Nhắc lại về động cơ xe, Nelson Racing Engines đã phát triển động cơ tăng áp kép V8 dung tích 5.9 lít của hypercar, sản sinh công suất 1.750 mã lực khi dùng xăng E85 và 1.350 mã lực khi dùng xăng 91 octan.
Theo SSC, công ty đã sử dụng các thiết bị của Racelogic (VBox), Life Racing, Garmin và IMRA (International Mile Racing Association) để ghi nhận chính xác tất cả các con số liên quan. Với tốc độ trung bình 282,9 dặm/giờ (455,2 km/h), Tuatara nhanh hơn chiếc xe giữ kỷ lục trước đó là Agera RS khi nó thiết lập tốc độ trung bình của hai lần chạy là 277,87 dặm/giờ (447,19 km/h) vào tháng 11 năm 2017. SSC Tuatara cũng có tốc độ tối đa tuyệt đối (286,1 dặm/giờ so với 284,55 dặm/giờ) cao hơn so với siêu xe Thụy Điển.
Ngoài ra, chiếc Bugatti Chiron Super Sport 300+ do Andy Wallace lái vào tháng 8 năm 2019 tại cơ sở thử nghiệm Ehra-Lessien thuộc sở hữu của Tập đoàn Volkswagen, đã đạt vận tốc 304,77 dặm/giờ (490,48 km/h). Tuy nhiên, thành tích chạy tốc độ tối đa này chỉ được thực hiện theo một hướng vì nhiều năm xe chạy theo chiều kim đồng hồ đã khiến mặt đường có vết sạn đi theo hướng đó. Do đó nếu chạy theo hướng khác sẽ tạo ra nhiệt dư thừa trong lốp xe, tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng.
Công ty Hennessey ở Texas, Mỹ cũng muốn ghi tên mình vào lịch sử với chiếc hypercar cực độc Venom F5. Nó có tốc độ tối đa được tuyên bố là 311 dặm/giờ (500 km/h), nhưng nhà sản xuất xe độ gốc Texas cần phải chứng minh tuyên bố đó bằng một lần chạy tốc độ tối đa, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Cuối cùng, nhiều chuyên gia khá chắc chắn là Koenigsegg đang tìm cách giành lại danh hiệu tốc độ nhanh nhất với Jesko Absolut mới, chính thức được giới thiệu là mẫu xe nhanh nhất mà công ty từng sản xuất. Nó có tốc độ tối đa lý thuyết là 330 dặm/h (532 km/h), nhưng tất nhiên vẫn còn phải chờ xem con số đó sẽ được chuyển dịch như thế nào trong một lần chạy tốc độ tối đa ngoài đời thực.
Duy Thành