Vào ngày 10/10/2020 vừa qua tại đường cao tốc 160 ở bang Nevada, Mỹ, SSC Tuatara đã chính thức trở thành mẫu xe thương mại nhanh nhất Thế giới khi đạt tốc độ tối đa lên tới 532,9km/h và tốc độ trung bình sau 2 lượt chạy 508,73km/h – tất cả đều được xác thực bằng 15 vệ tinh theo dõi. Những con số này vượt xa kỷ lục Guinness chính thức của Koenigsegg Agera RS xác lập cách đây 3 năm cũng tại nơi này (tốc độ tối đa 466km/h, trung bình 447,24km/h. Đồng thời SSC Tuatara cũng vượt cả kỷ lục không chính thức 490,48km/h của Bugatti Chiron Super Sport 300+.
Để có thể đạt con số tốc độ tối đa trung bình 508,73km/h (tương đương 316,11mph), tay đua người Anh Oliver Webb đã điều khiển chiếc Tuatara trên đoạn đường cao tốc 2 chiều dài 11,3km. Ở lần chạy đầu tiên anh đạt tốc độ 484,53km/h – một con số chóng mặt, nhưng vẫn chưa đủ phá kỷ lục cũ của Bugatti. Chính vì vậy Webb đã quay đầu và không ngừng đạp hết chân ga cho tới khi anh chạm tới con số 532,93km/h.
Và theo Oliver Webb chia sẻ, SSC Tuatara còn có tiềm năng lớn hơn nữa. Anh chia sẻ sau khi lập kỷ lục: “Chắc chắn nó còn có thể đạt hơn thế. Và với các điều kiện tốt hơn, tôi biết chúng tôi có thể đã đi nhanh hơn, khi tôi đạt tới tốc độ 331,15 mph (532,93km/h), Tuatara đã tăng gần 20mph (32,19km/h) trong vòng 5 giây cuối cùng. Nó vẫn chưa chạy hết công suất. Những luồng gió tạt ngang là thứ duy nhất ngăn cản chúng tôi nhận ra giới hạn của chiếc xe”.
Còn nhớ vào 13 năm trước, SSC đã gây choáng váng cho Thế giới xe khi lập kỷ lục tốc độ cho xe thương mại bằng cách chạm mốc 255mph (410,38km/h), lấy danh hiệu từ Bugatti và được tổ chức Guinness công nhận. Bây giờ, nhờ chiếc Tuatara thương mại xác lập kỷ lục tốc độ trung bình sau cả 2 chiều chạy ở trên đường công cộng; có dữ liệu GPS được chứng nhận, hai nhân chứng của Guinness tại địa điểm thực hiện kỷ lục và hoàn toàn sử dụng lốp lẫn nhiên liệu tiêu chuẩn (xăng E85), họ đã chiến thắng một cách công bằng và khiến mọi người “tâm phục khẩu phục”.
“Đã hơn 10 năm kể từ khi chúng tôi nắm giữ kỷ lục này với chiếc xe đầu tiên của mình, Ultimate Aero, và Tuatara còn vượt trội hơn thế. Hiệu suất của nó phản ánh sự cống hiến và tập trung mà chúng tôi theo đuổi thành quả này. Chúng tôi đã tiến khá gần đến việc đạt được những con số lý thuyết; đây là điều đáng kinh ngạc khi thực hiện kỷ lục trong điều kiện thực tế trên một con đường công cộng. Tuyên bố chiến thắng mới của Mỹ trong ‘cuộc đua không gian trên đất liền’ sẽ rất khó bị đánh bại” – Jerod Shelby, Giám đốc điều hành của SSC cho biết.
Dù Tuatara đã mất rất nhiều thời gian mới có thể bắt đầu xuất hiện trên đường, nhưng những người yêu xe đã biết khá rõ về cấu hình cuối cùng của hypercar này. “Trái tim” của Tuatara là khối động cơ V8 5.9L tăng áp kép được SSC phối hợp phát triển cùng hãng Nelson Racing Engine, với tỷ số nén 8.8:1 và vòng tua máy cực đại 8.800rpm. Động cơ này có thể đạt công suất lên tới 1.350 mã lực khi chạy xăng A91, và tối đa lên tới 1.750 mã lực nếu như dùng xăng pha ethanol E85.
Kết hợp với cỗ máy siêu mạnh này là hộp số sàn 7 cấp (CIMA 7) được “máy tính hóa” với hệ thống “chuyển số robot”, dẫn động các bánh sau xe. Với trọng lượng khô chỉ 1.247kg và hệ số cản khí động học 0,279, chắc chắn Tuatara sẽ có hiệu năng vận hành và tốc độ rất cao. Toàn bộ hệ khung sườn nguyên khối và vỏ xe đều được làm từ sợi carbon. Trong khi đó thiết kế của Tuatara đã được tạo ra với sự hợp tác của Jason Castriota – người từng “chấp bút” tạo hình nhiều siêu xe Ferrari và Maserati khác nhau.
Với kỷ lục mới được xác lập, đối thủ đồng hương Hennessey và cựu vương Koenigsegg sẽ có nhiều điều phải nỗ lực chứng minh hơn. Trong khi mục tiêu 300mph (484km/h) mà Hennessey đặt ra với chiếc Venom F5 đã bị phá vỡ một cách dễ dàng bởi SSC Tuatara thì dựa trên các phần mềm máy tính máy tính giả lập, Koenigsegg cho biết chiếc Jesko Absolut có thể đạt xấp xỉ 535km/h trên lý thuyết.