Nếu bạn đang tìm kiếm những chiếc xe độ vượt sức tưởng tượng, thiếu tính thực dụng nhưng ấn tượng về mặt thị giác ở Vương quốc Anh, vậy thì Paul Bacon là người đáng để xem qua. Dự án đầu tiên xứng đáng với lời tán dương kia của Paul, một chiếc xe bong bóng có tên Cosmotron, là bằng chứng cho thấy trí tưởng tượng của anh ấy phong phú và hoang dại đến nhường nào, cùng với đó là kỹ năng chế tạo khéo tay ra làm sao.
Cosmotron, hoặc gọi tắt là Cosmo, là dự án xe tự chế thứ hai trong sự nghiệp của Paul Bacon, và cho dù ra đời cách đây khá lâu, nó vẫn là một ví dụ tuyệt vời cho chuyện “phong cách hoàn hảo, tính năng tàm tạm”. Về bản chất, Cosmo là một chiếc BMW Z3 1998 với động cơ I6 dung tích 2.8 lít, nhưng bạn khó có thể nhìn ra điểm chung nào giữa BMW Z3 và chiếc xe bong bóng màu tím mộng mơ này.
Phong cách của Cosmo được lấy cảm hứng một phần từ tác phẩm của họa sĩ Ed Roth và những chiếc xe ô tô tương lai của những năm 1960. Paul từng chia sẻ trong video phỏng vấn rằng anh ấy nhớ hồi nhỏ được nghe kể là mọi chiếc xe trông sẽ như thế này vào năm 2000. Thất vọng khi thấy sự thực không như mong đợi, anh ấy quyết tâm biến giấc mơ thuở nhỏ thành hiện thực.
Sau khi bỏ tiền mua lấy chiếc BMW đời 1998, Paul tiến hành lột trần nó: khung gầm và sàn xe trở thành cơ sở của chiếc Cosmo mà anh ta đã vẽ thiết kế từ trước. Quá trình chế tạo xe đã diễn ra rất chậm, mất tới 18 tháng để hoàn thành, nhưng chủ yếu là bởi Bacon tin rằng bạn chỉ nên làm công việc của mình mỗi ngày một ít để đảm bảo bạn ghi chép chuẩn xác tiến bộ, thay vì làm bất cứ khi nào bạn có thể.
Video khám phá chiếc xe Cosmotron của Paul Bacon
Anh ấy đã chế tạo thân vỏ từ chất liệu polystyrene và xốp nở, sau đó thêm vào sợi thủy tinh và dầm thép để có độ cứng hơn. Kỳ lạ thay, mái vòm Perspex, đóng vai trò vừa là nóc xe vừa là kính chắn gió, nằm trên một vòng thép và được vận hành với bản lề thủy lực bằng điều khiển từ xa. Tuy nhiên, Paul nói rằng mái vòm này đã khiến chiếc xe khó xin giấy phép hoạt động trên đường vì các nhà chức trách cho rằng nó không an toàn.
Mặc dù có thiết kế tương lai, giống như ngoài hành tinh, nhưng phần lớn phụ tùng trên Cosmo đều là những đồ gia dụng phổ thông. Khối động cơ lòi ra khỏi capô xe được trang trí bằng những lọ muối và hạt tiêu từ thương hiệu John Lewis, lưới tản nhiệt phía sau được trang trí bằng nắp giữ ẩm, chi tiết trang trí bằng crôm trên vô lăng là phần trên của đường ống nước vòi tắm, trung tâm của vô lăng là phần trên của một quả pháo hoa, trong khi “moon tank” ở phía trước là một bể phụ lò hơi. Paul thậm chí còn làm thủ công hệ thống radio, đi kèm với bảng đồng hồ độ riêng.
Phần nội thất bọc da trắng trông đẹp không kém ngoại thất, và tương xứng trên mặt phong cách. Vợ của Paul đã khâu thủ công hai chiếc ghế, và mọi thứ đều có độ chi tiết kinh khủng. Cosmo có thể là một dự án tự chế tại nhà kho trong vườn (theo đúng nghĩa đen), nhưng không vì thế mà Paul chế tạo nó một cách qua loa. Từng milimet đã được chải bằng chiếc lược có răng tốt nhất, vì vậy kết quả là sự hoàn hảo thuần khiết. Ít nhất là mặt hình thức.
Cosmotron là một chiếc xe độc đáo, đáng kinh ngạc nhưng nó không phải là một phương tiện thực dụng. Nó hợp pháp di chuyển trên đường phố, và có thể đạt tốc độ tối đa 225 km/h trên mặt lý thuyết, nhưng thực tế thì nó chạy không ổn định cho lắm. Chuyện này cũng không bất ngờ, bởi trọng tâm của Paul khi chế tạo chiếc xe vốn không phải là tính năng hoạt động.
Paul đã sở hữu Cosmotron trong hai năm sau khi anh ấy hoàn thiện nó, nhưng như anh ấy tự nói, đối với anh ấy thì hành trình chế tạo chiếc xe mới là đáng quý chứ không phải quyền sở hữu thực tế. Sau này, anh ấy đã bán nó cho một người mê xe có tên Martin Smith, người cam kết giữ nó ở lại quê hương Anh Quốc.
Duy Thành