Nhiều người tuy dùng xe ô tô từ rất lâu nhưng vẫn chưa nắm rõ cơ chế hoạt động của điều hòa nhiệt độ, dẫn đến sử dụng không đúng cách, khiến điều hòa nhanh xuống cấp, nhiên liệu bị tiêu tốn hơn.
Để bảo vệ hệ thống điều hòa và tiết kiệm nhiên liệu cho xe, bạn nên nắm bắt và nhớ một số quy tắc trong quá trình sử dụng hệ thống này. Đầu tiên là hãy tìm hiểu một cách cụ thể hơn cơ chế hoạt động cơ bản của điều hòa không khí nhiệt đô trên ô tô. Hệ thống điều hòa không khí trong ô tô có chu trình hoạt động khép kín, được chia làm hai phần chính: máy lạnh và máy sưởi. Hai phần này hoạt động độc lập với nhau, tuy nhiên chúng nối tiếp trên cùng một đường dẫn không khí theo thứ tự: không khí từ trong khoang xe, chuyển qua quạt gió rồi đến giàn lạnh.
Tìm hiểu về cách hoạt động của hệ thống điều hòa ô tô giúp lái xe bảo dưỡng điều hòa tốt hơn
Cơ chế hoạt động của máy điều hòa không khí trên xe ô tô khá phức tạp. Khi AC bắt đầu hoạt động, máy nén được nối với động cơ thông qua dây cua-roa sẽ hút chất làm lạnh ở thể khí được lấy từ bình chứa gas, sau đó không khí được nén ở áp suất cao. Khi bị nén, nhiệt độ của chất làm lạnh tăng lên, ngay lập tức nó được đẩy sang giàn nóng. Bộ phận này nằm ở vị trí phía đầu xe, gần bộ phận lưới tản nhiệt và được thiết kế quạt riêng. Ở giàn nóng, do được tản nhiệt ở áp suất cao nên chất làm lạnh chuyển sang thể lỏng sau đó dịch chuyển vào van giãn nở.
Tiếp theo, áp suất tại van tiết lưu giảm đột ngột khiến chất làm lạnh hóa hơi, nhanh chóng được chuyển tới giàn lạnh. Chất làm lạnh lấy nhiệt từ môi trường xung quanh và khiến nhiệt độ giảm xuống. Hơi lạnh được thổi ra không gian xe thông qua quạt gió. Gió thổi ra từ giàn lạnh có thể là gió ngoài (nghĩa là lấy nguồn gió từ bên ngoài), cũng có thể là gió trong ca-bin hoặc cả hai. Quy trình này liên tục được lặp lại trong khoảng thời gian điều hòa nhiệt độ hoạt động.
Hầu như xe ô tô nào cũng được trang bị hệ thống điều hòa
Đối với điều hòa xe hơi, bộ phận cảm biến nhiệt được thiết kế ngay trong họng gió ra của điều hòa, khi nhiệt độ gió ra đạt 5 đến 7 độ C, nó sẽ phát tín hiệu ngắt tốc lạnh và đóng trở lại khi nhiệt độ tăng lên khoảng 12 độ C. Trong trường hợp xe sử dụng điều hòa chỉnh tay, sẽ có một cần chỉnh nhiệt độ “xanh/đỏ”, tác dụng của cần chỉnh này là để trộn hai luồng khí nóng và lạnh với nhau sao cho nhiệt độ gió thổi ra là phù hợp với không gian xe, không có tác dụng đóng ngắt lốc.
Lưu ý khi sử dụng máy lạnh xe ô tô khi trời mưa
Khi di chuyển xe trong điều kiện thời tiết mưa gió, người điều khiển phương tiện không nên sử dụng chế độ lấy gió ngoài mà nên chuyển sang chế độ lấy gió trong. Lý do rất đơn giản, khi trời mưa to, không khí ẩm sẽ xuất hiện, nếu sử dụng chế độ điều hòa lấy gió ngoài, không khí ẩm có thể gây ra tình trạng nước ẩm đóng giọt trong cabin của xe.
Khi di chuyển dưới mưa hay chuyển chế độ điều hòa sang chế độ lấy gió trong
Mưa lớn thường gây ra ngập lụt, khi xe di chuyển qua vùng ngập nước cao, để đảm bảo an toàn và tránh các ảnh hưởng xấu tới xe, người điều khiển phương tiện nên tắt điều hòa và cả quạt gió. Nếu không khí bên trong xe quá bí và quá nóng, lái xe có thể mở hé cửa kính. Tắt điều hòa còn giúp xe không bị rác bẩn theo nước trôi vào có thể làm kẹt cánh quạt.
Sau mùa mưa, lái xe nên mang xe đi bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống điều hòa để kiểm tra, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt, không gặp bất cứ sự cố gì. Việc bảo dưỡng hệ thống điều hòa còn giúp tăng tuổi thọ cho máy. Chủ xe có thể kịp thời phát hiện hư hỏng và sửa chữa trước khi hư hỏng ngày càng nặng hơn.
Nên tắt hệ thống điều hòa khi đi qua vùng nước ngập
Một lưu ý nữa đó là hãy tắt điều hòa và động cơ vào hai thời điểm khác nhau. Trước khi dừng xe khoảng 10 phút, người điều khiển xe nên tắt hệ thống điều hòa, mở cửa sổ xe để nguồn không khí trong xe thoát ra bên ngoài, sau đó mới dừng xe và tắt máy. Khi mở điều hòa của xe ô tô, hãy điều chỉnh chế độ quạt gió sao cho phù hợp. Khi quạt gió hoạt động ở công suất quá lớn sẽ khiến năng lượng bị hoang phí, gió thổi mạnh còn dễ khiến người ngồi trong xe bị cảm lạnh. Ngược lại, nếu để điều hòa ở chế độ quá yếu sẽ không đủ khả năng làm mát không gian trong xe. Do đó, nên chỉnh chế độ điều hòa phù hợp với nhu cầu của người dùng và đảm bảo cho xe.
Minh Duyên