Cả hai phiên bản CX-30 đều sử dụng động cơ dung tích 2.0L chỉ khác biệt ở trang thiết bị tiện nghi, phiên bản cao cấp nhất có giá 899 triệu đồng, mức giá thấp hơn All New Mazda3 ở thời điểm ra mắt. Nhưng thời điểm hiện tại trong phân khúc xe gầm cao đô thị đang có rất nhiều cái tên được biết đến, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu cũng trở nên mạnh mẽ hơn và mỗi thương hiệu có một điểm mạnh riêng… Và với Mazda CX-30 đây chắc chắn nhà sản xuất tiếp tục cạnh tranh bằng vẻ đẹp thiết kế, bằng công nghệ hiện đại và trang thiết bị tiện nghi thế hệ mới của mình.
Hệ thống an toàn chủ động i-Activsense thế hệ mới nhất
Mazda CX-30 được trang bị hệ thống an toàn chủ động thế hệ mới nhất của Mazda, mới hơn Mazda2, mới hơn Mazda6, mới hơn CX-5 hay CX-8. Đây là hệ thống an toàn chủ động với đầy đủ tính năng và khả năng hoạt động tốt nhất của Mazda thời điểm hiện tại và những thương hiệu đồng hương có thể khó sánh bằng, trong gói trang bị này sẽ bao gồm:
Quảng cáo
- AFS/ Adaptive Front-Lighting System: Hệ thống đèn chiếu sáng thích ứng thông minh ngoài việc liếc theo góc đánh lái hay tự động điều chỉnh pha thấp/cao ra thì còn có khả năng chia cắt chùm tia ánh sáng sao cho vừa không chói mắt phương tiện phía trước nhưng vẫn đạt được mức độ chiếu sáng xa nhất có thể.
- MRCC/ Mazda Radar Cruise Control: Hoạt động dựa trên một Radar Milliwave (76GHz) để phát hiện người hoặc phương tiện phía trước với khoảng cách đó được, chiếc xe sẽ có thể hoạt động các tính năng như phanh tự động khẩn cấp (SBS) đối với người đi bộ, phương tiện phía trước (bao gồm cả hành vi lấn làn cắt đầu xe), và kiêm luôn hoạt động Cruise Control với khả năng giữ khoảng cách với xe phía trước.
- LDWS / Lane Departure Warning System + LAS / Lane Keep Assits System: Tính năng cảnh báo lệch làn đường + hỗ trợ giữ làn đường, hoạt động dựa trên một Camera Laser đặt ở bên trên kính chắn gió để có thể nhận diện được vạch kẻ đường, kết hợp với máy tính để tính toán tốc độ cũng như can thiệp hệ thống vô-lăng để có thể cảnh báo hoặc chủ động can thiệp vào vô-lăng của xe.
- RCTA + BSM, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi + cảnh báo điểm mù: Bộ đôi tính năng hoạt động dựa vào 2 Radar loại Quasi-milliwave 24GHz gắn ở 2 bên phía sau đuôi xe, bộ Radar cho độ chính xác rất cao bởi không chỉ biết được vật cản mà còn có thể tính toán được tốc độ + khoảng cách với xe phía sau, từ đó đưa ra phán đoán có thể va chạm hay không để cảnh báo và can thiệp phanh (đối với khi lùi xe). Rất nhiều xe ô tô ngày nay hoạt động cảnh báo điểm mù dựa trên cảm biến đặt ở phía sau góc thay vì 1 Radar để có thể phán đoán được một chiếc xe phía sau đang từ xa di chuyển đến, đây là một trong những trang bị rất hiếm thấy ở một mẫu xe Nhật Bản.
Ngoại thất
CX-30 mang ngôn ngữ Kodo thế hệ thứ 2 của Mazda, đây là thiết kế có thể nói đã mang đến nhiều thành công nhất cho Mazda, đặc biệt là những giải thưởng lớn về trong lãnh vực thiết kế hay thẩm mỹ. Tổng quan có thể nhận ra được CX-30 kế thừa rất nhiều đường nét thiết kế của mẫu Mazda3 với phần bên hông thiết kế dựa trên cảm hứng từ chiếc xe Concept Vision Coupe, hay phần cửa kính thuôn hẹp và phần đèn chiếu sáng đặt lùi vào bên trong tăng sự mạnh mẽ khi nhìn vào phần đèn chiếu sáng.
Phía đầu xe với phần mặt ca-lăng thiết kế hình dạng các chi tiết nhỏ dạng 3D, khi nhìn vào từ mọi góc độ đều thấy được sự phản chiếu cũng như đường nét nổi khối của hoạ tiết, và đây là phần mặt ca-lăng có kích thước lớn nhất theo chiều ngang của Mazda khiến cho một chiếc xe cỡ nhỏ cũng trở nên bệ vệ và mạnh mẽ. Tiện nghi phía trước có thêm 4 cảm biến cảnh báo va chạm bố trí 2 cho trực diện và 2 cho bên góc.
Kích thước các chiều dài x rộng x cao của CX-30 lần lượt là: 4.395 x 1.795 x 1.540 (mm), chiều dài trục cơ sở đạt 2.655mm. Do không chênh lệch không quá nhiều so với CX-5 cộng với đường nét thiết kế mới khiến cho cảm giác khi nhìn thực tế bên ngoài dễ có cảm giác đây là mẫu xe có kích thước tương đương với đàn anh CX-5, nhưng chắc chắn đây là một mẫu xe nhỏ hơn và phân khúc thấp hơn, toàn dải sản phẩm gầm cao của Mazda nếu sếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn sẽ là: CX-3, CX-30, CX-5, CX-8, CX-9, riêng mẫu Coupe CX-4 bán riêng ở thị trường Trung Quốc thì mình không liệt kê.
Trang bị bộ bánh mâm kích thước 18inch, kích thước hoàn toàn hợp lý để có được vẻ đẹp cũng như độ êm ái, với mình thì những chiếc xe phổ thông đi kích thước 18inch đã thuộc loại lớn. Trải nghiệm nhanh tại đường thử của Thaco Chu Lai thì bộ mâm lốp này cộng với phần khung gầm mới của CX-30 cho được cảm giác êm ái, rất ít tiếng ồn gầm vọng lên.
Mình đã từng hết lời khen ngợi vẻ đẹp của chiếc All New Mazda3 Sport bởi thiết kế đuôi xe bo cong như những chiếc xe thể thao thực thụ thì với CX-30 mình tiếp tục dành lời khen ngợi tương tự.
Cảm giác khi đứng kế bên nhìn tận mắt đường nét thiết kế phần đuôi của CX-30 là sự mượt mà tinh tế nhưng không kép phần tạo hình thể thao mạnh mẽ, một điểm nhấn cho phía đuôi xe khó có thể đẹp hơn được.
Và bộ đèn của CX-30 mình cũng vẫn sẽ chê như mẫu xe Mazda3 Sport bởi kích thước nhỏ, nhỏ ở cả tổng thể cho đến dải đèn LED tạo hình bên trong. Mặc dù chúng thể hiện được đặc điểm nhận dạng cho thương hiệu nhưng chưa thật sự đã và cân đối với vẻ đẹp thể thao như tạo hình tổng thể phía đuôi của chiếc xe, hơi đáng tiếc một chút. Ngoài ra phía sau trang bị đủ Camera lùi cũng như 4 cảm biến cảnh báo va chạm, cốp đóng mở điện.
Nội thất
Mazda đang ngày càng đổi mới, ngoài việc đem những tính năng an toàn chủ động lên tất cả các dòng sản phẩm ra thì họ cũng đang ngày một đổi mới tính cao cấp của chiếc xe, bắt đầu với việc bố trí các thiết bị bên trong một cách đơn giản và tinh tế, các nút bấm hay phím bấm đến thế hệ này đã được tinh giảm đi rất nhiều. Điểm tiếp theo nữa đó là sử dụng những vật liệu cao cấp bên trong nội thất, từ vô-lăng cho đến ghế ngồi, ngay như phần nhựa mềm giả da bên trên Tap-lô (Dashboard) cũng khéo léo lựa chọn màu sắc và vật liệu cho cảm giác như là một phần bọc da thật sự.
Quảng cáo
Màn hình hiển thị thông tin người lái là sự kết hợp giữa các đồng hồ Analog và một màn hình LCD kích thước 7″ ngay chính giữa, màn hình LCD hiển thị đa thông tin và cũng là màn hình hiển thị tốc độ giả lập giao diện Analog.
HUD thế hệ mới nhất của Mazda, đúng và chính xác nhất với cái tên khi kết cấu là một màn hình ở bên dưới hắt thông tin lên kính chắn gió phía trước, trang bị này Mazda đặt tên là “Active Driving Display”.
Hàng ghế thứ hai khi mới nhìn vào sẽ có chút nghi ngờ về độ ngả lưng ghế, nhưng khi ngồi thực tế và điều chỉnh gối tựa đầu 1 cách hợp lý thì cảm giác đó sẽ không còn nữa. Thiết kế ghế ngồi với hai thành hai bên hơi đứng nhưng phần tựa lưng thì lõm vào bên trong tạo ra một khoảng tựa lưng tốt hơn những gì mắt thấy. Cảm giác ban đầu khá tốt, sẽ không có gì để phàn nàn với một người dưới 1m75. Nhưng chính xác nhất thì mình sẽ cần thời gian ngồi thực tế khi chiếc xe lăn bánh đủ xa, đủ lâu. Tiện nghi ở đây gồm có cửa gió điều hoà và bệ tì tay trung tâm, ghế da cao cấp 2 tông màu và có đục lỗ thoáng khí ở 4 vị trí ghế ngồi.
Động cơ
Mazda vẫn đang là 1 thương hiệu hiếm hoi theo đuổi hộp số tự động có cấp và động cơ hút khí tự nhiên. Hộp số có cấp chắc chắn có được phần lớn sự yêu thích của người dùng khi so với hộp số CVT, không phải do hộp số CVT bị cho là giá trị cấu thành thấp, mà đó là ở trải nghiệm thực tế của hộp số có cấp cho cảm giác thích thú hơn, dễ dàng cảm nhận được sự chuyển động hơn so với hộp số CVT.
Cả hai phiên bản của CX-30 đều sử dụng động cơ Skyactiv-G dung tích 2.0lit thế hệ mới, hút khí tự nhiên và công nghệ phun xăng trực tiếp. Động cơ này sản sinh mức công suất tối đa 153 mã lực và 200Nm Mô-men xoắn. Dù là hút khí tự nhiên nhưng Mazda đã tinh chỉnh để có được mức mô-men tốt, vận hành thực tế ở dải vận tốc dưới 80 chiếc xe cho cảm giác bứt tốc tốt, có thể nói rất nhẹ nhàng, và có lẽ đó cũng là một điểm kích thích khách hàng trẻ đến với Mazda nói chung.
Kiến trúc thế hệ thứ 7
Mazda3 và CX-30 là hai mẫu xe tiên phong và là duy nhất được ứng dụng kiến trúc thế hệ thứ 7, thế hệ mới nhất của Mazda thời điểm hiện tại. Ở thế hệ này, khung xe được gia cố thêm sự cứng chắc bằng thép cường độ cao, khiến cho chiếc xe cứng hơn nhưng lại không tăng trọng lượng. Trên khung xe các lỗ khoan (đi dây điện) cũng được cải tiến hình dạng để tránh đưa tiếng ồn vào bên trong cabin người điều khiển xe, đồng thời hệ thống treo và lốp xe cũng được thay đổi để vừa tránh được tiếng ồn nhưng vẫn truyền tải được cảm xúc đến người cầm lái.
Giá bán & phân khúc
Phiên bản Premium của CX-30 có giá 899 triệu, phiên bản Luxury có giá 839 triệu đồng, mức giá mà anh em có thể sẽ bị băn khoan với những chiếc Mazda CX-5, cùng thương hiệu. Nếu như anh em quan tâm đến sự rộng rãi của một chiếc xe thì có lẽ lựa chọn CX-5 trong sự phân vân này là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên với góc độ của CX-30 khiến mình nhớ lại những chiếc All New Mazda3 khi mở bán cũng có mức giá không hề thấp (bản Premium). Và cả Mazda3 lẫn CX-30 đều là hai chiếc xe hướng đến sự thể thao, nét thiết kế bắt mắt đi kèm với những công nghệ mới nhất, hẳn là những tiêu chí hướng dẫn khách hàng trẻ, khách hàng sở hữu chiếc xe cá nhân theo sở thích và cá tính riêng, điều mà có lẽ Mazda CX-5 vẫn có phần thua thiệt so với đàn em. Và tất nhiên trong tương lai ít năm tới đây, Mazda chắc chắn sẽ có những sản phẩm trong dòng thế mới tương tự như CX-30 hay Mazda3, nhưng cái giá để sở hữu chiếc xe với nền tảng mới của Mazda vẫn còn là ẩn số.
Hình ảnh khác: