Các chi tiết nội thất bền đẹp sẽ mang đến trải nghiệm thoải mái nhất cho người dùng ô tô.
Với mỗi chi tiết trong nội thất xe ô tô đều cần được chăm sóc cần thận và tỉ mỉ. Đặc biệt là cần chú trọng tới các bộ phận liên quan trực tiếp đến việc điều khiển xe như hệ thống vô lăng, phanh xe, các nút điều khiển, cần số… Ngoài ra, việc chăm sóc cho nội thất xe đúng cách sẽ duy trì tính thẩm mỹ cho xe, tăng độ bền và tạo sự tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng xe. Chẳng hạn như tình trạng mùi trong xe nếu như không được xử lý tốt có thể dẫn tới sự khó chịu cho người ngồi trên xe. Hay hệ thống điều hoà của xe nếu không được bảo dưỡng và làm sạch sẽ làm giảm khả năng làm mát cho xe và thậm chí có thể gây tác động xấu tới sức khoẻ người sử dụng xe.
Tất nhiên, để chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô được chuyên nghiệp và đạt hiệu quả tốt nhất thì nên đưa xe tới các gara để kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, “của bền tại người”, việc sử dụng và chăm sóc cẩn thận xe của chính các người sử dụng xe cũng sẽ giúp xe bền đẹp hơn, và có khả năng phát hiện sớm các sự cố của xe để xử lý kịp thời.
Đọc thêm: Thảm lót sàn oto
Vệ sinh nội thất ô tô
Một chiếc xe ô tô với nội thất được làm sạch thường xuyên sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng, đó là điều không thể phủ nhận. Bên cạnh việc đưa xe đến các cơ sở chăm sóc nội thất chuyên nghiệp, chủ xe cũng có thể tự vệ sinh cho nội thất xe dễ dàng bằng các dung dịch chuyên dụng và sử dụng máy hút bụi để làm sạch.
Đối với xe ô tô có nội thất bằng da, khi sử dụng dễ gặp phải tình trạng bị ố bẩn. Nếu gặp tình trạng này, bạn có thể sử dụng các loại xà phòng có tính kiềm thấp như nước rửa chén để lau chùi bề mặt da. Sau khi bề mặt da đã được làm sạch, nên sử dụng các dung dịch dưỡng bề mặt da để duy trì độ bền, tạo độ mềm và bóng cho da.
Với đồ nội thật bằng nỉ, khi sử dụng trong điều kiện khí hậu nước ta sẽ có độ bền hơn, song nhược điểm của vật liệu này là nó rất dễ bị bẩn, và lại khó làm sạch. Một kinh nghiệm khi làm sạch nội thất nỉ là sử dụng bột giặt và bàn chải mềm để chả xát loại bỏ các vết bẩn và làm sạch bề mặt của nội thất.
Một bộ phận cũng dễ bị bỏ sót khi làm sạch nội thất xe đó là trần xe ô tô, gioăng cửa kính, taplo, bảng điều khiển. Hầu hết các bộ phận trên đều có dung dịch làm sạch chuyên dụng, chỉ cần thấm một lượng dung dịch vừa đủ lên khăn sạch và lau kỹ bề mặt của các chi tiết này, sau đó làm sạch một lần nữa với khăn ẩm là đã hoàn tất quá trình vệ sinh. Riêng với sàn xe, hầu như các xe đều được đặt các tấm thảm trải sàn nên rất thuận tiện khi vệ sinh. Chỉ cần tháo thảm lót sàn để làm sạch riêng các tấm thảm này, còn phần sàn xe thì sử dụng máy hút bụi để làm sạch bề mặt trước khi đặt tấm lót sàn lại như ban đầu.
Vệ sinh vô lăng
Vô lăng là bộ phận để người lái có thể điều khiển hướng di chuyển của xe. Vô lăng bị bẩn, thoái hoá không chỉ làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng đánh lái của người sử dụng xe. Chẳng hạn, nếu bề mặt vô lăng bị bám dầu hoặc bám bẩn thì người lái có thể bị trượt tay khi đánh lái.
Với vô lăng xe, tuỳ thuộc vào chất liệu làm vô lăng mà có những biện pháp làm sạch riêng. Chẳng hạn, với vô lăng bằng da, nên sử dụng các dung dịch làm sạch và làm mới bề mặt da. Với những loại vô lăng được ốp gỗ thì chủ xe nên dùng các dung dịch đánh bóng gỗ, giúp làm sạch và tạo độ bóng đẹp cho vân gỗ.
Khi lái xe, nên để ý đến các dấu hiệu bất thường khi điều khiển vô lăng như đánh lái nặng, hoặc trả lái chậm. Các hiện tượng này có thể gây ra nguy hiểm khi lái ô tô, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp. Nguyên nhân thường do xe bị mất trợ lực lái hoặc các thanh dẫn động lái bị mòn. Khi gặp phải tình trạng này cần đưa xe vào gara để sửa chữa ngay.
Khử mùi nội thất
Để khử mùi cho xe ô tô hiệu quả nhất là thường xuyên lám sạch và loại bỏ các chất bẩn trong xe. Ngoài ra, các chủ xe còn có thể sử dụng những biện pháp khác để giúp loại bỏ các mùi khó chịu trên xe như cho vào xe các loại hoa quả, thực phẩm có mùi dễ chịu để át mùi của xe như dứa, hạt cà phê, hoặc một số loại tinh dầu…
Vệ sinh các nút điều khiển
Các nút bấm trong xe ô tô cũng cần được chủ xe chăm sóc và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo điều kiện vận hành của xe là tốt nhất. Các nút bấm này cũng nên được lau bằng khăn ẩm. Các chủ xe cũng cần chú ý kiểm tra toàn bộ các nút điều khiển trên xe như còi, đèn, xin-nhan, nút điều khiển kính xe… trước khi sử dụng xe. Đối với các vấn đề như nút bấm bị kẹt hoặc mất khả năng điều khiển thì cần đưa đi sửa chữa sớm để đảm bảo các điều kiện an toàn khi lái xe.
Làm sạch đai an toàn
Đai an toàn là bộ phận thường được sử dụng cho người ngồi trên xe ô tô, nhất là ở vị trí ghế lái và ghế phụ. Nhưng đây cũng là bộ phận thường bị quên làm vệ sinh nhất. Những thao tác làm sạch đơn giản bằng dung dịch vệ sinh và lau nhẹ nhàng có thể nhanh chóng loại bỏ được bụi bẩn và tình trạng ẩm mốc trên đai an toàn. Khi làm sạch đai an toàn, chủ xe cần kéo hết chiều dài dây để quá trình làm sạch được hiệu quả. Chỉ sử dụng các khăn mềm và những dung dịch tẩy rửa trung tính để làm sạch đai an toàn, tránh làm hỏng bề mặt của nó.
Vệ sinh và bảo dưỡng điều hoà
Điều hoà xe ô tô là hệ thống giúp làm mát cho nội thất trong xe khi chạy xe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Cũng như các bộ phận khác trên xe, điều hoà xe cũng cần được bảo trì và bảo dưỡng định kỳ. Song song với đó, việc chăm sóc và sử dụng hệ thống điều hoà làm mát trên ô tô đúng cách sẽ khiến hệ thống làm việc hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu cho xe và giúp điều hoà hoạt động bền bỉ hơn.
Qua thời gian sử dụng, các khe gió của điều hoà có thể bị bám bụi, và trở thành nơi làm tổ của vi khuẩn, nấm mốc, khi bị phát tán vào không gian xe sẽ gây ra mùi và ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng. Chính vì vậy, người sử dụng nên thường xuyên tự vệ sinh bộ phận này. Cách vệ sinh cũng rất đơn giản, chỉ cần sử dụng khăn hoặc bàn chải mềm kết hợp với dung dịch làm sạch để vệ sinh các khe gió.
Việc bảo dưỡng, thay ga, làm sạch dàn mát của điều hoà là công việc của thợ sửa chữa, các chủ xe nên lên kế hoạch để đưa xe đến các gara để bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Và nếu gặp trường hợp xe có dấu hiệu làm mát chậm, làm lạnh không sâu thì cũng nên đưa xe đi bảo dưỡng để phát hiện, xử lý các vấn đề với hệ thống làm mát.
Bảo dưỡng gioăng cửa
Hệ thống gioăng trên xe ô tô sẽ giúp các cửa được đóng kín, tránh tiếng ồn và khói bụi, nước mưa… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, bụi bẩn làm lớp gioăng này bị giảm công dụng. Muốn lớp gioăng hoạt động bền bỉ, cần có biện pháp chăm sóc và làm sạch đúng cách và thường xuyên.
Hiện nay thị trường đã xuất hiện các sản phẩm chuyên dùng để làm sạch gioăng cho cửa ô tô. Cách sử dụng cũng rất đơn giản, chủ xe chỉ cần sử dụng khăn sạch thấm dung dịch làm sạch và tiến hành lau các miếng gioăng cửa. Các dung dịch này vừa có vai trò làm sạch vừa duy trì tính đàn hồi, kéo dài tuổi thọ cho gioăng cửa.
Chăm sóc và kiểm tra chân ga
Hẳn là nhiều chủ xe sẽ ít chú ý tới việc chăm sóc cho chân ga của xe. Tuy nhiên, điều này lại có thể dẫn tới những sự cố tai hại. Một sự cố khiến các lái xe “hoảng” nhất có lẽ là tính trạng kẹt chân ga. Bởi vậy, việc chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên chân ga cho xe là rất quan trọng.
Để hạn chế tình trạng này, chủ xe cần luôn để ý làm sạch nội thất xe nhất là ở vị trí ghế lái, không để đồ ở vị trí ghế lái để tránh trường hợp có dị vật rơi xuống khe của chân ga. Luôn nhớ kiểm tra lại thảm lót sàn xe để xem liệt thảm có bị xô lệch hay mép thảm kẹt vào chân ga hay không? Trước khi lên xe, người lái xe cũng nên kiểm tra xem côn, chân ga và phanh có hoạt động bình thường hay không để hạn chế gặp phải những sự cố bất ngờ.
Chăm sóc và kiểm tra phanh tay – phanh chân
Phanh ô tô giúp xe có thể giảm tốc và dừng lại nhanh chóng, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp. Người lái xe luôn cần kiểm tra tình trạng hoạt động của cả phanh chân và phanh tay xe trước khi lái xe. Trước khi nổ máy, nên thử đạp phanh chân vài lần, nêu thấy phanh cứng chứng tỏ hệ thống trợ lực chân không của phanh hoạt động tốt. Ngược lại, nếu có cảm giác hẫng, tức là phanh đã gặp vấn đề, cần gọi thợ đến xử lý.
Cũng giống như với chân ga, chân phanh có thể bị kẹt do dị vật hoặc do thảm của xe. Bởi vậy, chú ý không để đồ ở vị trí ghế lái, thường xuyên làm sạch vị trí này. Trước khi lái xe, lái xe cần luôn để ý phần thảm lót xe để không xảy ra tình trạng kẹt mép thảm vào chân phanh.
Dũng Hà