Không ít lần người lái ô tô rơi vào trường hợp dù xe đã nổ máy nhưng không thể xoay vô lăng. Vậy cần làm gì khi vô lăng bị khóa?
Trạng thái tâm lý chung của nhiều người lái ô tô, nhất là phụ nữ là dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn khi thấy vô lăng bị khoá. Vì sao vô lăng xe bị khóa? Cần phải giải quyết như thế nào?… Hàng loạt câu hỏi xuất hiện khiến bạn rối trí. Đừng lo lắng, nội dung sau đây sẽ giúp bạn có câu trả lời như mong đợi. Khóa vô lăng là cụm từ chỉ tình trạng vô lăng của xe ô tô không thể xoay chuyển. Khi lần đầu gặp tình huống này, ít nhiều tài xế mới sẽ không biết xử trí như thế nào. Tuy nhiên, bạn cần giữ bình tĩnh và yên tâm vì đây không phải là lỗi mà đó là một chức năng của xe.
Đọc thêm: Lót sàn oto 5D
Vì sao vô lăng ô tô bị khóa?
Bỗng một ngày, bạn chuẩn bị đi đâu đó, vô lăng xe ô tô cứng ngắt dù bạn đã nổ máy và trước đó bạn vẫn vận hành xe trơn tru? “Bắt mạch” cho tình huống này có lẽ bạn đã vô tình hay cố ý xoay vô lăng sau khi xe đã tắt máy. Đây là nguyên nhân chính khiến vô lăng bị khóa.
Chị Nguyễn T. An (Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh) đã một lần rơi vào tình huống “trớ trêu” này. Chị An chia sẻ: “Vì mới lái xe ô tô nên mình có thói quen đỗ xe xong, tắt máy, rút khóa điện và xuống xe. Do thấy bánh xe không thẳng, nên mình thò người vào vặn miết vô lăng cho thẳng. Đến hồi lấy xe, cho khóa vào xe mà không mở được, vô lăng thì cứ chặt cứng. Làm mình toát cả mồ hôi”. Chị Phạm M. Hoàng (Quận Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội) thì gặp cảnh xe ô tô bị khóa vô lăng đến hai lần. Nguyên nhân cũng vì thấy xe đổ lệch, loay hoay sửa cho xe thẳng, tự dưng nổ máy không được và chị phải cầu cứu chồng, xe mới trở lại bình thường.
Ngoài ra, ở một số dòng xe ô tô hiện đại, khi người lái thực hiện thao tác đỗ xe, không nên đánh hết lái. Bởi vì sau khi tắt máy rút chìa khóa vô lăng, cũng có thể khiến vô lăng bị khóa. Bên cạnh đó, đối với dòng ô tô sử dụng chìa cơ chủ xe cần lưu ý, nếu khi đậu xe bánh lái không thẳng mà bạn cố gắng kéo chìa cũng gây nên tình trạng khóa vô lăng. Và thật sự khó khăn để tài xế tra chìa vào ổ ở các loại xe này.
Lý giải cho sự cố trên, các chuyên gia đưa ra nhận định, đây chỉ là tính năng chống trộm mà các hãng sản xuất trang bị cho xe ô tô. Nguyên lý hoạt động dựa trên động cơ, nếu động cơ đã tắt thì bơm trợ lực cũng không hoạt động gây nên hiện tượng khóa vô lăng. Bơm trợ lực là một bộ phận của hệ thống trợ lực. Có hai loại hệ thống trợ lực từ dầu (cơ) và điện, ở mỗi loại sẽ có các ưu nhược điểm khác nhau. Nhưng cả hai đều chung mục đích hỗ trợ giảm tác động lực của tay lên vô lăng và giảm thời gian vô lăng phản hồi lại, khi bạn bắt đầu đánh lái.
Như vậy, có thể kết luận rằng, vô lăng ô tô bị khóa do ảnh hưởng từ thiết kế của nhà sản xuất để phòng ngừa kẻ gian, chống trộm cắp. Bạn cũng có thể yên tâm khi vô lăng khóa không hề gây ảnh hưởng hay hư hại cho hệ thống lái của xe ô tô. Và bạn có thể tránh được sự cố này nếu như không cố gắng xoay vô lăng khi xe chưa nổ máy hay chỉnh bánh xe thẳng khi đã đỗ xe. Song, nếu vô lăng bị khóa, chủ xe cần phải làm gì?
Cách khắc phục lỗi vô lăng ô tô bị khóa
Lời khuyên tốt nhất cho trường hợp này đó là khởi động lại động cơ. Theo chia sẻ từ anh Trần T. Viết Quang – chuyên gia kỹ thuật Sài Gòn Ford, anh cho rằng: “Trong tình huống này, tài xế chỉ cần vừa lắc nhẹ vô lăng hướng sang phải hay trái, đồng thời cùng lúc tra chìa khóa vào ổ. Chỉ cần đề máy lên, vô lăng sẽ được mở khóa”.
Do đó, người lái nên thực hiện theo thao tác lắc nhẹ vô lăng ô tô và đồng thời cắm chìa khóa vào ổ, là có thể giải quyết sự cố này. Hoặc đơn giản hơn. Bạn chỉ cần cắm chìa vào ổ, xoay chìa và lắc nhẹ. Như vậy, vô lăng sẽ trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, lưu ý rằng, có một tình huống khác dễ bị nhầm với khóa vô lăng, đó là tay lái nặng. Đây là vấn đề hay gặp phải của các dòng xe sử dụng hệ thống trợ lực điện. Nếu bạn tắt máy, bộ phận bơm dầu chuyên hỗ trợ hệ thống lái và phanh không thể tiếp nhận được năng lượng. Do đó, tay lái sẽ trở nên nặng hơn và nhất là người có lực tay yếu hay phụ nữ thường khó khăn khi đánh lái.
Vô lăng ô tô bị khóa chủ yếu chỉ là một tính năng an toàn của xe. Chính vì thế, bạn không nên quá lo lắng khi lỡ rơi vào tình huống này. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm, hệ thống lái sẽ không bị ảnh hưởng khi vô lăng bị khóa. Dù vậy, bạn cũng nên lưu ý các nội dung trên nhằm hạn chế sự cố này xảy ra, gây ảnh hưởng đến kế hoạch, hành trình của bạn.
Thanh Hùng