Cách sử dụng kích nâng ô tô an toàn
Thông thường, các hãng xe sẽ trang bị cho người sử dụng một chiếc kích mini để họ tự thực hiện các thao tác cứu hộ trong trường hợp khẩn thiết. Việc dùng kích để nâng ô tô và tiếp cận gầm xe là việc không đơn giản, chỉ cần sơ sẩy có thể gây hậu quả khôn lường. Do đó bạn cần tuân thủ các quy tắc dưới đây:
1. Tự trang bị các kiến thức cơ bản về kích nâng ô tô
Trong trường hợp phải tự mình thực hiện việc kích nâng ô tô, bạn không nên nóng vội, đưa ngay kích vào gầm xe để nâng. Việc đầu tiên cần làm là quan sát thật kỹ và thực hiện theo đúng nguyên tắc cơ bản sau:
– Chỉ dùng kích nâng xe trong thời gian ngắn, tránh để quá lâu bởi trọng lượng ô tô rất nặng, nếu muốn nâng xe trong thời gian dài thì nên chọn cầu nâng ô tô (một thiết bị có hệ thống an toàn chuyên nghiệp) hoặc dùng mễ kê (cơ cấu nâng cơ khí, hạn chế thấp nhất rủi ro).
– Không được bỏ qua mễ kê hoặc chân kê phụ khi phải lăn vào gầm xe kiểm tra. Đây là nguyên tắc quan trọng hạn chế tai nạn nếu như bạn sử dụng sai kích hoặc kích bị lỗi.
– Không dùng gạch hoặc đá để thay cho mễ kê do chúng có thể trượt, vỡ nứt trong quá trình sử dụng, không đảm bảo an toàn cho người xung quanh.
– Trước khi sử dụng kích để nâng ô tô, bạn nhớ cài số P đối với xe sử dụng hộp số tự động hoặc về số 1 đối với xe sử dụng số sàn.
– Đề phòng xe bon khi nâng lên, bạn cần kéo phanh tay, chốt chặn bánh xe đối diện cùng chiều ở thân xe. Có thể tận dụng gạch, đá làm chốt chặn. Việc chốt chặn rất quan trọng, nhất là khi cần sửa chữa bánh sau.
– trước khi kích ô tô, cần tìm nơi đỗ xe có địa hình bằng phẳng. Trường hợp xe bất ngờ thủng lốp trên đường dốc, hãy nhanh chóng tấp xe vào lề đường, đánh vô-lăng về phía lề, sau đó kéo phanh tay và chốt chặn bánh xe ở phía chân dốc để xe không tự bon.
– Tuyệt đối không thực hiện việc nâng xe trên đường cao tốc. An toàn nhất là khởi động đèn cảnh báo, nhờ sự trợ giúp của đội cứu hộ.
2. Các bước kích ô tô an toàn
Bước 1: Tự xác định điểm cần nâng dưới gầm xe. Để thao tác chính xác, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng xe do nhà sản xuất cung cấp hoặc điện thoại đến bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng xe để nhận được hướng dẫn nhiệt tình.
Bước 2: Chọn hướng hợp lý nhất để luồn kích vào gầm xe, đảm bảo pad đỡ (dạng tròn hoặc chữ nhật, ở đầu kích) nằm trùng với điểm nâng mà bạn xác định trước đó.
Bước 3: Thực hiện thao tác để nâng xe theo chỉ dẫn sau:
+ Đối với kích cá sấu thủy lực: tay cầm đặt ở đuôi kích, vặn tay kích hết cỡ theo chiều kim đồng hồ nhằm khóa van dầu, sau đó giật tay lên xuống để nâng kích (nếu kích cá sấu có chân đạp, bạn nên sử dụng chân để nâng kích và nhớ khóa van dầu trước khi nâng.
+ Đối với kích cắt kéo hình chữ A: Bạn luồn tay quay lỗ giữa thân kích, sau đó quay theo chiều kim đồng hồ để nâng ô tô. Với những kích chữ A sử dụng điện thì bạn kết nối chúng với nguồn điện trên xe ô tô.
Bước 4: Đưa mễ kê vào những điểm gần kích chính. Điều chỉnh chiều cao mễ kê ở mức cao nhất và khóa lại để cố định chiều cao. Nếu có nhiều mễ kê, bạn cần đảm bảo chiều cao của chúng phải bằng nhau. Cuối cùng, hạ chiều cao của kích chính bằng việc vặn tay kích ngược chiều kim đồng hồ) để xe tựa vào chân kê.
Bước 5: Thử lắc xe để xác định lại độ vững chãi của xe. Nếu cảm thấy xe chưa được cố định thì điều chỉnh lại các thiết bị nâng và điều chỉnh lại điểm nâng. Việc rung lắc xe giúp bạn kiểm tra xem xe có di chuyển hay không. Bạn đừng lo nếu thao tác thử độ rung làm sập xe bởi nếu xe sập khi còn 4 bánh sẽ gây không gây hại như khi đã bị tháo 1 bánh.
Bước 6: Khi đã hoàn thành việc sửa chữa, bạn bỏ các mễ kê ra trước, từ từ hạ kích cho đến khi bánh xe chạm đất. Cuối cùng là đưa kích ra khỏi gầm xe ô tô, gỡ bỏ các vật chặn bánh.
Việc dùng kích nâng ô tô là việc làm chứa nhiều rủi ro, do đó, người thực hành cần đảm bảo các yếu tố an toàn tiêu chuẩn và cẩn thận thực hiện từng thao tác.