Các tình trạng thường gặp và cách khắc phục cho ghế da xe hơi
– Da ghế bị sờn, bạc màu, bong tróc: Ngoài lý do sử dụng lâu thì nguyên nhân có thể đến từ việc chủ xe sử dụng các dung dịch làm sạch có nồng độ dung môi lớn hoặc cọ xát quá mạnh trong quá trình vệ sinh. Cách khắc phục là chủ xe nên pha loãng dung dịch vệ sinh với nước ấm và sử dụng khăn sạch, mềm để chùi rửa bề mặt da.
– Da ghế bị bám bẩn: Phần lớn là do người sử dụng làm rơi vãi thức ăn, làm đọng đồ uống trên bề mặt ghế da. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là hạn chế ăn uống trong xe, hay nếu làm rơi vãi thì cần làm sạch ngay bề mặt. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên dọn vệ sinh, làm sạch nội thất ô tô.
Đỗ xe trực tiếp dưới trời nắng dễ khiến bề mặt ghế da bị bạc màu, phồng rộp.
– Da ghế bị nhăn, phồng, rộp: Khi đỗ xe trực tiếp dưới trời nắng nóng hoặc khi đứng lên/ngồi xuống, đè/tỳ mạnh lên bề mặt ghế da trong quá trình sử dụng sẽ khiến ghế da bị phồng, nhăn và rộp. Cách giảm thiểu tình trạng này là tránh để đồ nặng lên bề mặt ghế; tránh đỗ xe dưới trời nắng cũng như tỳ/đè quá mạnh trong quá trình sử dụng.
– Da ghế bị xù: Vệ sinh bằng máy hút bụi công suất lớn và để da ghế ẩm ướt trong thời gian dài là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này. Chủ xe nên chú ý hạn chế mặc quần áo ướt và ngồi lên xe cũng như để ghế ẩm ướt lâu ngày không làm khô. Bên cạnh đó, khi vệ sinh nội thất xe cũng không nên dùng máy hút bụi công suất lớn để giảm thiểu tình trạng da ghế bị xù.
Các bước bảo dưỡng ghế da ô tô bóng, bền, đẹp
B1: Kiểm tra bề mặt ghế da
Di chuyển xe vào khu vực râm mát, đủ ánh sáng để kiểm tra bề mặt ghế da. Che kín các vết rách, thủng trên bề mặt trước khi vệ sinh, bảo dưỡng ghế da để tránh nước, dung dịch vệ sinh hay chất tẩy lọt vào lớp trong gây ẩm mốc.
B2: Dùng máy hút bụi để làm sạch
Dùng máy hút bụi để làm sạch ghế da xe hơi.
Sau khi kiểm tra kỹ, hãy sử dụng máy hút bụi để loại bỏ các hạt bụi bẩn, đất cát hoặc các vụn thức ăn trên bề mặt cũng như tại các kẽ xung quanh ghế. Trong quá trình hút bụi hãy chú ý nhẹ nhàng để tránh làm xước bề mặt da.
B3: Dung dịch tẩy rửa
Không có chuẩn chung cho vật liệu da. Do đó, khi vệ sinh cần chọn chất tẩy rửa phù hợp, đặc biệt là độ PH. Nếu chọn sai loại sẽ làm hỏng bề mặt ghế da dẫn đến bị ố hoặc bạc màu khó hồi phục.
B4: Làm sạch, tẩy ố
Làm sạch các vết ố trên bề mặt ghế da ô tô.
Để làm sạch bề mặt ghế da ô tô hãy sử dụng ít nhất 2 khăn và bàn chải mềm trong quá trình vệ sinh. Xịt dung dịch làm sạch đến đâu thì dùng khăn sạch lau đến đó, tránh để dung dịch bay hơi hoặc khô mới lau đến. Với những vết bẩn bám chắc cứng đầu sử dụng bàn chải mềm để làm bong chất bẩn ra. Vệ sinh ghế da cần làm nhẹ nhàng để tránh hư bề mặt da.
B5: Thoa chất dưỡng
Sử dụng dưỡng chất để thoa lên bề mặt ghế da xe hơi để giữ cho da luôn mềm, có độ bóng và đàn hồi. Hãy vệ sinh ghế da ô tô tầm 4-6 tháng/lần để không gian nội thất xế yêu của bạn luôn sạch sẽ như mới cũng như ghế ngồi luôn êm ái và không có mùi khó chịu.
Note: Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm chăm sóc bảo dưỡng xe ô tô thì để ghế da xe hơi duy trì được tuổi thọ cao cũng như giữ được độ bền đẹp lâu cần tránh khiến da bị quá nóng như hạn chế đỗ xe trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, mở hé cửa khi đỗ xe trong mùa hè, sử dụng điều hòa đúng cách. Ngoài ra, cần chú ý sử dụng khăn lau chuyên dụng để tránh làm hỏng bề mặt da. Nếu để xe lâu không hoạt động hãy sử dụng các vật liệu che chắn cần thiết để bảo vệ nội thất ô tô nói chung và bề mặt ghế da xe ô tô nói riêng.
Ảnh: Internet