Dịp Tết thường là khoảng thời gian mà tần suất sử dụng ô tô tăng cao hơn ngày thường. Do đó, vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng cho xe trước những chuyến đi xa như du lịch, về quê, thăm hỏi người thân và bạn bè là hết sức cần thiết.
Xe ô tô cũng như bất kỳ một loại phương tiện hay máy móc nào khác, qua thời gian sử dụng và làm việc, chúng đều bị hao mòn các chi tiết, giảm chất lượng chất bôi trơn và các dung dịch của các hệ thống trên xe. Từ thực tế này, công việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ ra đời nhằm đảm bảo độ an toàn, ổn định của các chi tiết máy, giảm sự cố hỏng hóc, qua đó giúp tăng tuổi thọ cho các chi tiết và thành phần trên xe.
Sau đây là các hạng mục bạn cần chú ý trước khi mang xe đi bảo dưỡng để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới:
Kiểm tra lốp xe
Một trong những bộ phận quan trọng nhất, ảnh hưởng đến khả năng vận hành, độ an toàn cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu của xe trong suốt quá trình sử dụng là lốp xe. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra lốp xe sẽ giúp cho bạn cảm thấy yên tâm hơn khi di chuyển trên đường.
Có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình sử dụng lốp.
Yếu tố đầu tiên là độ mòn của lốp. Hãng sản xuất lốp luôn có nhiều cách nhắc nhở khách hàng của mình khi nào nên tay lốp. Thông dụng nhất, trên rãnh gai lốp luôn có các vị trí đánh dấu độ mòn tới hạn của lốp. Khi độ cao gai lốp và độ cao của các điểm này bằng nhau, bạn nên thay lốp ngay.
Xem thêm: Lốp xe và những điều cần biết
Trong quá trình sử dụng, cứ mỗi 10,000 km, bạn nên mang xe đi đảo lốp một lần để tất cả các lốp được mòn đều hơn, đảm bảo tuổi thọ và hiệu suất của lốp. Sau khoảng 50,000 đến 70,000 km phải thay lốp một lần để đảm bảo cho quá trình vận hành được an toàn và tối ưu nhất.
Yếu tố còn lại là áp suất lốp. Bơm lốp đúng áp suất giúp xe lăn trên đường với toàn bộ mặt lốp, mặt tiếp xúc được trải đều hơn, qua đó giúp mòn đều bề mặt lốp.
Bên cạnh đó, một bộ lốp được bơm đúng áp suất còn mang đến những lợi ích trực tiếp cho người sử dụng như độ êm ái tối ưu nhất, khả năng vào cua ổn định, quãng đường phanh ngắn nhất và tiết kiệm nhiên liệu.
Xem thêm: Áp suất lốp là gì? Vì sao áp suất lốp là thông số mà người lái phải biết?
Áp suất lốp thường khác nhau tùy theo mẫu xe và loại lốp được nhà sản xuất sử dụng. Người dùng có thể biết được thông số áp suất lốp tiêu chuẩn bằng cách xem ở phần giấy hướng dẫn dán trên phần khung cửa ở ghế lái.
Kiểm tra nước làm mát
Công dụng chính và quan trọng nhất của nước làm mát là đảm bảo động cơ vận hành trong dải nhiệt độ tối ưu nhất và không bị nóng, quá nhiệt trong quá trình sử dụng, đặc biệt là những chuyến du lịch dài ngày hay trong điều kiện giao thông đông đúc của những giáp Tết.
Các vấn đề quá nhiệt liên quan đến rò rỉ và hao hụt nước làm mát có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho xe, nặng nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến những thành phần cốt lõi trong động cơ như trục khuỷu (cốt máy), thanh truyền (tay dên), piston,… và sẽ tốn của bạn một khoảng tiền không nhỏ để khắc phục.
Để kiểm tra nước làm mát, bạn chỉ cần mở nắp ca-pô để xem xét mực nước giữa 2 vạch Full/Low trên thân bình. Nếu nước nằm ngoài 2 vạch, cần châm thêm hoặc rút bớt.
Thời hạn thay thế nước làm mát định kỳ có thể khác nhau tùy theo mỗi nhà sản xuất, con số tương đối là khoảng 40,000 km.
Kiểm tra ắc-quy
Không như các thành phần cơ khí, những hỏng hóc, mất chức năng trong các thành phần và thiết bị điện nói chung thường xảy đến bất ngờ và ít có dấu hiệu để nhận biết hơn. Do vậy, việc kiểm tra ắc-quy không bao giờ là thừa.
Ắc-quy cũng đóng vai trò quyết định trong hệ thống khởi động (bộ đề) của xe. Ắc-quy không hoạt động đồng nghĩa với việc bạn và xe khả năng cao phải chấp nhận “nằm đường” và chờ cứu hộ – một trải nghiệm không ai mong muốn, đặc biệt trong những ngày Tết tất bật và bận rộn.
Công đoạn đầu tiên của việc kiểm tra bình ắc-quy đó là cần kiểm tra các điện cực phía trên nắp bình, đảm bảo tất cả các điện cực được nối chính xác. Khi phát hiện các vấn đề chập điện, cháy, rò rỉ chất lỏng,… hãy thay mới ngay để tránh xảy ra cháy nổ, tai nạn.
Sau đó, kiểm tra mực nước bên trong có nằm giữa 2 vạch Upper và Lower hay không. Nếu mực nước quá thấp, bạn cần đổ thêm hoặc thay bình mới.
Xem thêm: Những lưu ý quan trọng khi lựa chọn ắc-quy cho xe
Kiểm tra dầu động cơ (nhớt máy), dầu trợ lực lái và dầu phanh
Nếu ví động cơ như trái tim thì dầu nhớt nói riêng và hệ thống bôi trơn nói chung chính là các mạch máu nuôi sống cơ thể. Thật vậy, dầu nhớt có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành, độ bền bỉ và ổn định của động cơ và các bộ phận khác. Như tất cả những thành phần môi chất khác trên ô tô, dầu nhớt cần được kiểm tra và thay thế định kỳ.
Bạn cần kiểm tra mức nhớt của xe ít nhất một lần/tháng và sửa chữa ngay khi có dấu hiệu rò rỉ (mức nhớt thấp hơn tiêu chuẩn). Các bước để kiểm tra mức nhớt nằm trong Sổ tay người dùng được gửi kèm khi mua xe, thường sử dụng que thăm gắn chung với nắp nhớt.
Thời điểm thay nhớt thường phụ thuộc vào đặc tính của từng loại nhớt khác nhau (gốc khoáng, bán tổng hợp, tổng hợp hoàn toàn), đời và tuổi của xe, điều kiện đường xá và khí hậu cũng như thói quen vận hành của lái xe.
Để ước tính thời gian thay nhớt một cách tương đối và đơn giản nhất, ta thường dựa vào gốc của dầu nhớt:
– Dầu gốc khoáng: 4,000 – 6,000 km.
– Dầu gốc bán tổng hợp: 7,000 – 8,000 km.
– Dầu gốc tổng hợp hoàn toàn: 8,000 – 12,000 km.
Đó là con số tham khảo có độ chính xác tương đối. Thực tế thì ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, dầu nhớt được bổ sung thêm những phụ gia đặc chế giúp bảo vệ động cơ và kéo dài thời gian thay dầu. Bên cạnh đó, nhiều xe ô tô hiện nay có sử dụng chức năng thông báo trên màn hình khi đến hạn thay nhớt. Hệ thống này sẽ đo quãng đường đã di chuyển và sức ì trong quá trình vận hành để tính toán thời điểm thay nhớt cho xe.
Và cuối cùng, chủ xe cần thay nhớt máy có thông số giống với thông số được nhà sản xuất quy định trong Sổ tay người dùng để đảm bảo cho quá trình hoạt động được trơn tru và phù với những đặc tính động cơ của nhà sản xuất. Bạn cũng cần lưu ý, cứ hai lần thay nhớt thì một lần thay lọc nhớt để đảm bảo cho quá trình vận hành của hệ thống bôi trơn.
Bên cạnh nhớt máy, dầu trợ lực lái (với những xe sử dụng trợ lực thủy lực), dầu phanh, dầu vi sai (dầu cầu) và dầu hộp số cũng là những thành phần ảnh hưởng quyết định đến độ an toàn, khả năng điều khiển và can thiệp của lái xe khi vận hành.
Phần kiểm tra và thay thế các loại môi chất đặc biệt này cũng được ghi rõ trong Sổ tay người dùng cho từng dòng xe khác nhau của nhà sản xuất. Bạn cũng có thể tham khảo các thông số tương đối dưới đây để có cái nhìn tổng quát về thời điểm thay thế:
– Dầu trợ lực lái, dầu phanh: khoảng 40,000 km.
– Dầu hộp số, dầu cầu: 40,000 km, 80,000 km hoặc 120,000 km tùy theo phẩm chất dầu.
Một số thành phần khác cũng cần được thay thế định kỳ là:
– Lọc gió: khoảng 20,000 km tùy theo điều kiện sử dụng của xe.
– Lọc nhiên liệu (xăng, diesel): khoảng 40,000 km.
Hy vọng qua bài viết này, danhgiaXe đã mang đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản và hữu ích nhất về vấn đề bảo dưỡng xe, qua đó bạn sẽ trang bị đủ những kiến thức và cơ sở cần thiết để duy trì xe ở trạng thái tốt nhất, chuẩn bị cho những ngày lễ Tết bận rộn với tần suất sử dụng cao.