Ngoại thất xe ô tô rất dễ bị tổn hại do các yếu tố ngoại cảnh. Do đó, các chi tiết ngoại thất rất cần được chăm sóc kỹ lưỡng.
Ngoại thất của xe ô tô sẽ gồm tất cả những bộ phận bên ngoài của xe, từ lớp vỏ xe cho đến các bánh xe, phanh xe, kính, gương, bộ tản nhiệt, đèn, các cửa xe… Trong khi đó, mỗi bộ phận lại có một cách thức chăm sóc đặc thù. Vì vậy mà các chủ xe luôn quan tâm đến các kinh nghiệm cụ thể nhất khi chăm sóc ngoại thất ô tô nhằm áp dụng cho những chiếc xe “cưng” của mình.
Việc chăm sóc tốt cho ngoại thất của xe ô tô sẽ đảm bảo xe vận hành tốt nhất. Các bộ phận ngoại thất của xe cũng có vai trò quyết định tới độ an toàn khi xe tham gia giao thông. Chẳng hạn, bộ phận phanh của xe nếu không được chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên, thì chủ xe có thể sẽ không phát hiện được tính trạng phanh bị mòn dẫn tới độ hãm của phanh giảm đi, khiến xử lý kém trong tình trạng khẩn cấp.
Ngoài việc chăm sóc thường xuyên các bộ phận của xe, thì để ngoại thất xe được bền đẹp, các chủ xe cũng nên lưu ý chọn vị trí đỗ xe. Ánh nắng mặt trời có thể làm lớp sơn xe và một số chi tiết ngoại thất của xe nhanh bị thoái hoá như cần gạt nước, hay các gioăng cửa. Bởi vậy, nên chọn nơi có bóng mát để đỗ xe. Trường hợp không tìm thấy bóng dâm, thì khi đỗ chủ xe nên sử dụng bạt để che cho xe. Do vậy mà chủ xe cần thường xuyên chăm sóc và bảo dưỡng ngoại thất cho chiếc ô tô của mình. Dưới đây là một số chỉ dẫn về việc chăm sóc cho ngoại thất của xe được chia sẻ từ những người giàu kinh nghiệm.
Tham khảo thêm: Giá thảm lót sàn ô tô 6D
Màu sơn và thân vỏ
Lớp sơn của xe ô tô khi xuất xưởng có màu sắc sắc nét và rất bóng bẩy. Không kể đến nguyên nhân va quệt thì sau một thời gian sử dụng, vẫn rất dễ nhận thấy lớp sơn của xe trông đã có vẻ cũ hơn và mất dần độ bóng làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ của xe. Khi quan sát bề mặt sơn thấy xuất hiện những vết xước nhỏ li ti. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do việc lau hoặc rửa xe không đúng kỹ thuật. Việc sử dụng khăn để lau xe khi mà trên xe vẫn bám nhiều bụi bẩn vô tình sẽ khiến những hạt bụi bẩn chà sát lên bề mặt sơn xe và tạo ra các vết xước. Khi rửa xe, cũng cần loại bỏ hết bụi bẩn trước khi lau rửa với các hoá chất chuyên dụng.
Vì thế, muốn giữ được cho lớp sơn xe luôn mới “cóng” thì chủ xe hãy lưu ý đến công đoạn rửa xe. Không nên vì thấy xe bị các vết bẩn mà sử dụng giẻ để lau bề mặt xe, việc này có thể giúp chiếc xe trông sạch sẽ tạm thời nhưng lại làm hư hại lớp sơn của xe, làm mất độ bóng ban đầu của lớp sơn.
Chủ xe nên chọn các gara rửa xe uy tín và theo dõi quá trình rửa xe của gara trước khi tin tưởng giao xe cho các gara tự rửa các lần sau đó. Chú ý rằng, khi rửa xe luôn phải dùng vòi nước có áp lực cao để xịt toàn bộ thân vỏ xe giúp loại sạch bụi bẩn bám trên xe sau đó mới tiến hành rửa xe với hoá chất. Ở những vị trí như chắn bùn, cản trước, cản sau… thường sẽ bẩn hơn những phần khác nên cần được rửa riêng. Nếu các chủ xe muốn tự rửa xe tại nhà thì cần tham khảo kỹ lưỡng các chỉ dẫn rửa xe để tránh các thao tác sai làm tổn hại đến bề mặt sơn của xe. Đặc biệt chú ý là không sử dụng các loại khăn, giẻ bẩn để lau lên thân xe.
Lốp xe
Không cần nói nhiều thì ai cũng hiểu tầm quan trọng của bánh và lazang xe. Chủ xe nên dành thời gian để kiểm tra và bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cho bộ phận bánh xe và lazang của xe để có thể tăng tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe. Chú ý kiểm tra tình trạng hơi của các bánh xe. Nhà sản xuất luôn đưa ra mức áp suất tối ưu cho bánh xe, nên khi bơm xe ô tô chủ xe cần yêu cầu thợ bơm đúng áp suất. Kể cả với tình trạng lốp xe bị non hoặc bơm quá căng cũng sẽ ảnh hưởng tới độ bền và độ an toàn khi lái xe.
Để kiểm tra áp suất của lốp ô tô có đảm bảo hay không, người sử dụng có thể thử búng vào thành lốp, nếu nghe thấy tiếng boong boong chứng tỏ lốp vẫn căng. Nhưng tốt nhất là nên dùng các thiết bị đo áp suất cầm tay để có thể kiểm tra xem áp suất lốp có đảm bảo hay không. Khi đỗ xe, các lái xe chú ý tránh tình trạng đỗ gác nửa bánh lên vỉa hè. Kiểu đỗ xe này sẽ tạo áp lức không đều lên thành lốp, khiến lốp xe nhanh bị phù, dập, thậm chí là nứt vỡ nếu vỉa hè quá cao. Trong tình trạng bắt buộc phải đỗ “chân trên, chân dưỡi”, các lái xe hãy cho toàn bộ phần bánh xe lên vỉa hè.
Khi xe chạy thời gian dài sẽ xuất hiện tình trạng các lốp xe mòn không đều. Nguyên nhân có thể do địa hình, do cách vận hành xe hoặc do tải trọng trên xe phân bố không đều. Để khắc phục tình trạng này, chủ xe cần tiến hành đảo lốp định kỳ để tăng độ bền cho lốp xe. Ngoài ra, người sử dụng xe cũng nên chú ý tới “độ chụm” của bánh xe. Nên yêu cầu các gara kiểm tra thường xuyên độ chụm hoặc tự mình kiểm tra tại nhà để phát hiện các tình trạng bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
Hệ thống đèn
Đèn xe ô tô được thiết kế với mục đích chiếu sáng và phát tín hiệu cho xe, nhưng đồng thời cũng thể hiện được nét thẩm mỹ và phong cách của xe. Do vậy, đây là bộ phân cũng rất quan trọng và cần chăm sóc thường xuyên. Đối với đèn xe, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của các loại đèn trên xe. Những xe đã hoạt động với thời gian trên 2 năm, có thể xảy ra tình trạng cháy bóng, và đây không phải là sự cố hy hữu. Sẽ rất nguy hiểm nếu di chuyển nếu các đèn tín hiệu gặp sự cố hoặc điều khiển xe khi trời tối mà không đảm bảo được điều kiện chiếu sáng.
Một vấn đề hay gặp đối với đèn xe là quan sát thấy hơi nước hấp hơi bên trong hộp đèn. Nguyên nhân có thể do hộp đèn xuất hiện các vết nứt khó nhận biết hoặc gioăng bị hở. Để xử lý tình trạng này, chủ xe nên đưa xe tới gara để thợ sửa xe mở cụm đèn và bỏ vào trong đèn một gói silic oxit sau đó lắp cụm đèn lại như bình thường. Silic oxit có tác dụng hút ẩm và an toàn với vật liệu nên sẽ ngăn chặn được tình trạng ngưng tụ nước bên trong đèn. Với những xe đã sử dụng thời gian dài, đèn xe có thể bị hoen ố, làm cho đèn xe mờ, hiệu quả chiếu sáng thấp. Chủ xe có thể tự sử dụng các dung dịch chuyên dụng để làm sạch bề ngoài của vỏ đèn hoặc đưa đến các gara để xử lý.
Hệ thống phanh
Những chiếc ô tô hiện nay hầu hết được thiết kế phanh đĩa ở cả bốn bánh xe, việc thường xuyên chăm sóc và bảo dưỡng, làm sạch phanh xe sẽ đảm bảo cho các má phanh hoạt động hiệu quả. Bên cạnh việc bảo dưỡng định kỳ cho phanh mỗi năm một lần thì các chủ xe nên tự kiểm tra và chăm sóc cho hệ thống phanh xe.
Các bước tự kiểm tra hệ thống phanh xe bao gồm việc kiểm tra đèn báo ABS, nghe tiếng phanh của xe hoặc thử đạp phanh để kiểm tra trợ lực. Khi khởi động xe, hệ thống phanh chống bó cứng được khởi động thì đèn báo sẽ bật sáng và sau đó tự tắt. Trong trường hợp đèn báo của hệ thống ABS bật sáng liên tục hoặc nhấp nháy chứng tỏ hệ thống phanh này đã gặp vấn đề.
Âm thanh phát ra khi phanh sẽ cho người lái biết được tình trạng của phanh. Nếu khi đạp phanh thất có tiếng ken két hoặc tiếng ma sát của kim loại thì má phanh đã bị mòn nên đưa xe đi bảo trì phanh. Nên kiểm tra phanh xe trước khi vận hành, người lái đạp thử phanh xe trước khi xe nổ máy nếu thấy chân phanh có cảm giác bị hẫng thì hệ thống trợ lực chân không đã gặp vấn đề. Lúc này cần gọi thợ đến sửa chữa thay vì tiếp tục lái xe ra đường.
Gạt mưa
Trong mùa mưa, những chiếc cần gạt nước giữ một trọng trách rất lớn. Tuy nhiên, việc chăm sóc cần gạt lại ít được chú ý. Để những chiếc cần gạt nước sử dụng bền bỉ và có hiệu quả tốt, người lái không nên bật cần gạt khi kính lái khô, sẽ ảnh hưởng tới mô tơ của cần gạt và độ ma sát lớn có thể làm xước kính xe. Do cần gạt rất dễ bị thoái hoá dưới tác dụng của nhiệt độ, nên các chủ xe nên hạn chế tối đa việc đỗ xe dưới nắng nóng. Khi bật cần gạt thấy xuất hiện tiếng rít, hoặc gạt không hết nước chứng tỏ cần gạt đã có dấu hiệu hỏng và nên thay thế.
Kính
Đối với kính lái và các kính cửa sổ, nên sử dụng lớp dán cách nhiệt. Lớp dán này sẽ đồng thời giúp hạn chế tác động của nhiệt với xe, vừa có tác dụng giữ cho bề mặt kính ít bị trầy xước hơn.
Nếu như kính xe bị bám bẩn, nên ít kéo kính lên xuống để tránh hiện tượng bụi rơi vào khe gioăng của cửa. Điều này sẽ làm cho gioăng nhiễm bẩn và nhanh thoái hoá. Lớp bụi này cũng có thể cọ sát vào mặt kính gây ra các vết xước.
Mai Hà