Bầu trợ lực phanh bị hỏng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động phanh, do đó khi thấy các dấu hiệu sau cần kiểm tra bầu trợ lực phanh gấp.
Bầu trợ lực phanh là gì?
Bầu trợ lực phanh ô tô (còn gọi bầu trợ lực chân không hay bầu hơi trợ lực) là bộ phận có vai trò khuyếch đại lực đạp chân phanh. Nhờ có bầu trợ lực phanh mà người lái sẽ không tốn nhiều sức khi nhấn bàn đạp phanh. Hệ thống trợ lực phanh ô tô hoạt động theo nguyên lý tận dụng sự chênh lệch giữ chân không động cơ và áp suất khí quyển.
Cấu tạo và nguyên lý bầu trợ lực phanh ô tô
Cấu tạo trợ lực phanh
Cấu tạo trợ lực phanh ô tô gồm có: cần điều khiển van, van điều khiển, buồng áp suất biến đổi, buồng áp suất không đổi, lò xo màng, piston trợ lực…
Nguyên lý bầu trợ lực phanh
Khi không đạp phanh
Ở trạng thái bình thường, van không khí kết nối với cần điều khiển van và bị lò xo hồi vị của van kéo về bên phải. Van điều chỉnh bị lò xo đẩy sang bên trái. Thế nên, không khí ở ngoài bị chặn không vào được buồng biến đổi áp suất.
Van chân không bị tách khỏi van điều chỉnh tạo nên một lối thông cho lỗ A và lỗ B. Do đó khi này luôn có chân không trong buồng áp suất không đổi và buồng áp suất biến đổi. Vì thế lò xo màng ngăn đẩy piston sang phải.
Khi đạp phanh
Khi người lái đạp phanh, van điều kiển được mở ra làm thông rãnh không khí dưới tác dụng của các lò xo hồi vị. Cùng lúc đó, van không khí cũng được dịch chuyển sang bên trái bởi lò xo van điều chỉnh.
Các chuyển động này sẽ khiến lối thông giữa buồng A và B bịt lại. Van không khí tiếp tục di chuyển sang trái làm cho không khí bên ngoài lọt vào buồng áp suất biến đổi (sau khi qua lưới lọc). Sự chênh lệch giữa áp suất buồng áp suất biến đổi và buồng áp suất không đổi sẽ tạo nên sự khuyếch đại lực nén lò xo và tăng áp lực piston giúp thực hiện quá trình phanh dễ dàng.
Khi nhấn giữ phanh
Khi người lái đạp giữ phanh liên tục, nếu ở mức độ nhẹ, cần điều khiển van và van không khí không dịch chuyển hẳn qua bên trái nhưng piston vẫn được đẩy sang trái. Lúc này, không khí bên ngoài bị chặn không vào được buồng áp suất biến đổi. Do đó áp suất trong buồng biến đổi vẫn ổn định nhờ van điều khiển dịch chuyển sang trái và tiếp xúc.
Nhờ đó có thể duy trì một độ chênh lệch áp suất không đổi giữa áp suất biến đổi và áp suất ổn định, có thể duy trì trợ lực phanh.
Dấu hiệu bầu trợ lực phanh bị hỏng
Các dấu hiệu bầu trợ lực phanh đang gặp vấn đề:
Phanh bị nặng, mất trợ lực phanh
Khi bầu hơi trợ lực phanh bị trục trặc thông thường sẽ gặp vấn đề về áp suất. Khi này áp suất không được đạt chuẩn, khiến không tạo được sự chênh lệch áp suất giữa buồng áp suất ổn định và buồng áp suất thay đổi lúc kích hoạt phanh.
Khi đạp chân phanh, van điều khiển tiến về bên trái và đẩy van không khí và đĩa phản lực. Điều này làm piston xy lanh chính tác động trực tiếp lực lênh phanh. Do đó, hệ thống phanh ô tô vẫn sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do xe bị mất trợ lực phanh nên khi đạp phanh người lái sẽ thấy phanh bị nặng hơn bình thường.
Phanh không ăn, phanh chậm
Do bầu trợ lực phanh bị hư nên lực phanh không được khuếch đại. Điều này khiến hệ thống phanh không còn hoạt động hiệu quả như trước. Vì vậy xe thường có dấu hiệu phanh không ăn, phanh bị chậm, quãng đường phanh dài hơn bình thường.
Bàn đạp phanh cao/thấp hơn bình thường
Khi bầu trợ lực phanh ô tô có vần đề bàn đạp phanh bị thấp hoặc cao hơn bình thường. Đây là một trong các dấu hiệu lỗi trợ lực phanh thường gặp.
Xe bị khựng, giật, rung khi đạp phanh
Từ nguyên lý bầu trợ lực phanh có thể thấy bộ trợ lực phanh ô tô có một màng ngăn không cho không khí vào buồng áp suất. Nếu màng ngăn này bị hở thì xe sẽ thường bị khựng, giật, rung… khi người lái kích hoạt phanh.
Bầu trợ lực phanh là một bộ phận quan trọng trong hệ thống phanh ô tô. Do đó khi bảo dưỡng phanh ô tô cần kiểm tra cả bầu trợ lực phanh. Bởi nếu bầu trợ lực phanh gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của hệ thống phanh.
Văn Đoàn