Kết quả cuộc bầu cử tổng thống giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tác động rộng rãi đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Sự tác động này sẽ trải từ niềm tin của người tiêu dùng trong ngắn hạn đến các chính sách pháp lý và thương mại dài hạn.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, Trump đã bãi bỏ quy định, đàm phán lại và khởi động các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Nếu tổng thống của Đảng Cộng hòa tái đắc cử, nhiều điều tương tự cũng được mong đợi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Những mong đợi này bao gồm thuế suất doanh nghiệp thấp hơn, một nền thương mại tập trung vào nước Mỹ và giảm các quy định về môi trường.
Trong khi đó, nếu Biden, một thành viên của Đảng Dân chủ, trở thành Tổng thống Mỹ, sẽ có những quy định mới về môi trường. Điều này đã được Biden chú trọng ngay từ khi ông làm phó tổng thống dưới thời chính quyền Obama. Phần lớn chiến dịch của Biden tập trung vào việc hỗ trợ các chính sách môi trường của Mỹ, trong đó có cả những chính sách phát triển xe điện – một trọng tâm ngày càng tăng của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Theo nhà phân tích John Murphy của BofA Securities, nếu Donald Trump trúng cử nhiệm kỳ thứ hai, ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ “giống như trước, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực”. Trong khi đó, nếu, Biden đắc cử, “các chính sách có thể trở nên ổn định hơn / dễ dự đoán hơn, nhưng sẽ cứng rắn hơn”.
“Rất giống với diễn biến cuộc bầu cử năm 2016, kết quả bầu cử tổng thống sẽ tác động đáng kể đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ và toàn cầu”, Murphy viết trong một lưu ý cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu đảng Dân chủ thắng, BofA Securities dự kiến sẽ có những “phản ứng tiêu cực ban đầu đối với cổ phiếu ô tô”, song điều này có thể được bù đắp bằng kế hoạch kích thích kinh tế rộng lớn hơn và môi trường pháp lý ổn định hơn.
Trong trường hợp Đảng Cộng hòa thắng, BofA Securities kỳ vọng “phản ứng tích cực ban đầu đối với cổ phiếu ô tô vì từ góc độ chính sách, mọi thứ vẫn tương đối thuận lợi”.
Vậy ứng cử viên nào thắng cử sẽ tốt hơn cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ? Điều này phụ thuộc vào cả tình hình chung lẫn từng hãng xe riêng.
Tiết kiệm nhiên liệu và khí thải
Vấn đề chia rẽ lớn nhất giữa các ứng cử viên liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ là những quy định về tiết kiệm nhiên liệu và khí thải.
Quan điểm của ông Trump chống lại các quy định ngặt nghèo, với lý do công nghệ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như vậy sẽ làm tăng giá xe và ngăn cản khách hàng mua xe mới hơn, an toàn hơn.
Đầu năm nay, chính quyền Trump đã hoàn thành việc xem xét các tiêu chuẩn khí thải xe cộ của Mỹ, vốn được thông qua dưới thời chính quyền Obama.
“Trump coi quy định là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi Biden ủng hộ việc sử dụng các quy định để đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn của mình, đặc biệt là mục tiêu chống biến đổi khí hậu”, Kristin Dziczek, phó chủ tịch ngành công nghiệp, lao động và kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, cho biết trong một bài đăng blog gần đây.
Biden đã cam kết sẽ khôi phục và nâng cao các quy định đó. Ông cũng dự kiến sẽ cho phép California và các tiểu bang khác đặt ra các tiêu chuẩn riêng của họ, điều này đã chia rẽ các nhà sản xuất ô tô.
Ford Motor, Honda Motor, Volkswagen và các hãng khác đã đạt được thỏa thuận với California về các yêu cầu khí thải, trong khi General Motors, Toyota Motor và Fiat Chrysler đứng về phía Trump.
Xe điện
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô cho biết họ không hoạch định các quyết định kinh doanh xoay quanh các chính sách của một khu vực hoặc các nhà lãnh đạo chính trị, song ngành công nghiệp này đang ở một bước ngoặt tiềm năng liên quan đến xe điện.
Chính quyền Trump không nhất thiết phải làm bất cứ điều gì để ngăn chặn việc sử dụng xe điện, nhưng cũng sẽ không làm được gì nhiều để thúc đẩy tăng trưởng của xe điện.
Biden đã hứa đầu tư công 400 tỷ USD vào năng lượng sạch, bao gồm công nghệ pin và xe điện. Một phần trong kế hoạch khí hậu của Biden bao gồm việc dành chi tiêu của chính phủ để hỗ trợ xe điện, với 500.000 cửa hàng sạc xe điện mới vào cuối năm 2030.
Dự kiến một kế hoạch như vậy sẽ thúc đẩy các phương tiện điện đi vào cuộc sống. Đó sẽ là một chiến thắng cho các nhà sản xuất ô tô như GM và Tesla đang đầu tư hàng tỷ USD vào những phương tiện như vậy.
Biden cho biết ông muốn thiết lập một chương trình giảm giá “tiền mặt cho người bán hàng” nhằm khuyến khích người Mỹ đổi xe cũ lấy xe điện mới. Tín dụng thuế hiện tại được bắt đầu dưới thời chính quyền Obama.
Thương mại
Trump đã thực hiện nhiều cuộc thương mại song phương, bao gồm việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ để trở thành Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada, hoặc USMCA, và thực hiện thuế quan trong nỗ lực cân bằng thương mại với Trung Quốc và các nước khác.
Trump cũng chỉ trích nặng nề Tổ chức Thương mại Thế giới – một cơ quan chính phủ quốc tế có nhiệm vụ điều chỉnh các thông lệ thương mại quốc tế. Trump gọi WTO là “thất bại”, nói rằng các nước như Trung Quốc đã tận dụng WTO. Mỹ đe dọa sẽ rời khỏi WTO.
Cả Trump và Biden đều chỉ trích Trung Quốc là nước vi phạm thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Trump tìm kiếm các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh, trong khi “Biden có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận đa phương để cân bằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thông qua việc thực thi mạnh mẽ hơn các quy tắc thương mại hiện có và hỗ trợ cho WTO”, theo Dziczek.
Các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư hàng tỷ đô la để tránh các mức thuế cao của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ bằng cách sản xuất xe tại Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới. Tesla bắt đầu sản xuất xe điện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, trong khi các nhà sản xuất ô tô như GM cố gắng mở rộng hoạt động tại quốc gia này.
Theo CNBC