Khi thời tiết bước sang “mùa lửa”, nhiều chi tiết, bộ phận của xe ô tô sẽ dễ gặp trục trặc và hỏng hóc.
1. Hệ thống làm mát
Đây chắc chắn là thiết bị cần được quan tâm nhiều thiết trên xe ô tô vào mùa nắng. Bởi trong những ngày hè, khi nhiệt độ lên cao, chủ xe thường sử dụng điều hòa với công suất tối đa để tận hưởng cảm giác mát mẻ. Chính điều này đã gia tăng áp lực lên hệ thống làm mát và có thể khiến các bộ phận trong hệ thống này nhanh chóng hỏng hóc hơn.
Để bảo đảm hiệu năng sử dụng của máy lạnh, các chủ xe nên:
- Thứ nhất: Định kỳ bảo dưỡng các bộ phận của hệ thống làm mát, vệ sinh sạch sẽ lọc gió, quạt gió và hai dàn nóng, lạnh. Nếu trong quá trình bảo dưỡng phát hiện các thiết bị đã bị mòn rỉ hoặc giảm hiệu năng hoạt động, nên nhanh chóng thay mới, hoặc có phương án sửa chữa kịp thời để tránh làm ảnh hưởng tới các thiết bị khác.
- Thứ hai: Kiểm tra nước làm mát và bổ sung thêm ga (môi chất làm lạnh) nếu cần thiết.
- Thứ ba: Sử dụng điều hòa đúng cách: không nên bật máy lạnh hết công suất khi mới lên xe, nên tắt điều hòa vài phút trước khi tắt máy xe. Bên cạnh đó, có thể thêm các biện pháp tản nhiệt khi mới lên xe để giảm áp lực lên động cơ và hệ thống làm mát, linh hoạt các chế độ gió trong và gió ngoài để không phải sử dụng điều hòa với công suất tối đa…
Nếu thực hiện tốt ba điều trên, hệ thống làm mát trong xe của bạn có thể hoạt động ổn định trong suốt những tháng nắng nóng của mùa hạ.
Tham khảo thêm: Thảm lót sàn xe hơi
2. Lốp xe
Các lốp xe phải chịu một áp lực rất lớn trong ngày hè. Nguyên nhân là bởi lốp sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và chịu nhiệt ma sát cực cao mỗi lần phanh xe. Chính điều này đã khiến áp suất lốp tăng lên, tạo ra sự chênh lệch áp suất giữa các bánh xe và khiến xe lật vì không đủ lực bám nếu vào cua. Bên cạnh đó, việc mưa nắng thất thường của mùa nóng cũng khiến nhiệt thay đổi liên tục và khiến lốp nhanh bị lão hóa hơn so với các mùa khác trong năm. Nếu không phát hiện kịp thời những hóc hỏng ở lốp xe, người lái có thể gặp nguy hiểm nếu xe đang chạy mà bị nổ lốp.
Để ngăn ngừa tình trạng này, vào mùa nắng, bạn cần lưu ý kiểm tra các lốp xe trước mỗi lần xuất phát. Đồng thời, nhanh chóng bổ sung hơi nếu lốp có dấu hiệu bị giảm áp suất hoặc thay mới các lốp xe nếu thấy lốp mòn vẹt hoặc đã có các dấu hiệu bị lão hóa như nứt nẻ.
3. Nước làm mát và dầu bôi trơn
Vào thời điểm nắng nóng, xe sẽ tiêu thụ nhiều hơn các loại nước mát, dung dịch làm mát và dầu bôi trơn để phục vụ cho quá trình tản nhiệt trong động cơ. Mỗi một chiếc xe đều có khá nhiều loại dầu bôi trơn và nước làm mát ở các bộ phạn khác nhau như: dầu hộp số, dầu động cơ, dầu tay lái, dầu hệ thống phanh… Do vậy, các chủ xe nên định kỳ đưa xe đến xưởng bảo dưỡng để kiểm tra các loại dầu bôi trơn và hệ thống nước, dung dịch làm mát này. Nếu thấy nước đã cạn và dầu đã bị đục màu thì cần thay mới.
Nếu chủ xe không lưu tâm đến vấn đề này thì các hệ thống máy móc của xe sẽ luôn phải hoạt động trong tình trạng quá nhiệt. Đây chính là điều tối kỵ bởi về lâu dài, xe sẽ bị giảm tuổi thọ và các chi tiết máy cũng nhanh xuống cấp hơn, đặc biệt với các bộ phận “nhạy nhiệt” như hộp số, hệ thống làm mát…
4. Cần gạt mưa
Mùa nóng cũng thường kèm theo các cơn mưa bất chợt và nhiều khó bụi ô nhiễm hơn. Do vậy, gạt mưa cũng là thiết bị được sử dụng với tần suất cao trong mùa này. Dưới sự tác động của nhiệt độ cao phả ra từ lớp kính và nắng chiếu, đệm cao su của gạt mưa sẽ nhanh chóng xơ cứng, nứt vỡ và không thể tiếp tục sử dụng. Nếu lái xe không kịp thời thay mới lớp đệm này, không những gạt mưa hoạt động không hiệu quả làm giảm tầm nhìn mà còn có thể gây ra những vết trầy xước trên kính chắn gió cabin.
Gạt mưa có thể dễ dàng tháo lắp và thay mới ngay tại nhà. Ngoài ra, các chủ xe còn có thể áp dụng một số mẹo để tăng tuổi thọ cho gạt mưa như: dựng đứng gạt mưa, thường xuyên làm vệ sinh gạt mưa hoặc không dùng cần gạt mưa để dọn bụi đất, phân chim hoặc các tạp chất bắn lên kính… Đây đều là những mẹo nhỏ nhưng khá hiệu quả và có thể giúp người điều khiển xe giảm bớt một khoản chi phí dùng để thay gạt mưa mới.
5. Da bọc khoang nội thất
Nếu đậu xe dưới trời nắng nóng, nhiệt độ trong cabin xe có thể lên tới trên 60 độ C hoặc thậm chí đạt tới 80 độ C nếu dừng xe quá lâu. Đây là mức nhiệt “tàn phá” đối với các chất liệu như da, nhựa ở trong cabin xe. Do vậy, nếu phải thường xuyên đậu xe dưới trời nắng nóng, các chủ xe cần có biện pháp che chắn để giảm lượng nhiệt hấp thụ vào trong cabin xe. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các loại bạt, các loại vải chuyên dụng để phủ kín toàn bộ chiếc xe. Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng có thể giảm nhiệt trong cabin như: dùng các miếng vải để che chắn các kính cửa, giảm lượng tia nắng chiếu vào trong xe hoặc dán phim cách nhiệt. Những biện pháp này đều dễ thực hiện với chi phí khá thấp.
Một lưu ý khác rất quan trọng mà các chủ xe cần biết. Đó là khi dừng xe dưới trời nắng nóng, chất liệu da trong cabin xe bị tác động bởi nhiệt cao nên sẽ sinh ra một lượng rất nhỏ khí benzene cực kỳ độc hại. Nếu hít phải khí này, cơ thể người sẽ ngay lập tức sinh ra các phản ứng như khó thở, nôn mửa, hoa mắt, choáng váng, hạ huyết áp… Do vậy, trước khi vào xe, người điều khiển xe cần mở hết cửa sổ để giúp thoáng khí và đẩy hết khí độc hại ra khỏi cabin xe.
6. Hệ thống đường ống dẫn trong xe
Các loại ống dẫn, doăng đệm và dây kéo trong xe thường được thiết kế bằng cao su tổng hợp. Đây là chất liệu dễ bị tác động nhất khi nhiệt độ lên cao. Dưới sự ảnh hưởng của nắng nóng, các loại vật liệu cao su này thường bị xơ cứng, nứt vỡ hoặc đứt gãy. Do vậy, khi bảo dưỡng xe trong mùa hè, bạn cũng nên cẩn thận kiểm tra với các loại ống dẫn, vòng đệm hoặc dây kéo bằng cao su. Nếu thấy bất kỳ một chỗ nào có dấu hiệu hư hỏng thì cần sửa chữa hoặc thay mới ngay lập tức. Việc để ống dẫn bị nứt vỡ có thể gây rò rỉ nước làm động cơ bị ‘đơ”, không thể tiếp tục hoạt động. Nếu rò rỉ diễn ra ở đường dẫn nhiên liệu thì cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể làm phát sinh các vụ cháy nổ.
7. Bình ắc quy
Mặc dù ắc quy xe có tuổi thọ sử dụng khá cao nhưng đây cũng là thiết bị dễ bị hỏng hóc vào mùa hè nóng. Nguyên nhân là bởi nhiệt cao làm chất lỏng bay hơi nhanh hơn dẫn tới áp suất và liều lượng dung dịch trong ắc quy không đạt chuẩn và tổn hại các cấu trúc sinh điện phía bên trong. Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng “chết” ắc quy xe. Ngoài ra, nhiệt cao cả phía ngoài xe và phía trong xe cũng dễ gây mất cân bằng xung điện, làm chập cháy ắc quy. Trong trường hợp này, chủ xe buộc phải thay ắc quy mới.
8. Sơn xe
Nhiệt cao trong mùa nắng nóng cũng tác động không tốt đến lớp sơn ngoại thất của xe. Nhiệt cao khiến cấu trúc lớp sơn dễ bị phá hủy hơn vì các phân tử cấu thành sơn luôn ở trong tình trạng giãn nở. Ngoài ra, để hạ nhiệt cho xe, nhiều chủ xe thường tiến hành rửa xe ngay khi mới di chuyển đường dài và máy vẫn còn nóng. Điều này không hề tốt cho sơn ngoại thất bởi trong lúc này, chiếc xe vẫn còn ấm và làm xà phòng nhanh khô hơn. Chúng bám chặt vào lớp sơn và có thể để lại những vết bẩn xấu xí khó làm sạch cho chiếc xe.
Có rất nhiều cách khác nhau mà chủ xe có thể áp dụng để bảo vệ chiếc xe của mình trong mùa nóng. Chẳng hạn như: che chắn kỹ càng cho xe khi phải đậu xe trong thời gian dài ở ngoài trời, ưu tiên dừng xe ở những nơi có bóng cây râm mát, lên một lộ trình di chuyển hợp lý để tránh phải đỗ xe lâu vào thời điểm giữa trưa hoặc thường xuyên vệ sinh, tẩy rửa cho xe… Những giải pháp này đều dễ thực hiện và không tốn kém quá nhiều chi phí.
Với những thông tin về các bộ phận dễ hư hỏng bởi nhiệt cao, nắng nóng trên đây, chúng tôi hi vọng rằng bạn sẽ có thêm các giải pháp khác để gia tăng tuổi thọ sử dụng cho các thiết bị này của xe. Ngoài ra, bạn đừng quên đón đọc thêm các bài chia sẻ khác về mẹo hay sử dụng ô tô để luôn chăm sóc xe hợp lý, tiết kiệm. Chúc bạn luôn có những chuyến hành trình đầy tiếng cười, đầy trải nghiệm với gia đình trên những chiếc xe bền bỉ, êm ái.
Hoài An