Hệ thống côn là cầu nối trung gian giữa động cơ, hộp số và cầu chủ động. Nếu lỗi phát sinh ra từ bộ phận này sẽ khiến cho việc điều khiển xe rất khó khăn, thậm chí còn rất nguy hiểm đến sự an toàn trong nhiều tình huống. Oto.com.vn hướng dẫn bạn đọc 5 cách phát hiện ra lỗi của côn xe ô tô để bạn đọc có những biện pháp khắc phục nhanh chóng.
1. Đạp côn nặng
Khi bắt đầu điều khiển xe, côn và số là bộ phận quan trọng để xe di chuyển. Nếu lái xe cảm thấy nặng nề khi vào côn, ngay cả khi đã dùng bộ trợ lực côn mà vẫn thấy nặng thì có thể nguyên nhân là do hệ thống điều khiển ly hợp của xe bị thiếu dầu nghiêm trọng.
Cách xử lý: Trường hợp thiếu dầu này chủ xe có thể tự đổ thêm dầu hoặc thay dầu mới tại nhà. Hoặc nếu ai không biết hoặc không muốn tự làm có thể mang xe đến garage để bổ sung. Chi phí đổ dầu xe cũng không quá đắt.
2. Nhả côn, xe giật
Hiện tượng này sẽ xảy ra khi tài xế đang cài số, buông chân côn khiến động cơ bị giật và rung mạnh, sự kết nối của bộ hợp ly không được êm. Điều này chứng tỏ bộ hợp ly đang có vấn đề cần khắc phục, có thể là côn xe không chuẩn hoặc thậm chí là bộ hợp ly bị vỡ chi tiết nào đó. Ngoài ra nguyên nhân còn có thể là lò xo giảm chấn, bàn ép bị nứt,…
Cách xử lý: Trong tình huống xe bị lỗi như vậy thì chủ xe không thể tự mình sửa chữa tại nhà được nếu lái xe không kiêm cả nghề sửa chữa ô tô. Tốt hơn hết là hãy mang xe đến garage để kiểm tra và sửa chữa ngay.
3. Bàn đạp côn bị rung
Khi động cơ đang nổ, lái xe ấn nhẹ chân lên bàn đạp ly hợp mà bạn thấy bàn đạp côn bị rung, sau đó nhấn mạnh chân hơn thì bàn đạp ly hợp lại hết rung thì có thể đĩa ly hợp đã bị lắp sai khiến đĩa bị lệch và gây mòn bộ ly hợp.
Cách xử lý: Khi côn xe bị lỗi này, bạn cần kiểm tra lại tình trạng côn và đĩa ly hợp cho chuẩn. Nếu bạn có kỹ năng tháo lắp thì việc này hoàn toàn có thể tự làm tại nhà. Hoặc nếu không thì bạn hãy nhờ đến những người có kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô là tốt nhất.
4. Đạp côn có tiếng kêu
Trong bộ phận côn xe có vòng bi “T” được gọi là vòng bi để ngắt ly hợp. Nếu khi bạn đạp côn mà có tiếng kêu phát ra thì khả năng cao vòng bi T đã bị hỏng, mòn hoặc thiếu mỡ bôi trơn.
Cách xử lý: Nếu trường hợp này xảy ra, chủ xe cần thay vòng bi và bổ sung thêm mỡ bôi trơn để côn xe hoạt động tốt hơn, dẹp bỏ ngay tiếng kêu khi đạp ấn vào bàn đạp ly hợp.
5. Lên dốc yếu vì trượt côn
Khi hoạt động trong điều kiện cần đến máy khỏe như lên dốc hoặc tăng tốc mà bạn lại phải thất vọng vì xe chạy ì ạch, yếu ớt thì nhiều khả năng mô-men từ động cơ không được truyền tới bánh xe do côn bị trượt. Nguyên nhân dẫn tới việc này là do đĩa ma sát đã bị mòn, có trường hợp là do dầu của động cơ hoặc hộp số lọt gây mất ma sát.
Cách xử lý: Việc sửa chữa lỗi côn này rất phức tạp vì phải tháo lắp hộp số và kiểm tra kiểm tra bề mặt tiếp xúc của đĩa ép, bánh đà, ổ bi,…Bạn cần xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến việc xe leo dốc yếu trước khi mang đến garage để sửa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia có kinh nghiệm về ô tô, tuổi thọ trung bình curea đĩa ma sát là 120.000 km, vậy nên lái xe cần thay mới dựa theo số km xe đã chạy kết hợp với điều kiện vận hành và thói quen của người sử dụng để thay đĩa ma sát mới cho phù hợp, đảm bảo việc vận hành được trơn tru hơn.
Nhìn chung, với những lỗi thường gặp của côn xe ô tô có biểu hiện có vẻ rất bình thường nhưng lại có hậu quả rất nghiêm trọng. Thậm chí nó còn có thể khiến đĩa côn mới mòn nhanh hơn, hoặc cụm ly hợp làm việc kém hiệu quả,…gây mất an toàn khi lái xe. Bởi vậy, chủ xe hãy để ý và cân nhắc việc sửa chữa hoặc thay thế mới ngay khi phát hiện ra bệnh.
(Nguồn ảnh: vietnamnet.vn)