Thông thường nếu nhắc tới Singer, chúng ta sẽ nghĩ tới các phiên bản phục chế độc đáo với diện mạo hoàn toàn mới, tất cả được làm lại một cách đầy nghệ thuật từ những chiếc Porsche 911 làm mát bằng không khí cổ điển. Công ty có trụ sở tại California sẽ làm được tất cả mọi thứ theo yêu cầu nếu bạn có đủ tiền, chính vì vậy một khách hàng lâu năm của Singer đã đưa ra ý tưởng biến chiếc Porsche 911 của mình thành một mẫu xe đua địa hình. Kết qủa là Singer không chỉ chiều lòng khách hàng, mà hãng đã vượt ngoài mong đợi với siêu phẩm mang tên All-terrain Competition Study (ACS).
Tất nhiên Porsche 911 đã được Singer tái thiết kế và đặt tên là All-terrain Competition Study (ACS). Mẫu xe địa hình được phát triển lại từ chiếc 964 và lấy cảm hứng từ Giải vô địch đua xe thế giới cùng với các mẫu xe như 911 SC/RS và 959 từng vô địch giải Dakar. Bên cạnh đó ACS cũng kết hợp nhiều đường nét thiết kế hiện đại mà Singer trước đây đã từng làm. Thương hiệu độ xe của Mỹ không nổi tiếng về những mẫu xe đua, vì vậy họ đã hợp tác cùng công ty Tuthill Porsche có trụ sở tại Oxfordshire chuyên phục hồi lại những chiếc Porsche cổ để phục vụ cho các giải đua.
Chiếc 911 đời 1990 đã được thay toàn bộ dàn áo cũ bằng bộ cánh mới góc cạnh làm bằng sợi carbon. Đặc biệt phía trước đầu xe là tấm chắn bùn cỡ lớn và bộ vành nhôm đúc 16 inch đi kèm lốp gai địa hình BFGoodrich. Ngoài ra chúng ta còn có thể thấy bộ cản trước sau bằng nhôm mỏng, cánh gió sau kích thước lớn, ống xả kép đặt giữa cản sau và cặp đèn pha có vẻ được lấy từ chiếc 911 RSR mới nhất của Porsche. Một điểm tạo nên dấu ấn riêng cho thương hiệu Singer vẫn tiếp tục duy trì đó là nắp bình xăng gắn chính giữa trên nắp ca-pô.
Khi mở nắp ca-pô trước sau chúng ta sẽ thấy điều đặc biệt trên chiếc ACS. Hệ thống treo hành trình dài gắn trực tiếp vào khung liền khối được gia cố. Mỗi bên gồm hai giảm sóc đôi trước sau điều chỉnh 5 nấc trên mỗi giảm sóc. Mỗi bánh xe được trang bị đĩa phanh thép đi kèm phanh monoblock 4 piston. Về động cơ cũng có nhiều thay đổi, 6 xi-lanh “Metzger” 3.6 lít được trang bị tăng áp kép đối xứng, hệ thống lái fly-by-wire cũng như tích hợp thêm hệ thống làm mát bằng nước.
Việc điều chỉnh chi tiết trong động cơ sẽ phụ thuộc vào các giải đua (chiếc xe được thiết kế cho cả giải Baja 1000 và Dakar Rally). Ở cấu hình cơ bản, ACS sở hữu công suất 450 mã lực và mô-men xoắn 569 Nm. Để đạt mô-men xoắn tối đa, ACS còn được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian với bộ vi sai chống trượt cơ học cầu trước và hộp số tuần tự 5 cấp sang số bằng cần hoặc lẫy chuyển số tích hợp trên vô lăng.
Bên trong, ACS trang bị khung bảo vệ cabin đúng quy định của Liên đoàn đua ô tô Thế giới FIA (dàn vỏ sợi carbon đã bù lại trọng lượng tăng thêm cho hệ thống này), ghế đua chuyên dụng được FIA chứng nhận, hệ thống định vị GPS bên ghế phụ và túi cung cấp nước uống cho cả người lái và phụ lái. Nội thất của ACS được chau chốt đến từng chi tiết bao gồm vô lăng thể thao 3 chấu, cần chuyển số cùng ghế ngồi phối hai màu tương phản đen đỏ, cửa điều hoà kiểu tua bin, phanh tay bằng sợi carbon và bảng đồng hồ kỹ thuật số.
Đó không phải là tất cả, ngoài chiếc ACS màu Parallax White xuất hiện trong bài viết này, vị khách hàng thân thiết của Singer còn đặt một chiếc khác màu Corsica Red được thiết kế cho các giải đua đường nhựa chạy tốc độ cao và cần độ bám đường lớn. Mặc dù không rõ chi phí của ACS là bao nhiêu nhưng những sản phẩm của Singer từ trước tới nay có giá không hề rẻ. Với quy mô của những thay đổi thực hiện trên chiếc xe, chúng ta có thể dự đoán giá của ACS cũng phải nằm ở mức 1-2 triệu USD như một chiếc Porsche 911 khác từng được Singer tái thiết kế là DLS.